Ăn “quả đắng” vì mua hàng trên mạng

(PLO) -Trên các diễn đàn mạng đang xôn xao thông tin về một cá nhân đã lợi dụng danh nghĩa thành viên quen biết để lừa hàng loạt người góp tiền mua hàng giá rẻ rồi quỵt tiền. Vụ việc lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn lừa đảo thông qua mạng xã hội.
Chiêu lừa cũ
Số người bị lừa hiện nay chưa thống kê hết, nhưng ban đầu đã lên đến vài chục người. Có người bị lừa vài triệu, có người bị lừa đến vài chục triệu đồng. Mới đây, trên Webtretho – diễn đàn nổi tiếng dành cho bà mẹ, trẻ em, lời cảnh báo đã được phát đi bởi các nạn nhân của vụ lừa đảo. Theo đó, nickname Suecoi (tên thật là Trần Thị Phương) đã tham gia diễn đàn nói trên, lấy lòng tin của nhiều thành viên là các bà mẹ trên diễn đàn này. 
Với danh nghĩa cán bộ ở Hà Nội đang công tác tại Mỹ, Phương hứa sẽ tìm mua các loại sữa trẻ em nhập khẩu, mỹ phẩm, điện thoại với giá rẻ và chất lượng tốt hơn thị trường rất nhiều. Tin lời Phương, nhiều bà mẹ đã gửi tiền để mua sữa cho con.
Ảnh minh hoạ
 Ảnh minh hoạ
Một bà mẹ có nick name Spring200… kể, vì đang trong quá trình tìm loại sữa tốt cho con, thấy Phương cho biết có lô hàng sữa nhập khẩu giá tốt nên đặt mua. Tuy nhiên, bà mẹ này đã chuyển tiền một tháng trời, sau bao cuộc gọi và tin nhắn trì hoãn, lúc thì nói bưu điện thất lạc, lúc thì nói bận đi xa… cho đến nay, chị vẫn không nhận được số sữa cho con và coi như mất số tiền trên 2 triệu đồng. 
Trong một hoàn cảnh tương tự nhưng đáng giận hơn là của nickname honghanh… Thấy Phương rao bán sữa thanh lý với giá quá rẻ, lại được Phương thuyết phục ngọt ngào nên bà mẹ này chuyển cho Phương số tiền 21 triệu 870 ngàn để mua một thùng sữa nhập khẩu. Thế rồi ba tháng trôi qua, cái được vẫn chỉ là lời hứa hẹn, chây ỳ, hết lý do này đến lý do khác.
Thậm chí, đến khi con của nạn nhân này bị phẫu thuật, nằm viện, chị đã gọi cho Phương để năn nỉ xin trả lại tiền để phẫu thuật cho con, Phương vẫn hứa hẹn cho đến tận lúc cháu bé lên bàn mổ thì Phương lặn mất tăm.
Một bà mẹ khác, vì tin lời Phương nên đã chuyển khoản gần 50 triệu đồng để mua một số thuốc men, mỹ phẩm nhập khẩu. Sau đó, bà mẹ này suýt bị Phương lừa chuyển tiền lần hai với số tiền hơn 30 triệu đồng, rất may có người quen phía ngân hàng cảnh báo kịp thời. Tuy nhiên, số tiền gần 50 triệu chuyển đi thì chỉ nhận được vài món hàng lẻ tẻ, không giá trị.
Với chiêu bài “góp vốn mua 10 cái iphone sẽ được tặng một cái” Phương cũng lừa được nhiều thành viên diễn đàn góp tiền cho Phương mua iphone chuyển về Việt Nam. Sau đó, điện thoại thì không thấy đâu, hàng thì không biết bao giờ mới thấy tăm hơi…
Bài học luôn mới
Thực ra, Phương (tên thật là Trần Thu Phương, 31 tuổi, trú tại phòng 418, tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) vốn là một đối tượng bị truy nã. Với chức danh Giám đốc Công ty TNHH Hải Song Ngư chuyên kinh doanh hàng nhập khẩu, Phương đã lừa tiền rất nhiều đại lý rồi bỏ trốn.
 Đầu năm 2011, qua mối quen biết, Phương nói có nguồn hàng điện thoại di động Iphone 4 lớn xách tay từ Hồng Kông về với giá rẻ hơn từ 2-3 triệu đồng/chiếc so với thị trường. Tin lời Phương, nhiều đại lý, trung gian buôn bán điện thoại đã đặt mua.
Để tạo lòng tin, lúc đầu Phương chỉ bán với số lượng “dè dặt”, khách đặt tiền, Phương giao hàng sòng phẳng. Thấy Phương giữ uy tín, hàng lại chất lượng, giá rẻ, khách hàng khá tin tưởng nên khi Phương tuyên bố có nguồn hàng giá cực rẻ sắp về đến Việt Nam thì rất nhiều đại lý đã đổ xô đến mang tiền đặt cọc cho Phương.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là chiêu lừa của Phương, sau khi nhận tiền, Phương đã “cao chạy, xa bay”. Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Trần Thu Phương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Hiện rất nhiều người, từ thành viên các diễn đàn cho đến các mối quen của Phương ngoài đời thực đều như đang “ngồi trên lửa” vì số tiền đưa cho Phương quá nhiều. Điều đáng nói là rất nhiều thành viên bị lừa trên các diễn đàn vẫn chưa lên tiếng tố cáo Phương trước pháp luật mà chỉ kêu gọi các thành viên diễn đàn, quản trị diễn đàn tìm kiếm, cung cấp thông tin về Phương. 
Một số người thì coi như “số tiền nhỏ, là bài học”. Một vài người khác thì vẫn giữ liên lạc và vẫn nuôi hy vọng vào những lời hứa hẹn lần khân của Phương. Mánh khóe của Phương để “câu thời gian” đó là cho biết mình cũng là nạn nhân, cũng bị lừa và đang tìm cách giải quyết, vẫn giữ liên lạc với một số người và hứa hẹn để chứng tỏ mình “không phải là kẻ lừa đảo”. Trong khi đó, Phương vẫn tiếp tục mở rộng địa bàn, tìm kiếm những “con mồi mới”. 
Chuyện lừa đảo số tiền lớn trên các mạng xã hội đã không còn là hiếm, tuy nhiên, cứ hết lần này đến lần khác, những vụ lừa đảo có tính chất dây chuyền vẫn diễn ra. Phổ biến nhất là hai trường hợp: lừa đảo đánh vào lòng thương hại và chiêu lừa mua hàng giá rẻ. Bài học cảnh giác trước những “miếng mồi” này chưa bao giờ là thừa./.

Đọc thêm