Án 'răng cắn lưỡi' và góc khuất sau ngai vàng triều Nguyễn

(PLO) - Hành động của Hồng Bảo thực tế diễn ra trong vô vọng, thiếu cơ sở và lộ liễu, bởi vậy, việc dẹp bỏ những âm mưu, hành động cướp ngôi của ông hoàng này không phải là vấn đề lớn. Nhưng kết cục của án này bị đời sau chê trách nhiều vì cho rằng “răng cắn lưỡi”. 
Hồng Bảo rất muốn làm chủ nơi triều yết điện Thái Hòa
Hồng Bảo rất muốn làm chủ nơi triều yết điện Thái Hòa

Không chỉ bất mãn với việc vua cha bỏ rơi mình, Hồng Bảo từng bước biến mối u uất trong lòng thành hành động cụ thể. Những đường đi, nước bước của Hồng Bảo, được nghiên cứu của Yoshiharu Tsuboi thể hiện rõ trong Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa. 

Hành động của Hồng Bảo

Mưu khởi loạn đầu tiên của Hồng Bảo, nhằm năm Tân Hợi (1851). Trong thư của Giám mục Retord, Giám mục Acanthe đại diện tông tòa giáo phận Tây Đàng Ngoài gửi cho Langlois và Charrier thuộc Chủng viện Hội Thừa sai Paris ngày 25/5/1851 đã tường thuật rất tường tận hành động của Hồng Bảo, và trong Việt sử tân biên cũng ghi lại điều tương tự. 

Để thực hiện âm mưu đảo chính giành lấy ngai vàng, Hồng Bảo “cầu thân” với các linh mục Thiên Chúa giáo nhưng không thành, bèn tìm đến những kẻ bất mãn dám tham gia, “một hôm ông ta họp bạn đồng mưu uống máu ăn thề”.

Sau đó, một vài người trong nhóm đi ra nước ngoài tìm bạn đồng minh. Một người từ Xiêm và Campuchia về, đi cùng với nhà sư đã lôi kéo được. Hiềm nỗi, nhà sư này do không được đối xử tốt nên đi tố cáo bạn đồng hành với quan, thế là anh chàng bị bắt, nhốt vào cũi và đưa về Huế. Bị tra tấn, kẻ này khai ra hết.

Trong khi ấy, cuối tháng Giêng Tân Hợi (1851), trong những ngày Tết Nguyên Đán, lợi dụng thời điểm Tết Cả, Hồng Bảo định đào thoát đi Singapore để nhờ sự giúp đỡ của người Anh, “một chiếc ghe nhỏ chờ ông ven con sông nhỏ chảy sát tường phủ thự của ông, trong lúc thuyền to có nhiệm vụ đưa ông đi Singapore đang chuẩn bị rời một bến cảng gần đó. Ghe và thuyền đều bị bắt giữ”.

Chứng cứ thu được là khí giới và đồ tích trữ có trên thuyền rất đáng ngờ. Cuộc đào thoát rõ là không thành. Biết đã bị lộ, ông hoàng lỡ ngai vàng ấy định tìm đến “bước đường cùng” khi “Lúc ông thấy âm mưu bị bại lộ, ông tìm cách tự sát; bị gia nhân ngăn lại, ông đành quyết định phó mặc cho sự khoan hồng của nhà vua”. 

Cũng theo những vị thừa sai này, thì vụ âm mưu này đã bị đem ra nghị án và cuộc xét xử kéo dài ba bốn tháng. Riêng đối với Hồng Bảo, thì “Ông hoàng Hồng Bảo bị xử án lăng trì; nhưng em trai ông ta đã tha chết cho ông và chuyển thành án tù giam chung thân, trong một nhà tù người ta xây riêng cho ông ta”.

Việt sử tân biên có tả lại, rằng khi gặp Tự Đức, “ông mặc áo chế, tóc để bù, tay ẵm đứa con sáu, bảy tuổi vào Đại Nội khóc thảm thiết với vua Dực Tông”, và nguyên nhân ông đi không phải để phản loạn mà như lời Hồng Bảo trần tình vì buồn thế thái, nhân tình, vì nghèo khó, bị xa lánh. 

Tác phẩm này dành một phần lớn nội dung cho vụ án Hồng Bảo
 Tác phẩm này dành một phần lớn nội dung cho vụ án Hồng Bảo 

Sự nhúng tay của ngoại quốc

Trong Việt Nam sử lược, ghi về vụ Hồng Bảo, chỉ để lại vắn tắt đoạn cuối của Hoàng Bảo: “Chẳng may sự lộ ra, ông ấy phải bỏ ngục, rồi uống thuốc độc mà chết”. Nhưng cũng sách này, Trần Trọng Kim cho hay trước đó khi không được lập làm vua, thì “ông ấy lấy điều đó làm tức giận, bèn đồ mưu với một nước ngoại quốc để tranh ngôi vua”. 

Sự nhúng tay của ngoại quốc, mà thực tế là thông qua Thiên Chúa giáo, được chính những giám mục ở trên cho hay là “nhà vua và các quan nghĩ rằng người Công giáo đã tìm cách dụ dỗ ông hoàng Hồng Bảo để thuyết phục ông đi trốn; đó là sự lầm lẫn thô thiển, hoặc sự vu khống lớn”.

Nhưng việc biết rõ nội tình việc khởi loạn của Hồng Bảo, lại là một điểm khó giải thích cho các vị thừa sai Công giáo lúc đó. Trong Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, TS Yoshiharu Tsuboi sau khi nghiên cứu đã cho rằng:

“Theo chúng tôi, thư này cho thấy giám mục Pellerin hoặc người Công giáo hay là cả giám mục lẫn một số giáo dân có thể đã dính líu rất sâu vào “âm mưu của Hồng Bảo”. 

Lại cũng thư Giám mục Pellerin viết năm Ất Mão (1855) cho hay, vào tháng Giêng năm Giáp Dần (1854)  “Khi người ta dẫn ông hoàng rồ dại ấy đến chỗ ở mới của ông ta, ông ta không chịu đi và đã lợi dụng lúc có một mình để thắt cổ bằng màn treo giường.

Vua cho chôn đơn giản bằng một cái hòm gỗ thường. Vài tên phu đào một cái hố sâu gấp đôi bình thường và sau khi đặt xác xuống, người ta ném một ít đất lên trên”. 

Vậy là cuối cùng thì người đã nằm sâu dưới ba thước đất, mà mộng đế vương còn tức tưởi chưa thành. Cái chết của Hồng Bảo, cũng được Bản triều bạn nghịch liệt truyện đề cập tới giống như trên, nhưng lại cho rằng “ông bị bắt trở về và vua ban cho tam ban triều điển, ông uống thuốc độc mà chết”. 

Tác phẩm này dành một phần lớn nội dung cho vụ án Hồng Bảo
 Tác phẩm này dành một phần lớn nội dung cho vụ án Hồng Bảo 

Án “răng cắn lưỡi”

Đại Nam thực lục, bộ sử đồ sộ của nhà Nguyễn còn ghi lại vụ biến loạn của Hồng Bảo. Tháng Giêng năm Giáp Dần (1854): “An Phong công là Hồng Bảo mưu khởi nghịch, rồi tự thắt cổ ở nơi giam”.

Nghĩa là ông lại định làm loạn lần hai. Nghi phạm chính của vụ đảo chính đã chết rồi, mà những người liên đới cũng chẳng có được yên thân. Ngay sau khi Hồng Bảo chết, cũng trong tháng Giêng năm Giáp Dần (1854):

“Con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu là viên đã chết là Tôn Thất Bật, đều bị tước tên trong sổ Tôn nhân; viên bị cách chức là Đào Trí Phú, phải tội lăng trì xử tử; các phạm nhân đều bị tịch thu gia sản và bắt cả thân thuộc”.

Còn vợ con Hồng Bảo cũng Thực lục ghi “Vua ra lệnh bắt đổi Bảo là họ Đinh và Bật đổi là họ Phan (đều là theo họ của mẹ)”.

Hành động của Hồng Bảo, không qua được tai mắt của vua Tự Đức. Bởi chăng, vua đã liệu chừng việc phản kháng của người anh: “Trước đây, vì Hồng Bảo không được lập lên làm vua, nên để lòng mưu phản, toan thông ngầm với người Tây dương.

Việc bị phát giác, nhưng vua vẫn ưu đãi, khoan dung cho Hồng Bảo. Đến năm ngoái (Quý Sửu - 1853), Hồng Bảo lại ngầm sai thuộc hạ ở phủ là Trần Tuấn Đức thông ước với nước Cao Miên nổi loạn. Kinh lược đại sứ là Nguyễn Tri Phương bắt được Đức giải về Kinh, tra xét quả là sự thực, Hồng Bảo tự tử ở nơi giam”. 

Sau này nhân một lần vua Tự Đức ngự thiện mà răng cắn vào lưỡi, lấy đó làm đề tài cho triều thần vịnh, quan Nguyễn Hàm Ninh đã làm bài thơ “Răng cắn lưỡi” ngụ ý chê trách vua Tự Đức làm cho vua phải giận tím mặt thâm mày. Dù khen thơ Ninh hay, nhưng vị quan này cũng bị dăm hèo vì dám chửi khéo vua:

Sinh ngã chí sơ nhữ vị sinh,

Như sinh chi hậu ngã vi huynh.

Trân tu tằng kỷ đồng cam khổ,

Khiết chỉ hoàn vong cốt nhục tình. 

Nguyễn Văn Đề dịch thơ:

Thuở bác (lưỡi) sinh ra chú (răng) chửa sinh,

Tự sinh ra chú, bác làm anh.

Tâm can từng lúc cùng san sẻ,

Cốt nhục đang tâm nghiến đứt tình. 

Cái chết trong ngục thất của Hồng Bảo, được Nam Việt lược sử để lại đôi dòng “Ông hoàng Bảo cũng là con Thiệu Trị, mà dòng chánh, bất bình bèn khởi loạn, bị vua Tự Đức bắt cầm ngục mà thác”.

Ấy nhưng, cũng có sách lại thậm xưng vấn đề, quy hết tội ác cho vua Tự Đức “tận diệt” dòng Hoàng Bảo, như Sử ký nước An Nam kể tắt có đoạn: “Vua đã giết anh, là An Phong, cho khỏi tranh ngôi, song lại có phe âm mưu tập lập quyết tôn con cả ông ấy, là Hoàng Tôn lên làm vua vì vậy vua Tự Đức giết hết cả nhà ông ấy, dầu một đứa nhỏ mười sáu tuổi vua cũng chẳng tha”.

“Kết tội” vua Tự Đức theo kiểu nhận vơ này sai lầm bởi trong Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa cho biết, các con của Hồng Bảo vẫn được sống ở Huế dưới sự kiểm soát và được học tại Quốc Tử Giám. 

Di họa của vụ đảo chính bất thành Hồng Bảo không chỉ dừng lại ở đây, mà như Việt Nam thời Pháp đô hộ cho hay, tháng 9/1866: “Đoàn Hữu Trưng âm mưu lật đổ vua Tự Đức để đặt người con của An Phong công Hồng Bảo là Đinh Đạo lên ngôi. Cuộc âm mưu này thất bại, song sự chống đối chính sách của vua Tự Đức lại trở nên mạnh hơn”...

Đọc thêm