Án tử 30 năm treo trên đầu người dân làng ung thư

(PLO) - Đã gần 30 trôi qua, người dân ở thôn Mỹ Lợi, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) luôn sống trong nỗi sợ hãi về căn bệnh ung thư quái ác. Nỗi đau đớn mất mát cứ thế nhân lên khi mỗi năm thôn nghèo này lại mất thêm vài người.
Ung thư đã như một cái án tử, nó cứ đeo đẳng trong từng nếp nghĩ của mỗi người khiến cuộc sống của họ ngày một thêm u ám, đau thương không lối thoát. 
"Cơn ác mộng" mang tên ung thư

Con đường nhỏ dẫn vào làng “ung thư” lởm chởm những hòn đá cuội, Thôn Mỹ Lợi ẩn hiện trước mắt bên những vạt mía xanh rờn trong cái gió nhẹ hiu hiu vào một buổi sáng của những ngày chớm đông. Tìm gặp ông Nguyễn Xuân Trường- Trưởng thôn, ông chia sẻ: “Ở thôn này nhiều người chết vì ung thư lắm, toàn người chết trẻ. Từ năm 1986 đến giờ, năm nào cũng phát hiện thêm vài người bị ung thư”.

Cạnh Trưởng thôn, có ông Kỳ Bí thư chi bộ, nhà ông Kỳ cũng có người mắc ung thư. Ông thở dài buồn rầu bảo: “Cụ nhà sinh được 3 người con trai, hai anh trai thì mất lúc còn rất trẻ giờ bỏ lại con cái nheo nhóc, cả nhà còn mỗi mình tôi”.

Căn bệnh ung thư quái ác ập đến với gia đình nào thì gia đình ấy biết chắc đã mang án tử, mặc dù đã cố gắng chạy chữa thuốc thang. Khi đi khám bác sĩ cũng chỉ lắc đầu bởi thông thường khi phát hiện ra trong người mang bệnh thì ung thư đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Cả thôn chỉ có 148 hộ dân, khoảng 600 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Mường. Chính ông Trường cũng không thể nhớ hết được cả thôn có bao nhiêu người Đã mất vì căn bệnh ung thư, ông chỉ nhớ rẳng: “khoảng 10 năm trở lại đây số người chết vì ung thư đã lên đến con số 50 người, còn những năm về trước đó không thể nhớ hết được”.

Không chỉ dừng lại ở con số ấy, bởi mỗi năm thôn Mỹ Lợi lại phát hiện thêm gần chục trường hợp mắc bệnh ung thư. Hễ cứ gia đình nào thấy có người kêu mệt mỏi liên miên, da vàng vọt, móng tay sẫm màu, bàn chân bàn tay co quắp, đưa đi khám chắc chắn là bệnh ung thư. Và hầu hết người trong thôn đều mắc chung một chứng bệnh ung thư gan. Hiện tại trong làng vẫn còn 5 người mắc bệnh ung thư gan. Họ đang duy trì sự sống từng ngày, từng giờ cả về thể xác lẫn tinh thần để giành giật sự sống với tử thần.

Nguyên nhân do đâu?

Ông Trường kể lại: “Vào những năm 1970 của thế kỷ trước khu vực của làng là thuộc (Nông trường vườn ươm) được xây dựng ngay ở dưới chân núi (ở trong thôn Mỹ Lợi) để tiện cho việc khai thác vào trông coi luồng. Thế nhưng vào những năm đó xuất hiện nạn dịch chấu chấu phá hại luồng của nông trường. Vì vậy ban quản lý đã cho phun thuốc diệt châu chấu loại DT66 (dạng thuốc bột màu hồng) trên một diện rộng xung quanh đồi. Sau khi phun xong còn dư một lượng thuốc lớn nông trường đã cho chôn cất xuống đất để tiêu hủy. Rất có thể do chôn vào khu vực có nguồn nước chảy xuống làng, vì vậy dân làng không biết nên vẫn dùng để sinh hoạt. Đây có thể là nguyên nhân gây ra ung thư”.
Bác Bùi Đăng Kỳ chỉ tay về hướng mà trước đây nông trường đã chôn thuốc DT66 dạng bột màu hồng

Bác Bùi Đăng Kỳ chỉ tay về hướng mà trước đây nông trường đã chôn thuốc DT66 dạng bột màu hồng

Ông Kỳ ngồi bên cạnh khẽ nhấc chén trà đặc và nói thêm: “Dạng thuốc đó cực độc, trâu bò ăn vào chết ngay tức khắc. Vì vậy thời gian đó dân trong làng không ai dám thả trâu bò vào gần khu vực này. Sau khi phun mùi hôi nồng nặc đến mấy tuần sau vẫn còn. Hiện tại vào những hôm trời nắng ẩm ở những khu vực chôn cất thuốc bà con vẫn còn ngửi thấy mùi thuốc ghê sợ đó”.

Cuộc sống bình yên của xóm nghèo bỗng trở nên tang tóc đau thương từ khi phát hiện ra ca tử vong đầu tiên của anh Bùi Công Trứ vào năm 1986. “Khi đó người dân vẫn thơ ơ cho rằng do anh lao động vất vả nặng nhọc rồi mắc bệnh chết chứ không ai giám nghĩ rằng căn bệnh quái ác ấy sẽ gõ cửa từng nhà một”, ông Trường buồn rầu cho biết.

Sau ca tử vong đầu tiên ấy, đột nhiên số lượng người chết vì ung thư cứ tăng lên khiến người dân hoang mang lo sợ. “Từ chỗ 1 người chết, dần dần tăng lên 2 - 3 người rồi 5 - 7. Cho đến nay bình quân mỗi năm có 5 - 6 người mất vì ung thư, chủ yếu rơi vào những người có độ tuổi trong khoảng từ 30 đến 50” - ông Trường Khẳng định thêm.

Để chứng minh những đều mình nói, ông dẫn chúng tôi đến khu vực nông trường cũ. Theo như quan sát khu vực Nông trường ngay xưa giờ đã được người dân trồng mía, thay vì trồng luồng như trước đây. Hiện tai đa số những người đã chết vì mắc bệnh ung thư thường rơi vào khu vực gần chân đồi mà trước đây Nông trường đã chôn cất thuốc, số gia đình sinh sống ở đó chiếm khoảng một nửa tổng số hộ trong làng.

Từ khi số lượng những người chết vì bệnh ung thư tăng lên nhiều người dân trong thôn luôn nghĩ rằng nguyên nhân chính là do nguồn nước bị nhiễm độc. Vì vậy người dân ở trong làng nhất là những hộ sinh sống ở gần khu vực này không giám dùng nguồn nước giếng mà họ đã chủ động tự xây bể chứa nước rồi lấy một nguồn nước ở một khu vực khác về sinh hoạt.
Nhiều hộ dân trong thôn vẫn lấy nguồn nước ngầm gần khu vực chôn thuốc chảy từ trong khe núi dẫn vào bể để làm nước sinh hoạt

Nhiều hộ dân trong thôn vẫn lấy nguồn nước ngầm gần khu vực chôn thuốc chảy từ trong khe núi dẫn vào bể để làm nước sinh hoạt 

Theo như ông Trường: “Xã Thành Vinh đã kết hợp với bà con trong xóm để cùng xây dựng một bể chứa nước lớn ở nơi khác để dẫn về khu vực bị nhiễm độc nặng. Tuy nhiên vì bể nước đã xây dựng quá lâu, ông dẫn nước lại làm bằng kẽm nên bị dỉ, khiến cho cả làng thường xuyên bị thiếu nước trầm trọng. Một số hộ dân trong khu vực bị nhiễn độc vẫn chủ quan dùng nước bằng giếng tự đào, vì vậy ngu cơ tiềm ẩn mầm mống bệnh tật cao, và chất độc có thể nhiễm vào bất kể ai”.

Đau đớn nằm chờ chết
Chị Nguyễn Thị Quyết đang nằm thoi thóp từng ngày vì bệnh ung thư đã chuyển sang giai đoạn cuối

Chị Nguyễn Thị Quyết đang nằm thoi thóp từng ngày vì bệnh ung thư đã chuyển sang giai đoạn cuối

Theo chân ông Kỳ, chúng tôi đến thăm một số gia đình bệnh nhân ung thư trong thôn. Đầu tiên là gia đình bà Trương Thị Tủi có người con gái thứ hai là Nguyễn Thị Quyết (48 tuổi) đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh. Đã hơn 3 tháng nay, từ khi phát hiên mình mang “án tử” chị Quyết chỉ nằm liệt một chỗ không thể đi lại được. Toàn thân chị gầy gò, chân tay co quắp, từng mảng da bong tróc, duy chỉ có đôi mắt khẽ liếc nhìn chúng tôi như mong đợi một phép màu kỳ diệu để hóa giải bệnh tật. 
Anh Bùi Văn Độ người đang mắc bệnh ung thư và duy trì sự sống được hơn một năm.

Anh Bùi Văn Độ người đang mắc bệnh ung thư và duy trì sự sống được hơn một năm. 

Ngôi nhà cấp bốn nằm sát ven đồi là gia đình anh Bùi Văn Độ sinh năm (1966). Trong dáng vẻ yếu ớt, làn da nhợt nhạt anh Độ cố gượng ngồi dậy tiếp chuyện. Vì bị bệnh nên chân tay anh bủn rủn, da vàng nhợt nhạt. Trong lúc nói chuyện anh ngồi nhìn chúng tôi chăm chăm như đang khao khát đến một sự sống cháy bỏng. Do phát hiện sớm nên hiện tại anh đang phải uống thuốc bắc để duy trì sự sống từng ngày. Anh Độ rơm rớm nước mắt bảo: “Đi khám bác sỹ bảo tôi bị teo gan, giờ uống thuốc bắc nhưng vẫn không đỡ, trong người cảm giác các dây thần kinh cứ co lại đau nhức và thở khó lắm anh à”.

Ông Bùi Đăng Kỳ bí thư chi bộ thôn Mỹ Lợi cho biết: “Việc rất nhiều người chết do nước bị nhiễm độc dẫn đến bệnh ung thư ở trong làng, ban thôn chúng tôi cũng đã lập hồ sơ báo cáo với bên Đảng ủy xã để chuyển xuống tuyến huyện xem xét. Thế nhưng mấy chục năm nay người dân trong thôn vẫn phải sống trong nỗi lo sợ vì bệnh tật, cảnh chết chóc tang thương hàng năm vẫn sảy ra mà chưa có một giải pháp nào cụ thể. Mong rằng các cấp chính quyền cùng cơ quan y tế sớm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân, giải quyết nỗi lo cho người dân”.

Chia tay ngôi làng bình dị vì cái chết vẫn luôn rình rập ấy mà lời nhắn nhủ của những người dân vẫn văng vẳng “mong cấp trên sớm tìm ra giải pháp để con cháu đời sau không  phải chết oan vì căn bệnh quái ác này”. 

Đọc thêm