Ấn tượng giải thưởng văn học nghệ thuật trong Quân đội

(PLVN) - Những năm qua, các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí đã tạo ra những giá trị văn hóa tiêu biểu, chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân. Năm nay, kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014 - 2019) là điểm nhấn ý nghĩa.

Bộ Quốc phòng triển khai nhiều hoạt động lớn về văn học nghệ thuật

Chiều qua (28/6), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về việc xét, trao giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài văn học nghệ thuật và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014-2019) của Bộ Quốc phòng.

Cứ 5 năm một lần, Bộ Quốc phòng lại tổ chức xét và trao giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng. Thực tế qua 6 lần trao giải cho thấy, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm mục đích tổng kết, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, chất lượng, hiệu quả hoạt động sáng tác, quảng bá; thẩm định, lựa chọn được các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó động viên các tập thể, cá nhân, các văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội tiếp tục phát huy khả năng, trách nhiệm, sáng tạo ra nhiều tác phẩm đạt chất lượng tốt phục vụ bộ đội và nhân dân.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín-Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị cho biết: “Kế hoạch hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí quân đội 5 năm (2016-2020) gồm hai chương trình hoạt động lớn. Một là, đẩy mạnh sáng tác về đề tài văn học nghệ thuật, chiến tranh cách mạng, trọng tâm là hình ảnh “Người chiến sĩ hôm nay”.

Hai là, đầu tư, củng cố nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, tổ chức tốt các cuộc thi, chương trình liên hoan, hội diễn; Xét trao thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí quân đội; Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, nhân viên ngành văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí quân đội. Tạo bước phát triển mới trong hợp tác, giao lưu quốc tế”. 

Nhằm tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hay, giá trị, hữu ích, thời gian qua, các đơn vị thường trực, chức năng của Bộ Quốc phòng đã vận động, phát động sáng tác, tổ chức trại sáng tác, thâm nhập thực tế cho các văn nghệ sĩ, thực hiện đúng quy trình đầu tư (đầu tư có trọng điểm), hỗ trợ tác giả, thẩm định, đánh giá, quảng bá tác giả, tác phẩm với nhiều hình thức phong phú, thiết thực.

Văn học nghệ thuật, báo chí quân đội đã tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi luận điệu sai trái, quan điểm, tư tưởng chống phá của các thế lực thù địch, tạo sức đề kháng cho cán bộ, chiến sĩ trước các sản phẩm văn hóa độc hại, các tệ  nạn xã hội; góp phần nuôi dưỡng, xây dựng nhân cách, phẩm chất quân nhân cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, các mối quan hệ đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới, thắt chặt tình quân dân. 

Đề tài người lính và chiến tranh cách mạnh luôn được các văn nghệ sĩ lựa chọn

Đại tá Chế Biên Cương-Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị nhận xét: “Những năm qua, hoạt động văn học nghệ thuật, báo chí quân đội vẫn kiên trì mảng, đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạnh với cảm hứng và tầm khái quát mới. Kế tục truyền thống tốt đẹp của văn học nghệ thuật trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, đồng thời có nhiều tìm tòi để phản ánh hiện thực cuộc sống, phát hiện được vấn đề nóng bỏng, bức xúc của đời sống trên nhiều bình diện, góc cạnh khác nhau.

“Trường Sa”, tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước 2016 của họa sĩ Đỗ Sơn
“Trường Sa”, tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước 2016 của họa sĩ Đỗ Sơn

Nêu cao tính chiến đấu, góp phần ngăn chặn xu hướng tiêu cực đang nảy sinh trong đời sống xã hội, vạch trần cái xấu, cái ác, biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống… làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học nghệ thuật hôm nay”. 

Về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và người lính, không chỉ có những nhà văn, nghệ sĩ mặc áo lính ấp ủ, thực hiện mà còn là nội dung nổi trội trong nhiều tác phẩm, được các văn nghệ sĩ khác khai thác trên nhiều bình diện.

Mới đây, vào ngày 19/4, TP.HCM đã tổ chức trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ 2 (2012 - 2017). Qua đó cho thấy sự lên ngôi của các tác phẩm về cảm hứng yêu nước và chiến tranh cách mạng. Có thể kể đến công trình kiến trúc Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa của Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng (chuyên ngành Kiến trúc); là tượng đồng Chân dung nhà thơ (chuyên ngành Mỹ thuật) khắc họa chân dung nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân - tác giả bài Dáng đứng Việt Nam bất hủ.

Là vở nhạc kịch Tiên Nga (chuyên ngành Sân khấu), phim tài liệu Đội cận vệ A6 anh hùng (chuyên ngành Điện ảnh); là hai trường ca Giữa ngày và đêm của Phạm Sỹ Sáu, Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng, là truyện ký Ở R - Chuyện kể sau 50 năm của Lê Văn Thảo (chuyên ngành Văn học)... 

Chương trình xét và trao giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài LLVT và Chiến tranh cách mạng gồm 8 loại hình: Văn học, Âm nhạc, Nghệ thuật múa, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh và Báo chí. Theo Ban tổ chức, tác phẩm tham gia xét thưởng phải rõ ràng về lý lịch, không có tranh chấp về bản quyền tác giả, được sáng tác và công bố lần đầu kể từ tháng 12/2014 đến 30/8/2019. Dự kiến tổng số lượng giải thưởng gồm 196/08 loại hình, trong đó có 21 giải A; 38 giải B; 57 giải C; 80 giải Khuyến khích, kèm theo tiền thưởng. Về trị giá giải thưởng, giải A là 30 triệu đồng, giải B 20 triệu đồng, giải C là 10 triệu đồng. Các tác phẩm đã đoạt giải trước đó vẫn được dự thi.

Lễ trao giải được tổ chức tại 2 khu vực: Khu vực phía Bắc (tại Hà Nội) trao giải cho các tác giả từ TP Huế trở ra. Lễ trao giải được tổ chức vào 14h ngày 29/11/2019 tại Nhà hát Quân đội. Khu vực phía Nam (tại TP. Hồ Chí Minh) trao giải cho các tác giả từ TP. Đà Nẵng trở vào. Lễ trao giải được tổ chức vào 14h ngày 06/12/2019 tại Nhà hát Quân đội phía Nam.

Đọc thêm