Anh bộ đội da đen trong bức ảnh hành quân giải phóng Quảng Trị

(PLO) - Ông Nguyễn Xuân Pha (SN 1948, ngụ thôn Phú Thọ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là một người lính đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ. Hình ảnh ông cùng đồng đội hiện được treo trang trọng trong Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. 
40 năm mới gặp lại “cố nhân”
Ông Pha rất thoải mái khi kể về cuộc đời “con lai” của mình. Ông sinh ra và lớn lên ở Sóc Sơn (trước đây là huyện Kim Anh, Hà Nội). Mẹ đẻ ông là bà Nguyễn Thị Thuở. 
Cho đến khi mất vào năm 2003, bà Thuở chưa bao giờ kể cho ông Pha nghe về lai lịch của ông. Ông chỉ biết cha mình là một người da đen nên ông được thừa hưởng làn da đen bóng, tóc quăn tít. 
Do hoàn cảnh, mẹ ông không nuôi con mà mang đứa trẻ mới sinh cho bà vợ hai của người đàn ông tên Đức, người cùng huyện.Ông Đức có 3 vợ, bà hai không có con nên xin đứa con lai về làm con nuôi. 
Được vài năm thì nhà ông Đức phá sản, không nuôi ông Pha nữa mà mang ông cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Khai và bà Nguyễn Thị Mai ở thôn Phú Thọ tiếp tục làm con nuôi. 
Năm 1968, ông Pha thoát ly làm công nhân Nông trường chè Vân Hùng ở Vĩnh Phú. Khi đi làm công nhân, ông mới đi học vỡ lòng, hết lớp hai thì nhập ngũ vào tháng 8/1971. 
Trong cuộc đời người lính, có một kỷ vật khiến ông luôn trân trọng và tự hào. Đó là bức ảnh “Trên đường tiến vào giải phóng Quảng Trị năm 1972” của nhà báo Xuân Át.
Bức ảnh “Trên đường tiến vào giải phóng Quảng Trị năm 1972”
 Bức ảnh “Trên đường tiến vào giải phóng Quảng Trị năm 1972”  
Ảnh đen trắng chụp những người lính hành quân về Quảng Trị. Nền ảnh là con đường ngổn ngang những chiếc xe ô tô của giặc Mỹ bị cháy. Những người lính trẻ dù trên vai trĩu nặng những bộ phận của một khẩu pháo, nhưng gương mặt đều tươi sáng rạng ngời: 
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trong số những người lính ấy, có một chàng trai đặc biệt với nước da đen cháy, chính là ông Pha. 
Tác giả bức ảnh nguyên là phóng viên Báo Quân chủng Phòng không Không quân, hiện đã ngoài 90 tuổi, đang sống ở ngoại thành Hà Nội. Ông đã phóng tặng Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị bức ảnh trên. Nhưng đến năm 2011, tức 39 năm sau khi ảnh được chụp, ông Pha mới biết đến. 
“Năm đó, tỉnh Quảng Trị mời các đơn vị đã chiến đấu bảo vệ Thành cổ tới dự buổi lễ cấp Kỷ niệm chương bảo vệ Thành cổ. Tôi không đi được, anh em vào dự thấy bức hình đơn vị nên đã chụp lại. Ông Xuân Át chỉ từng người trong bức ảnh rồi hỏi: “Anh này còn sống không” và rất vui khi biết 5 người trong ảnh vẫn sống, chỉ một người không biết tin tức. 
Anh Lưu ở xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh là người thông tin cho tôi về bức ảnh. Còn người gửi ảnh là anh Nhẽ, năm 1972 là chính trị viên Đại đội 9 của tôi. 
Một năm sau ngày tôi được thông tin về bức ảnh, cuối năm 2012, đơn vị tổ chức họp mặt ở Cổ Nhuế (Hà Nội). Anh Nhẽ hẹn đưa ảnh cho tôi nhưng tôi không đến được nên anh gửi cho một người đồng đội khác. Bức ảnh to bằng bàn tay, tôi mang ra hiệu phóng to lên.
Anh “phó nháy” của làng thấy ảnh đẹp, có giá trị lịch sử nên bảo tôi rửa một bức to mà treo và xin phép tôi rửa thêm một bức lớn nữa treo ở nhà”, ông Pha kể. 
Kỷ niệm quân ngũ
Ngày mới nhập ngũ, ông Pha thuộc quân số C9, D8, E241, F367 Quân chủng Phòng không Không quân. Tháng 10/1971, ông sang chiến trường Lào, chiến đấu ở cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng, sau đó về Quảng Trị vào tháng 1/1972, chuẩn bị cho chiến dịch Quảng Trị năm 1972. 
Đơn vị ông Pha là đơn vị pháo 14 ly 5, làm nhiệm vụ bảo vệ, bọc lót cho F bộ binh 304. Cuộc chiến khốc liệt, thương vong nhiều, các tiểu đội đều không đủ 12 người, do vậy một khẩu pháo mỗi tiểu đội phải mang vác hai lần.
Tức là cả đội vác nửa khẩu pháo đi trước, sau đó lại quay trở lại vác nửa còn lại. Khi đó, ông Pha to khỏe nhất tiểu đội nên được phân công vác chân máy nặng 37kg.  
Bom cày nát đất đai, đất trơ ra, rắn đanh, đỏ như máu. Nơi nào ở Quảng Trị cũng có dấu chân người lính. Một tháng trời ròng rã giành giật từng cao điểm, mất một tuần liền anh em không được ăn cơm, chỉ có lương khô. Thiếu rau, anh em phải cắt cây khoai ngứa về nấu ăn. Ăn xong ruột đỡ xót thì miệng “ngứa rách mép”. 
Ông Pha đã nhiều lần suýt chết hụt. Ở đèo Tân Lâm, địch dùng pháo dàn hơn 20 khẩu cùng lúc nã đạn liên tục. Cùng lúc mấy chục khẩu pháo bắn xối xả, bắn hết loạt gần lại bắn loạt xa, liên tục, liên tục. 
Có lần, ông Pha cùng hai đồng đội đào hầm. Đào gần xong thì đất cứng quá phải bỏ để đào hầm khác. 3h sáng, bom B52 bỏ trúng nơi họ đã đào hầm rồi bỏ, mấy anh em lạnh người. 
Ông Nguyễn Xuân Pha và bức ảnh kỷ niệm.
 Ông Nguyễn Xuân Pha và bức ảnh kỷ niệm.
Ông Pha bị trúng sức ép của bom nên được đưa ra Bắc điều trị. Khỏe lại, ông trở lại chiến trường, làm lái xe, lái chiếc xe kềnh càng chở ra đa. Ông vào Sài Gòn không đúng ngày giải phóng 30/4/1975, đến năm 1981 ra quân với quân hàm Thiếu úy, về nhà cày ruộng từ đó đến nay.
Ba mươi năm trời ông Pha không biết mẹ đẻ là ai. Hết chiến tranh, ông trở về đi tìm mẹ, dò hỏi tung tích qua những câu chuyện kể của hàng xóm, ông được biết hiện mình có 5 người dì vẫn sinh sống ở địa phương. Ông tìm gặp các dì, từ đó biết về mẹ. 
Mẹ ông sau khi cho con đã đi lấy chồng là một người miền Nam tập kết ra Bắc, sau bà đã theo chồng con vào Bến Tre sinh sống. Bà sinh được một người con gái. 
Ông Pha nhớ lại: “Tôi chỉ được gặp mẹ hai lần trong suốt cuộc đời. Lần thứ nhất vào năm 1978 ở ngoài này. Lần thứ hai vào năm 1995 ở Bến Tre. Bà mất tháng 11/2003 tại Bến Tre”. /.

Đọc thêm