Ba đứa trẻ mồ côi đi xin gạo nấu cơm cúng mẹ

(PLO) - Con dâu ung thư qua đời, nhà không còn một hạt gạo nấu cơm cúng. Bà lão 80 lọ mọ vay tiền mua quan tài cho con dâu, sấp ngửa lo cho 3 đứa cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Bà Ngọc bên 3 cháu nội mồ côi.
Bà Ngọc bên 3 cháu nội mồ côi.
Ba năm, mồ côi cả cha lẫn mẹ
Tìm về xã Sơn Long hỏi thăm nhà 3 anh em Phạm Trung Đức (SN 1998, ngụ xóm 2, xã Sơn Long, Hương Sơn, Hà Tĩnh), người dân ở đây đều lắc đầu ái ngại. “Ở xã chúng tôi không có gia đình nào khổ hơn gia đình ấy. Bố mất vì tai nạn giao thông, nay mẹ lại ra đi vì bệnh hiểm nghèo. Giờ chỉ còn bà cụ 80 tuổi, không còn sức lao động với 3 đứa trẻ. Trong nhà không có tài sản gì đáng giá, rất có khả năng các cháu sẽ phải bỏ học", một người dân ngậm ngùi.
Trong căn nhà nhỏ chưa đầy 30m2 nhưng có tận 3 chiếc bàn thờ nằm cạnh nhau nghi ngút khói hương của cha mẹ và ông nội của anh em Đức. Đi từ dưới nhà bếp lên, bà Đoàn Thị Ngọc (80 tuổi, bà nội Đức) run run bưng bát cơm đặt lên bàn thờ con dâu. Bà vừa khóc vừa nói đang chuẩn bị cơm cúng buổi trưa cho con. 
Lau nước mắt trên khuôn mặt nhăn nheo, bà Ngọc bùi ngùi: Cuộc đời bà là những chuỗi ngày cay đắng. Cách đây hơn 30 năm, chồng bà lâm bệnh nặng qua đời để lại sáu đứa con thơ dại. Bà Ngọc ở vậy nuôi các con khôn lớn. Cha Đức (SN 1965) là con thứ 3, lấy vợ xong đã đón mẹ về phụng dưỡng. 
Những tưởng sau những ngày tháng cực khổ, tuổi già bà có thể sống vui vầy bên con cháu nhưng tai họa bất ngờ ập xuống khi vào năm 2011, trên đường đi làm, anh bị tai nạn giao thông qua đời. Con dâu bà quần quật làm việc, chăm mẹ chồng và 3 con nhỏ, nhưng một năm sau ngày chồng gặp nạn, chị phát hiện bị ung thư máu. 
Bà cụ nghẹn ngào: “Thời điểm ấy, sức khỏe của con dâu tôi bỗng nhiên giảm sút, thường xuyên bị sốt cao, người lúc nào cũng lả đi vì mệt. Thấy vậy, tôi giục nó đi khám, nó cứ chần chừ vì sợ tốn tiền. Đến lúc bệnh nặng quá nó mới chịu đến bệnh viện thì phát hiện mắc phải bệnh ung thư máu. Gia đình tôi tuy nghèo khó nhưng cũng cố gắng vay mượn chữa trị cho con. Cách duy nhất để chữa bệnh này là phải ghép tủy, song người thân đều không ai có tủy phù hợp. Bác sĩ nói phải đợi người hiến tủy mới làm phẫu thuật được”. 
Bán hết trâu, bò, lợn, gà và vay mượn họ hàng vẫn không đủ, 3 năm con dâu triền miên đi viện, mọi tài sản trong nhà theo đó đội nón ra đi. Nay người không cứu được, bốn bà cháu cũng chỉ còn lại căn nhà cấp bốn cũ kỹ để che mưa, che nắng cùng khoản nợ gần 50 triệu đồng chưa biết trông vào đâu mà trả. 
"Nhìn các cháu, tôi xót xa lắm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chúng thiếu thốn đủ thứ. Tôi già rồi chẳng biết còn sống được đến khi nào với chúng nó nữa, chỉ thương cho các cháu đã thiếu tình thương của cha giờ lại mất luôn cả mẹ", bà Ngọc thiểu não. 
Ba anh em Đức lần lượt học lớp 10, lớp 8 và em út học mẫu giáo. Hai anh lớn tự đạp xe đến trường, chỉ có bé út hàng ngày được bà nội đưa đi học. Quãng đường từ nhà đến trường mầm non dài gần 2km, bà Ngọc dắt cháu đi bộ. Bà lão già yếu, đi một đoạn lại phải dừng thở dốc nên hôm nào cũng mất hơn một tiếng mới đến nơi, thỉnh thoảng mới gặp người quen được họ đèo giúp.
Đám tang nghèo ngày Tết
Cậu bé Đức kể, từ ngày bố mất, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống gia đình rất vất vả. Suốt 3 năm mẹ đi viện, Đức vừa đi học, vừa giúp bà chăm sóc các em và làm việc đồng áng. Thời gian vừa qua, họ hàng đều bận nên cậu  bé phải xin nghỉ học gần nửa tháng để ra Hà Nội chăm sóc mẹ nằm viện.
Ngày 27 tháng chạp, mẹ con em được về nhà ăn Tết. Bệnh ung thư của người mẹ đã sang giai đoạn cuối nên sức khỏe rất yếu. Ngày mùng 4 Tết, bệnh tình biến chuyển xấu. Biết không sống được bao lâu nữa nên chị vội gọi họ hàng đến nhờ cậy chăm sóc giúp các con, đừng để chúng phải vào trại trẻ mồ côi rồi trút hơi thở cuối cùng vào sáng mùng 4 Tết ở tuổi 42.
Người phụ nữ tội nghiệp qua đời, trong nhà không có lấy một hạt gạo để nấu cơm cúng. Ba đứa trẻ phải sang hàng xóm xin gạo. Họ hàng và làng xóm phải gom góp giúp làm tang lễ cho chị. Bà Ngọc phải chạy đến người thân vay tiền mua quan tài cho con dâu. Hết con trai lại đến con dâu qua đời, cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, ai cũng đau xót.
Hiện tại, cuộc sống của bốn bà cháu chỉ dựa vào khoản tiền 500 ngàn đồng nhà nước hỗ trợ cho anh em Đức. Số tiền này chưa đủ để bà Ngọc mua gạo, mắm muối thức ăn cho các cháu nên hiện cuộc sống hết sức khó khăn.
Cách đây vài năm, bà Ngọc còn khỏe mạnh vẫn có thể làm được việc đồng áng hay bắt con cua, con cá về cho các cháu ăn. Gần hai năm nay, sức khỏe giảm sút do tuổi già cộng với căn bệnh đau cột sống và bệnh thận hành hạ nên bà không thể làm được việc gì. Ruộng vườn bỏ hoang không có ai cày cấy, hàng ngày bà chỉ quanh quẩn trong nhà cơm nước cho các cháu. Bà Ngọc hầu như không đi chợ, phần vì không có tiền, phần vì đường xa. Thi thoảng những người con sống ở nơi khác đến mua cho mẹ con cá, lạng thịt hoặc hàng xóm giúp ít thức ăn, còn bữa cơm thường ngày của mấy bà cháu chỉ có nắm rau trong vườn. 
Dịp Tết nguyên đán vừa qua, thương bốn bà cháu khốn khó, bà con hàng xóm người cho cân gạo, bánh chưng, người cho ít bánh kẹo, vài lạng thịt nên mấy ngày Tết cũng no ấm. 
Bà tâm sự: “Hai đứa lớn hiểu chuyện nên dù có nhớ bố, nhớ mẹ, chúng cũng nuốt nước mắt vào trong, còn thằng út nhỏ dại, mỗi lần nhớ mẹ lại nằm vật ra nhà khóc, bảo muốn đi theo bố mẹ. Lòng tôi như xát muối, dỗ thế nào cháu cũng không chịu nín, đành dọa nó “nếu cứ khóc nữa bà sẽ cho vào trại mồ côi”, lúc đó thằng bé mới không khóc nữa. 
Họ hàng hai bên nội ngoại đều nghèo khổ nên cũng không giúp được gì nhiều. Tôi còn sống ngày nào thì còn chăm sóc cho mấy đứa nhỏ ngày đó. Chỉ sợ sau khi tôi nhắm mắt xuôi tay, anh em chúng sẽ ra sao. Tôi chỉ mong ước sao cả 3 đứa được học hành đến nơi đến chốn và được sống cùng với nhau”.
Ông Thái Vỹ Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết, chính quyền luôn quan tâm tới gia đình cháu Đức, các dịp năm học mới, lễ, Tết đều tặng các cháu sách vở, tiền bạc, bánh kẹo. Tuy nhiên địa phương còn nghèo nên không thể giúp được nhiều hơn, mong các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ bốn bà cháu vượt qua giai đoạn khó khăn./.

Đọc thêm