Bài học kinh nghiệm từ Đường sách TP HCM

(PLO) -Mới đây, nhiều đơn vị kinh doanh sách tại Phố sách Hà Nội đã “cầu cứu” vì tình trạng vắng vẻ đang diễn ra nơi này. Trong khi đó, Đường sách Sài Gòn lại luôn là một điểm đến tấp nập suốt tuần của người dân thành phố, với con số doanh thu hàng tháng rất “đẹp”. Vì đâu có sự khác biệt này?
 
Bài học kinh nghiệm từ Đường sách TP HCM

Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động với kì vọng sẽ là điểm đến văn hoá thu hút của Thủ đô, tuy nhiên, đến nay Phố sách Hà Nội chưa thực sự phát huy được thế mạnh của mình. Từ những tháng thứ 3 trở đi, doanh thu Phố sách bắt đầu sụt giảm nhanh chóng, lượng người tham quan cũng rất thưa thớt. Trong khi đó, tại TP HCM, Đường sách có hàng ngàn lượt khách đến xem, mua sắm vào các dịp cuối tuần. Cuối năm 2016, doanh thu đường sách tăng 50% so với cùng kì. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của Đường sách đã đạt con số gần 20 tỉ. 

Có nhiều lý do của sự khác biệt này giữa hai không gian văn hoá đọc ở hai thành phố lớn nhất nước. Việc chọn đúng địa điểm đã là một ưu thế lớn của Đường sách TPHCM. Con đường Nguyễn Văn Bình là một con đường nhỏ, rợp mát, yên tĩnh và khá cổ kính, nhưng lại có địa thế thuận lợi là nằm ngay cạnh Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, là khu vực trung tâm, luôn đông đúc người dân và du khách.

Đường cũng không quá rộng, vừa đủ không gian để đạt được một bố cục ấm cúng mà không chật hẹp, từ đó đã làm nên một phối cảnh Đường sách rất đẹp, hút mắt theo phong cách kết hợp giữa Việt Nam và phương Tây. Trong khi đó, Phố sách Hà Nội tuy nằm ở khu vực trung tâm, nhưng lại trên một con đường khá rộng với không gian loãng, phần trang trí và vệ sinh chưa được chăm chút tỉ mỉ, và một điểm trừ là không nhiều bóng cây, không che đủ mát, và Phố sách cùng chưa có phương án giúp con đường râm mát hơn. Vào những mùa nắng, oi bức, khó lòng nơi đây trở thành một điểm đến lý tưởng của người dân TP. 

Cạnh đó, Đường sách TPHCM đã rất thành công về mặt tổ chức khi thường xuyên tổ chức được những chương trình văn hoá - nghệ thuật tại đây như ra mắt sách, hội thảo về sách và các hội thảo văn hoá - nghệ thuật, các buổi trình diễn âm nhạc, giao lưu văn hoá, trưng bày triển lãm... Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khi tổ chức họp báo ra mắt sản phẩm hoặc các chương trình hoạt động xã hội vẫn chọn Đường sách làm địa điểm diễn ra. Trong khi đó, đến nay, sau gần 8 tháng hoạt động, Phố sách Hà Nội vẫn chưa có nhiều hoạt động, chưa có sự kết nối với các hoạt động văn hoá của thành phố, chính vì thế, Phố sách vẫn chưa thể là một lựa chọn hàng đầu khiến các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nghĩ ngay đến khi chuẩn bị tổ chức một sự kiện tầm vừa và nhỏ. 

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại, Đường sách TPHCM cũng từng trải qua một thời kì “khủng hoảng” trong vòng 6 tháng sau khi đi vào hoạt động, khi mà số đơn vị sách tham gia không nhiều, lượng sách chưa phong phú, trang trí chưa hoàn thiện cũng như chưa có hoạch định rõ ràng để có những liên kết với các đơn vị khác nhằm tạo ra được những sự kiện hấp dẫn, thu hút du khách. Tại buổi hội nghị tổng kết 6 tháng, ban điều hành Đường sách đã nhìn nhận thẳng thắn và cụ thể những bất cập, hạn chế trong hoạt động của Đường sách và vạch ra hướng khắc phục, để rồi có một Đường sách lung linh như ngày nay, và một đường sách thứ hai của TPHCM sắp hình thành. 

Đó cũng là một bài học kinh nghiệm rất sinh động cho Phố sách Hà Nội. Con đường đi của Phố sách còn ở phía trước, còn rất nhiều điều cần khắc phục, nhiều tiềm năng cần khai phá để có một Phố sách - điểm đến văn hoá yêu thích trong lòng người dân Thủ đô.

Đọc thêm