Bài sấm ký diệu kỳ trên cây gạo cổ

(PLO) -Mặc dù lời sấm và hiện tượng sấm truyền trong dân gian chỉ được giải sau khi sự việc đã xảy ra nhưng thực hư về sự tồn tại của những lời truyền này cũng đã và đang trở thành một di sản văn hóa tín ngưỡng độc đáo, đáng tự hào của dân tộc Việt.
Thiền sư Vạn Hạnh
Thiền sư Vạn Hạnh

Bài sấm ký trên cây gạo cổ và thiền sư Vạn Hạnh

Theo sử sách, Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1025) là người họ Nguyễn, quê ở châu Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Tương truyền thời bấy giờ, nhiều lời thiền sư Vạn Hạnh nói ra, thiên hạ đều cho là phù sấm.

Năm Thiên Phúc nguyên niên (980) tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang cướp nước ta, đóng quân tại Cương Giáp (Lạng Sơn). Đáp lại sự lo lắng của vua, thiền sư Vạn Hạnh an nhiên: “Trong vòng 3 tới 7 ngày giặc phải lui”. Sau quả nhiên như thế. Đến khi vua muốn đánh Chiêm thành, việc bàn định chưa dứt khoát, thiền sư Vạn Hạnh tâu: “Xin mau cất binh, nếu không, ắt mất cơ hội”. Vua nghe theo, quả nhiên thắng trận.

Sang thời Lê Ngọa Triều, chính sự bắt đầu rối ren. Vua thi hành chính sách bạo ngược. Biết vận số nhà tiền Lê sắp hết, thiền sư Vạn Hạnh đã nói những loại sấm truyền căn cứ vào những hiện tượng quái lạ.

Đó là tại chùa Ứng Thiên Tâm châu Cổ Pháp bỗng xuất hiện con chó lông trắng, trên lưng có hai chữ “thiên tử” lấm tấm lông đen. Dư luận cho rằng: Đó là điềm  sẽ có vua sinh năm Tuất và lên ngôi năm Tuất. Điều này sau ứng với vua Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1010. 

Hiện tượng lạ thứ hai là sét đánh vào cây gạo do thiền sư La Quý An trồng, in thành chữ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại những câu tương truyền do dân làng đọc được như sau:

 “Gốc cây thăm thẳm

 Ngọn cây xanh xanh

 Cây hòa đao rụng

 Mười tám hạt thành

 Cành Đông xuống đất

 Cành khác lại sinh

 Đông mặt trời mọc

 Tây sao ẩn hình

 Sáu bảy năm nữa

 Thiên hạ thái bình”.

Theo Đại Việt sư ký toàn thư viết: Thiền sư Vạn Hạnh đoán rằng: Ba chữ “hòa, đao, mộc” gộp lại thành chữ Lê. Lê lạc là Lê mất. Còn ba chữ “thập, bát, tử” gộp lại thành chữ Lý. Lý thành là Lý lên ngôi. Mấy câu này ý nói vua thì non yếu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất. Trong vòng sáu, bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình. 

Điềm lạ thứ ba là trong chùa Song Lâm con trùng ăn lá si thành hình chữ “Quốc”. Điềm lạ thứ tư là ban đêm bên mộ Hiển khánh đại vương (người thân sinh ra Lý Công Uẩn), người ta nghe thấy tiếng thần nhân ngâm kệ từ bốn phương vọng tới. Các bài kệ đều báo trước điềm Lê diệt, Lý hưng. 

Thiền uyển tập anh chép sự việc vào ngày Lê Ngọa triều băng, thì tại chùa Lục Tổ châu Cổ Pháp, thiền sư nói với chú, bác của Lý Công Uẩn rằng: “Thiên tử đã băng, Lý thân vệ hiện đang ở nhà, tay chân họ Lý túc trực trong thành lên tới số ngàn. Trong trưa này, Thân vệ ắt được lên ngôi”. 

Rồi thiền sư Vạn Hạnh yết bảng ở đường cái nói rằng: “Tật Lê chìm bể Bắc; Hạt Lý mọc trời Nam; Bốn phương gươm giáo dẹp; Tám cõi mừng bình an”. Chú, bác của Lý Công Uẩn sợ quá bèn cho người vào kinh đô Hoa Lư nghe tin, quả nhiên sự việc đúng như vậy.

Sau khi lên ngôi, việc hệ trọng đầu tiên của triều đại mới là dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Đúc kết công lao dựng nghiệp một vương triều thịnh trị, thật không có lời nào đánh giá vượt qua lời thơ truy tán thiền sư Vạn Hạnh của vua Lý Nhân Tông: “Vạn Hạnh thông ba cõi; Thật hợp lời sấm xưa; Quê hương tên Cổ Pháp; Chống gậy trấn kinh vua”.

Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm

 “Sấm trạng Trình”

Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), người mà dân gian quen là Trạng Trình là một nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông cũng được coi là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam với nhiều lời tiên tri trong suốt quãng chiều dài nhiều thế kỷ mà đến nay vẫn còn được tìm hiểu và luận giải. 

Tương truyền, vào thời Nguyễn, vua Minh Mạng (sau Nguyễn Bỉnh Khiêm gần 300 năm) điều Nguyễn Công Trứ đi khai hoang ở Hải Dương. Nguyễn Công Trứ xem xét địa thế, thấy cần phải phá đền thờ trạng Trình để đào sông. Điều bất ngờ là khi người dân đào bát hương lên, ông thấy dưới bát hương có tấm bia đá phủ vải điều. 

Nguyễn Công Trứ sai người lau sạch bia thì đọc được mấy câu:

“Minh Mạng thập tứ

Thằng Trứ phá đền

Phá đền phải làm đền

Nào ai động đến doanh điền nhà bay.”

Kinh hãi, Nguyễn Công Trú lập tức thảo sứ về triều, xin bãi bỏ lệnh phá đền, đồng thời sửa sang lại ngôi đền của vị trạng nguyên nhà Mạc.

Theo nhiều tài liệu, trạng Trình đã để lại cho đời khoảng 487 câu sấm ký gọi là “Sấm Trạng Trình”. Thật lạ lùng là có rất nhiều sự kiện lịch sử Việt Nam và thế giới suốt 500 năm qua ứng nghiệm với “lời sấm Trạng Trình”. Điển hình như câu:

“Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh

Can qua xứ xứ khổ đao binh

Mã đề dương cước anh hùng trận

Thân dậu niên lai kiến thái bình”. 

Câu này dịch nôm na nghĩa là cuối năm Thìn đầu năm Tỵ sẽ khởi đầu có chiến tranh, ứng với Chiến tranh thế giới lần 2 – cuộc chiến thảm khốc bậc nhất lịch sử chiến tranh hiện đại. Thế chiến thứ 2 này rục rịch từ khi phát xít Đức tấn công Ba Lan cuối năm 1939 đến khoảng cuối năm 1940 (cuối năm Thìn - Long vĩ), sang năm 1941 (đầu năm Tỵ - Xà đầu) Hitler tấn công Liên Xô. Qua cuối năm 1942, giữa năm 1943 (Mã đề dương cước) thì đến năm 1944 - 1945 (Thân Dậu niên lai kiến thái bình) hòa bình mới lập lại.

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, những câu nói, lời sấm truyền của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn mang hơi thở thời đại và chờ đợi hậu thế giải mã những bí ẩn sau những câu chữ. Có thể kể đến một số sự kiện xảy ra trong thế kỷ 20 mà theo các nhà nghiên cứu, sự kiện đã được Trạng Trình dự báo trước đó cả thế kỷ như sự kiện trọng đại Cách mạng tháng Tám năm 1945: 

“Cửu cửu càn khôn dĩ định

Thanh minh thời tiết hoa tàn

Trực đáo dương đầu mã vĩ

Hồ binh bát vạn nhập Tràng An”.

Lời sấm này có nghĩa là đất nước ta phải qua 81 năm mới thoát khỏi ách nô lệ, sau đó phải qua 9 năm nữa mới được yên, thể hiện bằng câu “Thanh minh thời tiết hoa tàn”. Đó chính là trận Điện Biên Phủ lẫy lừng ngày 13/2/1954 đúng vào tiết thanh minh. 

“Thời tiết hoa tàn” tức là ở thời điểm thanh minh đó có một sự tàn lụi, thì chính là sự tàn lụi của ách cai trị của thực dân Pháp. “Trực đáo dương đầu mã vĩ” tức là cuối năm Ngọ, đầu năm Mùi thì mới có sự thành công. Đó chính là sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 3/1954, đến 10/10/1954 mới giải phóng Thủ đô và ngày 1/1/1955 Chính phủ mới về tiếp quản Thủ đô. Lời sấm “Hồ binh bát vạn nhập Tràng An” nghĩa là có lính tám Sư đoàn của vị lãnh tụ tài ba tiến vào Tràng An.

Cho đến nay, rất tiếc là Sấm Trạng Trình vốn chỉ còn lại ở dạng truyền miệng, chỉ có số ít lưu giữ dưới dạng chép tay. Tuy nhiên, trong những tập sấm ký mà người đời sau sưu tầm được, khó có thể do những ai hiếu sự đã đặt ra, bởi nó đã được cố định hóa trước những sự kiện lịch sử hàng chục, hàng trăm năm, lại được lan truyền rộng rãi trong dân gian.

Đọc thêm