Bài văn khóc vợ gây xúc động bao đời của một vua Việt

(PLO) -Trong nền văn học cổ trung đại Việt Nam, có nhiều tác phẩm viết về người vợ với tình cảm sâu đậm và rất nghĩa tình, trong đó có đề tài khóc vợ. Điều ngạc nhiên là trong hơn 100 vị đế vương nước Việt, có những vị vua dù đủ cả“tam cung lục viện” nhưng vẫn dành tình cảm sâu nặng cho một người đẹp. Mạc Thái Tông là một vị vua như vậy.
 Hoàng đế đọc văn tế (Hình minh họa)
Hoàng đế đọc văn tế (Hình minh họa)

Mạc Thái Tông tên thật là Mạc Đăng Doanh, hoàng đế thứ hai của triều Mạc. Theo sách Đại Việt thông sử thì “Đăng Doanh là con trưởng Đăng Dung, buổi đầu thời Quang Thiệu, được phong tước Dục mỹ hầu, giữ điện Kim Quang, khi Đăng Dung cướp ngôi vua, được dựng làm Thái tử.

Sau khi Đăng Dung tiếm ngôi được 3 năm, vì sợ nhân tâm chưa ổn định, bèn truyền ngôi cho. Năm Canh Dần (1580) mồng một tháng giêng thuộc ngày Đinh Hợi, Đăng Doanh tiếm ngôi vua, đổi niên hiệu là Đại Chính”.

10 năm cầm quyền

Không rõ Mạc Thái Tông sinh năm nào, thân mẫu là ai chỉ biết rằng ông lên ngôi ngày mồng 1 tháng giêng năm Canh Dần (1530), làm vua đến ngày Mậu Ngọ 25 tháng giêng năm Canh Tý (1540) thì qua đời, được đặt tên thụy là Thái tông Khâm triết Văn Hoàng đế, ở ngôi tổng cộng được 10 năm.

Sử sách không ghi lại những lời đánh giá về Mạc Thái Tông, mà chỉ chép việc ông lên ngôi, gọi là “tiếm hiệu”. Tuy nhiên những việc mở khoa thi, tuyển chọn nhân tài, sửa sang Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trấn áp trộm cướp… trong thời gian trị vì của ông đã cho thấy khả năng, tài điều hành của vị vua này, các sử gia nhà Lê cũng phải thừa nhận rằng:

“Từ đấy người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có khi sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sách sử chỉ nhắc đến việc Mạc Thái Tông có 7 con trai, con trưởng là Mạc Phúc Hải; còn những cung tần, hậu phi thì không thấy nhắc đến, trừ chuyện khi còn làm quan thời Lê, ông được cha là Mạc Đăng Dung sắm lễ vật xin ướm hỏi con gái lớn của Thiết sơn bá Trần Chân, đợi đến khi đủ tuổi sẽ cưới về làm vợ.

Người con gái này chính là vợ cả của Mạc Đăng Doanh, tên thật là Trần Thị Hiền, còn gọi là Trần Thị Oánh, quê ở làng La Ninh, sau đổi là La Khê, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay thuộc phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội). 

Nét đẹp mỹ nhân trong hậu cung triều Mạc (Hình minh họa)
Nét đẹp mỹ nhân trong hậu cung triều Mạc (Hình minh họa)

Tình cảm sâu đậm với người vợ hiền vắn số

Theo thần tích, bia ký ở đền bia Bà tại La Khê thì Trần Thị Hiền sinh vào giờ Mão ngày Quý Mùi mồng 2 tháng 3 năm Tân Mùi (1511) trong một gia đình võ tướng nổi tiếng. Bấy giờ cha của nàng uy quyền lớn trong triều, Mạc Đăng Dung muốn kết thân nên năm Giáp Tuất (1514) dù Trần Thị Hiền mới lên 3 tuổi nhưng đã được cha hứa gả về làm dâu họ Mạc. 

Càng lớn Trần Thị Hiền càng xinh đẹp, tư chất thông minh, lại nết na thùy mị và có nhan sắc hơn người. Năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung lập ra nhà Mạc, sau khi lên ngôi hoàng đế đã cho đón nàng về kinh, đưa vào Đông cung làm Phi tử cho Thái tử Mạc Đăng Doanh.

Năm Canh Dần (1530), Thái tử lên nối ngôi trở thành hoàng đế Mạc Thái Tông, ông không lập ai làm hoàng hậu, Trần Thị Hiền được phong làm Đệ nhị cung phi. 

Nội dung tấm bia ký có đoạn cho biết về gia thế và việc nhập cung của bà phi họ Trần như sau: “Ông nội của bà húy là Thiện, được phong là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Thái bảo; bà nội họ Nguyễn huý là Trù, được phong là Liệt phu nhân.

Thân phụ của bà họ Trần, húy là Chân, do có công lao được phong là Thiết Sơn bá, rồi Dũng Quận công; thân mẫu họ Trần, húy là Tú, được phong là Huy nhân.

Bà phi sinh vào giờ Mão mồng 2 ngày Quý Mùi tháng 3 năm Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511) đời Lê. Xuất thân trong gia đình thế phiệt, cung kính giữ đạo khôn nhu thuận mà điềm báo tốt lành sớm đã định sẵn.

Ngày tháng thuộc về Hoàng thượng, ứng kỳ thẹn lẽ sinh ra. Chăm sóc bên trong, tuân theo lễ phép. Năm Đinh Hợi niên hiệu Minh Đức thứ nhất (1527) Thái thượng hoàng vâng mệnh nắm quyền mở mang cho đời sau, Hoàng thượng bấy giờ đội bao ân đức, bà phi vâng mệnh vào hầu Đông cung.

Năm Canh Dần niên hiệu Đại Chính thứ 1 (1530) Hoàng thượng vâng mệnh hoàng đế nhường ngôi, nắm quyền đạo thống, bà phi vâng mệnh vào ở Đệ nhị cung, xe ngựa vẻ vang, sớm khuya nhắc nhở, đạo cả hoàn thành, có lẽ nhờ sự giúp sức của bà phi vậy”.

Trở thành phi tần của vua Mạc nhưng bà vẫn hay lam hay làm, thức khuya dậy sớm lo liệu thu xếp việc hậu cung rất ổn thỏa. Năm Nhâm Thìn (1532) Đệ nhị cung sinh được Hoàng tử nhưng sức khỏe giảm sút rồi lâm bệnh, sức lực hao mòn dần.

Sau đó bà xin về quê về dưỡng bệnh, Mạc Thái Tông chiều lòng cho bà được toại nguyện, còn sai quan Ngự y về chăm sóc, lo lắng thuốc men rất tận tình nhưng số mệnh đã định, ngày 16 tháng 11 năm Mậu Tuất (1538) bà qua đời, thọ 28 tuổi. 

Tượng thờ vua Mạc Thái Tông (Hình minh họa)
Tượng thờ vua Mạc Thái Tông (Hình minh họa)

"Ân tình ghi chép dễ mà suy ngẫm"

Nghe tin buồn, Mạc Thái Tông cho nghỉ buổi chầu, sai đại thần về trông coi việc tang lễ, ban chiếu truy phong cho bà là Bảo Huy phi, đặt tên thuỵ là Thận Nghi. Nhà vua còn tự viết bài văn tế vợ, lời lẽ bi ai thống thiết: 

“Ôi phi ơi! Nàng xuống cửu tuyền, xuống nơi âm u tĩnh mịch. Nàng là người đẹp, người cần mẫn, lại lo công việc gia nội; nàng không có lỗi lầm gì, đáng lẽ phải được hưởng phú quý đến vô cùng cực lạc. Thôi thì kẻ ở người đi, sao không buồn rầu. Cái đức tính và hạnh kiểm của nàng đáng ghi vào Trinh Môn muôn đời không mai một.

Vận trời mở ra đẹp. May gặp được hiền phi, ban đầu là phi tần, đã thấy đức đoan trang, vào nhã nhặn, ra lễ phép, tôn trọng điều răn lễ giáo.

Đức hạnh đúng kỷ cương, lời nói đi đôi với việc làm, lẽ phải thì nói đến nơi đến chốn, mọi việc không gì sai sót…Tuy vậy phải chịu mệnh trời, thần thái buồn phiền, có mơ về cảnh tiên mới gặp lại. Bây giờ trên cõi trần này, làm sao mà gặp lại nàng được?

Ôi hoa lan phải chịu cái lạnh của mùa xuân, nghĩ lại cảnh ban đầu gặp gỡ ấy, ân tình ghi chép dễ mà suy ngẫm. Trên núi tiên đã định như thế, trời đã định rồi. Phải ghi lại mối ân tình của chúng ta vào sử sách để muôn đời sau được rõ”.

Mạc Thái Tông cũng sai nhiều đại thần có trọng trách cao trong triều mang lễ vật về điếu viếng rất trọng thể, đưa bà đến nơi an nghỉ tại cánh đồng Đa Bang trong làng. Bia ký ở đền bia Bà cho biết:

“Ngày Quý Hợi mồng 9 tháng 9 làm lễ khải thấn, lại sai Lễ Giang bá Đỗ Khải Đễ đến phủ dụ, đồng thời sai Tư lễ giám Tả đề điểm Ngô Thì Đạt mang 450 quan tiền cổ về điếu viếng bày tỏ điển lễ thương xót. Đến ngày Canh Dần 25 tháng ấy, đưa linh cữu về an táng tại xứ Đa Bang huyện Từ Liêm, tọa Quý sơn hướng Đinh. Nghi lễ tống chung và văn tế đều có đầy đủ cả”.

Tháng 10 năm Kỷ Hợi (1539) Mạc Thái Tông lại lệnh cho hai quan trong triều là Tả Thị lang Bộ Lễ Nguyễn Tiến Thanh và Hiệu lý viện Hàn lâm Bùi Hoằng cùng soạn thảo văn bia ca tụng công đức của Đệ nhị cung phi Trần Thị Hiền, trong đó có đoạn:

“Ôi ! Đức tính điềm tĩnh thận trọng thư thái nhàn nhã của bà phi đã giúp bà cần kiệm thu xếp ổn thỏa mọi việc trong nhà cho dù những người được tán thán trong Kinh Thi, Kinh Dịch cũng không hơn thế được.

Đáng lẽ bà phải được hưởng phúc khánh nhiều vô cùng, song không hiểu sao sớm đã quy tiên, thật đáng thương thay. Bà phi có nhiều đức hạnh cao đẹp như vậy, sao chẳng đem khắc vào bia đá để lưu truyền bất hủ ư?

Bài minh rằng:

Vận mở nền hoàng đạo,

Trời phò giúp thánh quân.

Hiền phi sẵn tài đức,

Được nạp làm cung tần.

Đoan trang và hiền thục,

Cung kính lại kiệm cần.

Hành động đúng khuôn phép,

Nói như đanh đóng cột.

Thánh đo được hoàn thành,

Việc làm chẳng sai sót.

Hiếu thuận thường xiển dương,

Hòa khí đầy trời đất.

Hùng bi ứng điềm lạ,

Kỳ lân thơ họa thành.

Phúc khánh kéo dài mãi,

Cửa nhà được hiển vinh.

Tiếng thơm như Giản Địch,

Nét đẹp sánh Nữ Anh.

Trăm năm một kiếp người,

Ai là không có mệnh.

Nhạt nhòa ánh hiên tinh,

Mộng về nơi tiên cảnh.

Hương huệ buổi sớm thưa,

Gió lan hơi buốt lạnh.

Trong đầm ánh sao Chẩn,

Ơn vua đâu sánh bì.

Núi nhân đã định chế,

Xa xăm ấy hạn kỳ.

Bia đá chép sự thực,

Muôn thuở còn nhớ ghi”.

Tuy không rõ hậu cung của Mạc Thái Tông có chính xác bao nhiêu mỹ nữ, nhưng chắc chắn rằng trong số những “bông hoa” sắc nước hương trời đó, vua giành tình cảm lớn và sâu đậm cho người vợ đầu tiên của mình.

Khi Đệ nhị cung phi Trần Thị Hiền qua đời, nhà vua đã rất đau buồn, bài văn bia khóc vợ của ông thể hiện nỗi niềm thương cảm chân thành, xúc động mà hiếm vị vua nào bày tỏ chân tình được như thế...

Đọc thêm