Bản Chang "khát"cầu vượt lũ mưu sinh

(PLO) - Từ bao đời nay, người dân bản Chang, xã Lương Thiện, huyện Phục Hòa (Cao Bằng) thường xuyên bị cô lập do không có cầu qua sông, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của địa phương. Họ mong ước có một cây cầu để tiện cho việc đi lại nhưng đến nay vẫn chỉ là mơ ước. 

Anh Long Văn Cao, Bí thư Chi bộ bản Chang chỉ  khu vực mà người dân đi lại qua sông để canh tác.
Anh Long Văn Cao, Bí thư Chi bộ bản Chang chỉ khu vực mà người dân đi lại qua sông để canh tác.
Nhọc nhằn mùa nước lũ
Bản Chang có 32 hộ dân với 128 nhân khẩu, nép mình bên đèo Khau Chỉa nổi tiếng về độ cao và sự khúc khuỷu thuộc xã Lương Thiện, huyện Phục Hòa. Từ quốc lộ 3 rẽ vào bản chỉ 2km nhưng đường đi khá ghồ ghề và nhỏ hẹp. Con sông Sầm Xuyên chảy qua trước bản Chang mùa này nước trong xanh, hiền hòa. Nhìn con sông trữ tình, thơ mộng đó, không ai nghĩ rằng vì nó mà bao đời nay bản này phải chịu nỗi khổ “chia cắt” đôi bờ vì thiếu một cây cầu khi mùa lũ đến.
Dòng sông Sầm Xuyên chia cắt đôi bờ khiến cho sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn, vất vả. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông, kết hợp trồng mía, lúa, tuy nhiên hầu hết phần đất canh tác đều nằm ở bên kia sông với hơn 3 ha, mọi hoạt động canh tác đều dựa vào một chiếc bè tự chế để vận chuyển và đi lại qua sông. 
Về mùa khô, dòng sông nước cạn và phẳng lặng khiến việc đi lại cũng như vận chuyển qua sông ít gặp khó khăn hơn. Nhưng về mùa mưa lũ, dòng nước xiết thì việc qua sông có nhiều mối nguy hiểm luôn rình rập. Không ít bà con đã bị “thủy thần” cướp trắng nông sản mà họ đã phải suốt cả một mùa lao động vất vả cật lực “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mới làm ra. Bởi vậy, năng suất lao động cũng như tiến độ sản xuất giảm hẳn khi gặp khó khăn trong việc vận chuyển phân bón, không có sự hiện diện của máy móc trong việc trồng trọt.
Ông Phùng Văn Quân (55 tuổi) ở bản Chang cho biết: “Mùa nước lũ đến, chúng tôi không thể qua sông, mùa màng làm chậm hơn các nơi khác. Cứ khi nào nước lũ rút, chúng tôi mới sử dụng bè mảng để vận chuyển dụng cụ, phân bón qua sông. Mỗi đám ruộng trung bình chúng tôi cần đến hàng chục gánh phân chuồng nên việc vận chuyển càng vất vả hơn. Không có cầu, chúng tôi phải lùa trâu bơi qua bên kia sông mới cày bừa được, làm sao mà dám đầu tư máy cày bừa như các nơi khác khi chỉ phụ thuộc vào chiếc bè mảng tạm bợ này. Mỗi năm bà con phải góp tre để làm mới nó một lần, tốn thời gian, công sức lắm”.
Cũng theo ông Quân, các cụ ngày xưa thời chống Pháp đã làm một cây cầu bằng gỗ bắc qua sông nhưng do lâu năm nên bị hư hỏng. Từ đó đến nay, dân làng cũng chỉ sử dụng bè mảng để làm phương tiện vận chuyển, đi lại qua sông. Hiện nay việc người dân xây một cầy cầu kiên cố là ngoài khả năng vì cuộc sống của bà con vẫn còn nghèo nàn, quanh năm chỉ phụ thuộc vào trồng  lúa, mía và sắn là chính.
Ông Phùng Văn Quân tâm sự: “Dân làng chúng tôi thực sự mong ước có một cây cầu từ rất lâu rồi.
Ông Phùng Văn Quân tâm sự: “Dân làng chúng tôi thực sự mong ước có một cây cầu từ rất lâu rồi. 
Khao khát cầu treo dân sinh
Anh Long Văn Cao, Bí thư Chi bộ xóm bản Chang cho hay: “Cả xóm chúng tôi có 32 hộ thì 4 hộ nằm ở bên kia sông, gần ruộng canh tác hơn. Còn lại mỗi khi đi lại, sản xuất mùa màng bà con đều phải sử dụng bè mảng qua sông vì không còn con đường nào khác. Những đợt mưa lũ nước ngập cả cánh đồng nên trẻ em không thể đến trường học được, đồng ruộng thường xuyên bị ngập úng mà không biết làm thế nào”.
Từ ngày sử dụng phương tiện di chuyển bằng bè mảng, việc đi lại của người dân có thuận tiện hơn, không phải lội sông như trước nữa, nhưng những bất trắc, nguy hiểm tiềm ẩn thì khó ai có thể lường trước. Chính vì thế nên tỷ lệ trẻ em đến trường ở bản Chang luôn thấp nhất xã. Ngược lại, tỷ lệ hộ nghèo cao mà nguyên nhân chính là do vận chuyển nông sản đi tiêu thụ không thuận lợi, tiến độ và năng suất sản xuất vụ mùa bị trì trệ”.
Theo nhiều người dân nơi đây chia sẻ, mỗi khi nước lũ dâng cao không những ảnh hưởng đến mùa vụ mà con cháu đi học cũng rất khổ cực. Nhiều cháu khi bị ốm đau, bệnh tật  không biết cầu cứu ai, y tế thôn bản không có, bởi vậy mà người dân phải tự lo mọi thứ. Từ lâu, bà con đã khao khát có một cây cầu, ngay cả trong giấc chiêm bao họ cũng mơ đến điều đó. Khoảng 5 năm nay, người dân đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất nguyện vọng lên chính quyền xã nhưng vẫn chưa được đáp ứng.
Ông  Đặng Văn Truyền, Chủ tịch xã Lương Thiện cho biết: “Xã có bốn xóm, địa hình như một hòn đảo, không có cầu nên buộc phải dùng bè mảng di chuyển qua sông. Chính quyền biết việc di chuyển này vào mùa nước lũ là rất nguy hiểm nên chỉ vận động người dân thận trọng, đợi nước rút mới được đi. Trong nhiều cuộc họp người dân đã bày tỏ mong muốn Nhà nước hỗ trợ xây một cây cầu kiên cố. Thông qua đây chúng tôi cũng mong cấp trên xem xét xây dựng một cây cầu treo để người dân bản Chang đi lại được bảo đảm, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân để ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Được biết, trong nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân bản Chang đã nhiều lần đề xuất nguyện vọng đến “ngượng cả mặt”. Nhưng cho đến nay niềm mong mỏi, khát khao ấy vẫn chưa có một sự hồi đáp, họ chỉ biết chờ đợi. Trao đổi với phóng viên, người dân tha thiết đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận nguyện vọng này và góp thêm tiếng nói để các ban, ngành chức năng tỉnh Cao Bằng và huyện Phục Hòa sớm có kế hoạch xây cầu để giúp người dân phát triển sản xuất, đẩy nhanh công cuộc thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định, văn minh./.

Đọc thêm