“Bản mù” dưới đường điện cao thế

(PLO) - Bao năm nay, thứ ánh sáng leo lét của nến và đèn dầu vẫn cứ quanh quẩn trong nếp nhà của hơn 100 hộ dân ở bản Ngả Hai, xã Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ) dù ngay phía trên đầu họ là đường điện cao thế. Đáng nói, trước thực trạng trên, chính quyền địa phương vẫn loay hoay, không tìm ra hướng giải quyết.  
Những ngôi nhà lụp sụp ở Ngả Hai suốt nhiều năm không có điện dù đường dây dẫn chạy ngay phía trên đầu
Những ngôi nhà lụp sụp ở Ngả Hai suốt nhiều năm không có điện dù đường dây dẫn chạy ngay phía trên đầu
Mua điện “chui” với giá “trên trời”
Vượt quãng đường nắng gắt hơn 100km từ Hà Nội, chúng tôi tới ngôi nhà của gia đình chị Đinh Thị Huỳnh (sinh năm 1981), nằm chênh vênh  ở lưng đồi. Thấy chúng tôi có vẻ mệt mỏi, mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt bụi bặm, chủ nhân ngôi nhà cười trừ nói: “Không phải là chị giấu gì nhưng sự thật là không có điện. Có quạt đấy nhưng không dùng được”. 
Trái với khung cảnh tối tăm của nhà chị Huỳnh, phía gia đình ông Hà Văn Chưa (50 tuổi) đối diện có vẻ “khá giả” hơn. Không giống đa số dân Ngả Hai, gia đình này đã “xóa” được nến và đèn dầu. Hỏi thăm được biết, khoảng 3 năm trở lại đây ông Chưa cùng một số hộ dân khác trong thôn tìm đến khu Bãi Lau (thuộc địa phận xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La – PV) xin bà con bên đó sử dụng nhờ nguồn điện. Dân đồng ý nhưng cụm điện lực huyện Phù Yên không chấp nhận nên Ngả Hai buộc phải mượn sổ hộ khẩu của các hộ gia đình Bãi Lau để kéo điện sang. 
Vì “mượn điện” ở nơi xa nên dù cố lắm cũng chỉ có thể cấp cho 45 gia đình, nếu nhiều hơn nữa nguồn điện này sẽ rất yếu. Theo phản ánh của những hộ dân này, hiện họ phải mua điện với giá 30.000 đồng/số. Với cái giá “trên trời” nên điện ở đây chủ yếu chỉ được sử dụng để thắp sáng. 
Qua thông tin bên lề, người viết được biết, hiện cụm điện lực thuộc huyện Phù Yên đứng ra chịu trách nhiệm việc đảm bảo cung cấp điện cho 45 hộ dân ở Ngả Hai. Nhưng vì việc cấp điện là thỏa thuận riêng của hai bên, không được thông qua chính quyền nên quyền lợi của bên mua có thể bị ảnh hưởng bất cứ khi nào. 
Ông Chưa nhìn xa xăm: “Không có hợp đồng mua bán điện, thích cho thì cho, không thích thì họ cắt lúc nào cũng không biết được, mua chui nên phải chấp nhận thôi”. 
Người dân bức xúc vì phải mua điện “chui” với giá cao
Người dân bức xúc vì phải mua điện “chui” với giá cao 
Chính quyền bất lực chờ... lộ trình
Toàn bản Ngả Hai có 138 hộ dân, trong đó 80% gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Theo  tính toán, nếu muốn được sử dụng nguồn điện lưới từ Sơn La theo hình thức “mượn”, mỗi hộ dân phải đóng góp tối thiểu 3 triệu để đóng tiền kéo đường dây. Cũng bởi thế, giấc mơ được dùng điện lưới quốc gia như những vùng khác với người dân nơi đây ngày càng xa vời. 
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi ông Hà Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thu Cúc cho biết: “Toàn xã có đến 4 khu vực chưa được cấp điện lưới là Ngả Hai, Liên Trung, Dáy, Mỹ Á. Đây đều là những bản có tỉ lệ hộ nghèo trên 80%. Phần vì các khu vực này nằm xa trung tâm, đường dây rất xa nên không đủ điều kiện cấp điện cho bà con”.
Hỏi sâu hơn về việc hơn 40 hộ dân Ngả Hai kéo điện từ Phù Yên, Sơn La về, phải mua với giá “cắt cổ”, vị Phó Chủ tịch cho biết xã không thể can thiệp được. Ông Hùng lý giải: “Bởi đây là thoả thuận riêng, nếu bà con tự nguyện kéo dây mà không chấp nhận được giá đó thì bà con lại ngừng kéo điện”. 
Được biết, trong đề án xây dựng nông thôn mới của xã Thu Cúc dự kiến sẽ tăng từ 3 lên 5 trạm biến áp, trong đó có chủ chương kéo điện đến Ngả Hai. Không điện nên sản xuất kinh tế tại địa phương bị ngưng trệ, kém phát triển. Hệ lụy tất yếu là chỉ tiêu hoàn thành nông thôn mới, lộ trình từ năm 2012 – 2015 của xã đã “trễ hẹn”, phải chuyển sang giai đoạn 2015 – 2020. 
“Thời gian tới cán bộ sẽ tiếp tục đề xuất việc cấp kinh phí kéo điện đến các bản nghèo thông qua các kỳ họp HĐND, UBND các cấp. Hy vọng trong thời gian sớm nhất toàn xã Thu Cúc sẽ không còn địa bàn nào sống trong cảnh không có điện sinh hoạt, từng bước giúp bà con ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Với những hộ gia đình chưa có điện vì không đủ điều kiện kéo đường dây, xã cùng chưa có hỗ trợ cụ thể nào bởi mọi kinh phí đều trông chờ vào nguồn ngân sách của tỉnh đưa về” - Ông Phó Chủ tịch xã nhấn mạnh.
Trong khi chờ đợi đường điện được kéo về vùng đất này thì mỗi ngày hàng trăm con người nơi đây vẫn phải tiếp tục sống chung với cảnh tối tăm, leo lắt dưới ánh đèn dầu. Trong đêm tối, khuôn mặt họ mờ tỏ, phảng phất quanh ánh nến.  Những đứa trẻ hướng đôi mắt ngây thơ sang phía gia đình hàng xóm nơi có ánh đèn điện sáng rõ. Chúng quay sang kéo tay mẹ nũng nịu: “Bao giờ nhà mình mới sáng được thế kia hả mẹ...?”.

Đọc thêm