Bạn tôi - nhà báo Trường Phước

(PLO) - Anh đã ra đi rất lâu, nhưng những tác phẩm, những bài báo và cả tư duy về báo chí của anh còn nguyên vẹn. Chức vụ anh không lớn, mãi tới tuổi gần 60 anh chỉ phụ trách vẻn vẹn 30 người. Song trí tuệ và sức làm việc của anh thì quả là bậc thầy làng báo. Đôi khi chỉ đọc vài con số trong báo cáo nhưng Trường Phước cũng đã lên được kế họach cho ra cả một se-ri phóng sự nóng hổi “vừa thổi vừa xem”.
Nhà báo Trường Phước phỏng vấn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
Nhà báo Trường Phước phỏng vấn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Nhà báo Nguyễn Trường Phước, bút danh Trường Phước sinh năm 1948, hơn tôi ba tuổi, nhưng chúng tôi thân nhau như hai người bạn cùng lứa. Ấn tượng đầu tiên Phước để lại cho tôi trong một đại hội Đoàn của đài Tiếng Nói Việt Nam (Truyền hình Việt Nam lúc đó là một ban của Đài Tiếng nói Việt Nam) ở khu sơ tán Vân Đình vào mùa thu 1972, vài tháng trước vụ ném bom B52 lịch sử. Giữa cuộc họp buồn tẻ, tôi bỗng nghe được một tham luận “cháy bỏng tâm hồn“ của một biên tập viên trẻ. Tôi hỏi người ngồi bên: 

Tay nào vậy?. 

Hắn tên là Phước, thủ khoa tổng hợp Văn mới về đài đấy.

Một gã như vậy không thể bỏ qua. Thế là chúng tôi đến với nhau. Tôi mê những hiểu biết của Phước, còn Phước chắc thích sự tò mò ở tôi. Mà không thể không tò mò, ở Phước tôi có thể biết được nhiều thứ: Đông - Tây, kim - cổ.

Phước xuất thân từ một gia đình bác sỹ Đông y nên rất giỏi Trung văn và chữ Nôm. Đến đình, chùa nào, hắn cũng đọc vanh vách các tích ở đó. Nhưng không phải ai học Trung văn cũng có thể bình về Đỗ Phủ, Thi Nại Am hoặc Lỗ Tấn hay như Phước. Tuy không học ngôn ngữ châu Âu, nhưng Phước lại rất giỏi văn học Nga, Đức và Pháp. Tôi là dân Đức “nòi“ mà ngồi nghe hắn phán về Brecht hay Goethe cứ “há mồm” ra.

Sau khi đi tu nghiệp ở Truyền hình CHDC Đức về năm 1974, Phước càng thân với tôi hơn, vì tìm được người tâm đắc để trao đổi về những kỷ niệm của hắn trong chuyến đi đó.

Phước không quá điển trai, nhưng lại rất có “ma lực” với phụ nữ. Năm 1975, khi làm việc ở đài Truyền hình Huế, tôi quen mấy em sinh viên Văn khoa và cũng thuộc loại thanh niên sáng giá trong mắt xanh của các em. Vậy mà khi Phước ghé qua Huế cuối 1975, tôi dại dột dẫn hắn ta đi chơi với mấy em này. Phước đã làm tôi lu mờ trên dòng sông Hương. 

Chuyện Phước kể làm các em cười rúc rích suốt. Mấy hôm sau Phước đi tiếp vào Đà Nẵng, Sài Gòn, các em tiếc rẻ nói với tôi: 

Nghe ảnh nói chuyện đã quá, đúng là môi cá chép, mép văn khoa. 

Tôi tự ái: 

Còn tui chỉ là cái loa thợ điện à?

Phước còn khá thân với thầy Hoàng Ngọc Hiến. Thầy Hiến là Idol (thần tượng) của Phước và Phước là trò cưng của thầy. Họ coi nhau như bạn. Mỗi lần thầy Hiến đến 58 Quán Sứ hay đến Giảng Võ gặp Phước, hắn đều xuống phòng kỹ thuật kéo tôi đi. Ba thầy trò vào quán nước trà ở cổng đài ngồi với nhau cả tiếng. Khi hai vị kia bàn về thơ Majakowski hay Yesenin thì tôi chỉ há miệng nghe. 

Nhiều người có thể không biết về thầy Hoàng Ngọc Hiến. Chỉ cần biết rằng, nhiều điều thầy nói cách đây 40 năm đã “đi trước thời đại”. Một Giáo sư văn học mà vào những năm 1970 đã nói về khoán nông nghiệp, đến việc giải phóng nông dân khỏi Hợp tác xã, đã nói là phải làm phim tư nhân để đi dự giải quốc tế…

***

Năm 1991, tôi đưa cả nhà sang Đức lập nghiệp, người duy nhất còn quan hệ thư từ đều đặn với tôi là Phước. Cả tập thư dày cộp đó ngày nay vẫn còn nguyên trong ngăn kéo nhà tôi. 

Năm 1995, tôi biết tin bạn tôi bị bạo bệnh: Cả hai quả thận đều suy. Y học Việt Nam ngày đó bó tay, chỉ còn cách ghép thận ở nước ngoài.

Trường Phước không chỉ là một phóng viên giỏi, mà còn là một người tử tế nên được nhiều người quý mến. Nhiều cá nhân, tổ chức đã tìm cách kết nối với quốc tế để giúp Phước ra nước ngoài ghép thận.

Ở Đức, tôi cũng liên hệ với các tổ chức và cá nhân có uy tín để giúp Phước theo hướng ghép thận, nhưng không được. Nội tạng hiến chỉ dành cho các công dân đã đóng bảo hiểm ở đây. Tuy nhiên lời kêu gọi của tôi đã được đài truyền hình ZDF chú ý đến. Bên cạnh việc quyên góp tiền, họ cử ông John lúc đó sẵn đang công tác ở Hà Nội ghé bệnh viện thăm Phước và hỏi tình hình.

Ông John có cảm tình với những bài bình luận thẳng thắn, chống tiêu cực của Phước nên đi thăm ngay. Sau khi tặng tiền quyên góp cho Phước và bàn với các bác sỹ, ông điện về cho biết tình hình bạn khá ổn định, đang chạy thận nhân tạo chờ có cơ hội sẽ sang Trung Quốc ghép thận. Vấn đề nan giải là Phước thiếu máu nặng, cần phải có thuốc tạo hồng cầu để có thể sống đến ngày được ghép thận.

Ban quốc tế ZDF liên hệ với hãng thuốc Boehringer-Ingelhei, nhà sản xuất loại đặc dược này. Hãng đồng ý tặng Phước một số lượng thuốc có thể dùng khoảng 12 tháng. Vấn đề là loại thuốc này chỉ có thể chuyên chở và bảo quản trong thùng giữ lạnh.

Lập tức ZDF liên hệ nhờ Đại sứ Quán Đức tại Hà Nội và hãng hàng không Lufthasa hỗ trợ. Chỉ trong vòng môt tuần sau bức điện của ông John, thùng thuốc nằm trong máy bảo nhiệt đã được ZDF gửi qua Lufthansa-Thai Airways đến Hà Nội. Sứ quán Đức cho xe ra tận chân máy bay nhận, chở thẳng đến bệnh viện. Trong suốt cả chiến dịch “Thuốc cho bạn Phước” đó, tôi hàng ngày liên hệ với bà Angelika Hofmann, chuyên viên đối ngoại ZDF qua điện thoại. Cuối cùng bà “phone” cho tôi: 

Thuốc đã vào tủ lạnh ở bệnh viện rồi Thọ ạ!.

Về sau Phước kể là thuốc nhiều quá, bạn đã chia sẻ bớt cho một số bệnh nhân suy thận khác. Năm 2003, tôi có mang quà của Phước đến Mainz tặng ông John và bà Hofmann.

Đầu năm 1997 Phước được cứu sống bằng một quả thận ghép. Trong bảy năm sau đó, bạn tôi làm việc như một kẻ bị số phận đuổi sau lưng. Mỗi lần về nước gặp Phước, dù bạn tỏ ra lạc quan thế nào, tôi vẫn cảm nhận được sự hối hả. Phước biết mình phải làm gì trong thời gian ngắn ngủi còn lại.

Định mệnh đã đến với Phước vào mùa hè 2004, bạn đã không qua khỏi ca thay thận thứ hai. Chúng tôi gặp nhau lần cuối cùng vào dịp Tết, ba tháng trước đó.

***

Nếu kể về cuộc đấu tranh với bệnh tật của Phước, không thể không nói đến Huyền Dung, người vợ đã hy sinh tất cả cho chồng. Dung đã đi theo Phước qua tất cả các bệnh viện trong và ngoài nước, đã chăm sóc cho chồng đến hơi thở cuối cùng. Dung đã tần tảo, bươn trải để nuôi sống gia đình, kiếm hàng triệu đồng tiền thuốc cho chồng mỗi tháng.

Anh đã ra đi rất lâu, nhưng những tác phẩm, những bài báo và cả tư duy về báo chí của anh còn nguyên vẹn. Chức vụ anh không lớn, mãi tới tuổi gần 60 anh chỉ phụ trách vẻn vẹn 30 người. Song trí tuệ và sức làm việc của anh thì quả là bậc thầy làng báo. Đôi khi chỉ đọc vài con số trong báo cáo nhưng Trường Phước cũng đã lên được kế họach cho ra cả một se-ri phóng sự nóng hổi “vừa thổi vừa xem”. 

Một lần cùng tôi đi trên Quốc lộ 51 (từ Đồng Nai đi Vũng Tàu), chỉ lướt qua anh biết ngay là tuyến đường “có vấn đề” và giao tôi làm một loạt này. Năm 1993, anh cùng tôi đi dự khởi công thuỷ điện Yaly. Anh phát hiện ra bất cập của sự phối hợp giữa địa phương và công ty xây lắp điện 3 (đơn vị thi công đường dây 500 KV) và nói tôi ở lại làm điều tra vụ này... Loạt phóng sự về đường dây 500 KVnói về sự khuất tất “ăn chia” đoạn đèo Lò Xo (Quảng Nam - Đà Nẵng) đã được cấp trên khen ngợi.

Anh còn một biệt tài nữa ít ai biết được. Đó là cách đọc sách và tài liệu của anh theo phương pháp... chụp ảnh. Nghĩa là anh nhìn thôi, cùng lúc 10 dòng trong vòng một phút. Gấp sách lại anh đọc nguyên văn và nhớ... vĩnh viễn.

Anh có thể với cuốn sổ ghi chép các số liệu trên tay mà ngay cùng một lúc đọc cho hai nhân viên đánh máy đánh hai phóng sự khác nhau mà không hề nhầm lẫn (cuốn sổ chỉ toàn con số).

Anh còn là tác giả của hàng chục chuyên mục mới. Năm 1980 anh là người đề xuất cho ra mục “Ý kiến Nhân dân” mà giờ là Hộp thư truyền hình, mục “Vấn đề hôm nay” do anh đề xuất hiện cũng đang tồn tại và gây nhiều tiếng vang 

Ba mươi năm trước, giữa dòng xoáy của chiến dịch Z30 “đánh” vào các doanh nhân, Phước đã dũng cảm bảo vệ ông Chẩn, “Vua Lốp” ở Hà Nội. Là phóng viên nông nghiệp, bạn đã luôn ủng hộ quan điểm giải phóng nông dân, đã giúp ông Nguyễn Ngọc Trìu đưa chủ trương khoán nông nghiệp lên sóng VTV.

Hai mươi năm trước, là người phụ trách mục “Vấn đề hôm nay”, anh đã đấu tranh với các vụ tham nhũng, đã rất bức xúc về số phận người lao động Việt làm thuê ở nước ngoài…

Ngày nay khi nhắc đến vụ gia đình ông Trịnh Văn Bô đòi nhà, có mấy ai biết rằng, ngay sau ngày ông Bô qua đời năm 1988, Phước đã lên tiếng về vụ này?

Rất tiếc, anh tuy có tài và có tâm, nhưng vì tính ngay thẳng của mình nên chỉ vậy. Có một vị cấp trên nói thẳng trong cuộc họp là “cậu này chỉ nên dùng chứ không thể yêu”. Nhưng những nhà báo chân chính luôn nhớ và quí trọng anh.

Đọc thêm