Bao bọc quá mức sẽ không khác gì hại con

(PLO) -Cha mẹ quan tâm, hết lòng vì con cái là hình ảnh đẹp vốn có lâu nay được ngợi ca của người Việt Nam. Thế nhưng bên cạnh đó, không ít bậc phụ huynh lại bao bọc thái quá, thậm chí làm thay những việc mà lẽ ra phải để các con tự làm, tự quyết định. Nhưng chính sự bảo bọc quá chu toàn này làm nhiều đứa trẻ mất hết khả năng thích nghi, không thể sống mà không có cha mẹ bên cạnh. 
Bao bọc quá mức sẽ không khác gì hại con

Những đứa trẻ không bao giờ lớn

Trong một lần sinh hoạt của Hội quán Các bà mẹ TP HCM, chị Hương (nhà ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM) than thở: “Thời chúng tôi, cày ngày cày đêm mới trụ được ở thành phố, còn thời nay, cái gì cũng có sẵn nên tụi nó chẳng cần phấn đấu”.

Chuyện là thằng Sơn, con trai lớn của chị, đã tốt nghiệp đại học mấy năm nay nhưng hàng ngày vẫn xòe tay xin mẹ tiền ăn, đổ xăng, uống nước với bạn bè. Tận dụng các mối quan hệ, chị đã xin cho con vài chỗ làm nhưng Sơn cứ chê lương thấp, sếp khó tính, đồng nghiệp thiếu thân thiện... rồi nghỉ. Nhiều lúc Sơn nghỉ ngang, không báo công ty một lời làm chị phải rối rít xin lỗi bạn bè.

Còn đứa con gái cũng chẳng khá hơn khi suốt ngày chỉ biết son phấn, chưng diện. Mới đây, nó xin chị mấy chục triệu đồng để đi nâng mũi kiểu Hàn Quốc. “Khi tôi từ chối, nó bảo: “Nếu mẹ không cho, con cặp với đại gia, kiếm tiền”. Tôi không biết kiếp trước mình làm gì tội lỗi mà con cái cứ làm khổ cha mẹ” - chị nói trong nước mắt.

Chị Thùy (Đống Đa, Hà Nội) thì ngậm ngùi chia sẻ, ngày con bé, chị làm tất cả mọi việc thay con và thói quen đó lớn dần theo năm tháng. Chị thấy vui và tự hào vì luôn tạo điều kiện để con được học hành, vui chơi cùng bạn bè. Tuy nhiên, khi hai con một trai, một gái của chị đã ở tuổi học cấp 3, đại học nhưng chưa bao giờ cầm chổi quét nhà, cắm hộ mẹ nồi cơm...

Ngay cả việc lôi từng chiếc quần áo, đôi tất ở trong phòng mang đi giặt cũng do chính tay chị phục vụ. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi chị Thùy ốm nằm bẹp giường. Thay vì lo lắng cơm nước cho chị thì hai con lại tị nạnh nhau rồi cuối cùng chờ mẹ dậy nấu. 

Hoàn cảnh của anh Hùng (ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP HCM) cũng “bi đát” không kém. Với vợ chồng anh Hùng, con cái mãi mãi là những đứa trẻ bé bỏng, lúc nào cũng cần sự che chở của cha mẹ. Con trai nhỏ của anh – thằng Trí - đã đi làm được mấy năm nay mà có lần đi chơi khuya về lúc 22 giờ bị anh nhắc nhở chỉ vì “Không thấy mặt nó, tôi và mẹ nó cả buổi tối đi ra đi vào không làm được gì”.

Còn Đức - con trai lớn của anh - hơn 30 tuổi, đã lấy vợ, sinh con và ở riêng nhưng chủ nhật nào anh cũng chở qua nhà con nào gạo, nước mắm, nào dầu ăn, thịt, cá... Ngày Đức ra riêng, không chỉ mua nhà cho con, anh còn sắm cả cây chổi quét nhà, thảm lau chân. “Để con thiếu thốn, làm cha mẹ sao chịu nổi” - anh phân trần. Chính vì thế mà vợ chồng Đức làm việc gì cũng chỉ dăm ngày, vài tháng rồi bỏ. Hết tiền, Đức nhắn tin và anh lại xuất hiện...

Tôn trọng cũng là cách yêu thương con

“Người Việt Nam có tuổi thơ kéo dài nhất thế giới, đến khi lập gia đình vẫn như đứa trẻ chỉ vì từ nhỏ, những việc thuộc về bản thân các em chẳng những không được quyết định mà còn được người khác làm hộ”. Đó là lời nhận xét hóm hỉnh nhưng không kém phần chua xót của bác sĩ Nguyễn Lan Hải, cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ TP HCM.

“Căn bệnh” này ngày càng trầm kha hơn khi đời sống của mỗi gia đình ngày càng đủ đầy, trong khi con cái lại càng ít ỏi khiến Việt Nam trở thành nước có “tuổi thơ kéo dài nhất thế giới”. Nghĩa là con cái luôn gắn chặt với cha mẹ ở bất cứ chặng đường nào dù đứa con bé bỏng ngày xưa được cha mẹ chăm mớm, nhai cơm đút ăn từng thìa nay trở thành một thanh niên phổng phao, thậm chí lập gia đình vẫn phải bố mẹ kè kè ở bên quyết định giúp.

Cách đây chưa lâu, một hình ảnh gây xôn xao dân mạng là cảnh mẹ lội nước dắt xe, con trai cao lớn phổng phao co chân ngồi sau. Điều đáng nói là bức hình này lại nhận được nhiều sự đồng cảm bởi người ta cho rằng những ai làm mẹ thì cũng đều hành động tương tự.

Trên thế giới, những cha mẹ như vậy được gọi là “phụ huynh trực thăng”. Thuật ngữ “phụ huynh trực thăng” được “lấy cảm hứng” từ những chiếc máy bay lên thẳng và bắt đầu được sử dụng từ đầu những năm 2000. Không chỉ ở Việt Nam hay gần nước ta là Trung Quốc, theo một vài khảo sát và nghiên cứu, phương pháp nuôi dạy con theo kiểu “cha mẹ trực thăng” cũng khá phổ biến ở Mỹ. Khoảng 38% tân sinh viên đại học và 29% sinh viên khóa trên cho rằng bố mẹ họ thường xuyên hoặc đôi khi can thiệp hay nhân danh con cái mình để giải quyết các vấn đề cho chúng. 

PGS Văn Như Cương trăn trở: “Báo chí tán dương bà bán hàng rong kiếm tiền nuôi con học đại học hay ông bố ngủ trong cống đi sửa xe nuôi con thủ khoa... Tôi kính phục những ông bố bà mẹ này tuy nhiên, tôi lại thầm trách những người con. Anh đủ tuổi vào đại học, sức dài vai rộng thì phải làm thế nào để lo cho bố mẹ bớt khổ. Đằng này hai anh vào đại học. Vậy thời gian rỗi làm gì mà để bố mẹ như thế? Tôi nói như vậy để thấy bố mẹ lo cho con quá nhiều, không để con tự lập, cho con làm việc thì có vì con thế nào cũng là cách giáo dục không đúng”.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM) phân tích, đừng nghĩ việc cha mẹ bao bọc con cái quá mức là tình thương trọn vẹn mà đó là việc tước đi những cơ hội để con rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách và sự trưởng thành nói chung. Hãy giúp trẻ hình thành những kỹ năng cần thiết và bản lĩnh để vào đời, để đối đầu thay vì quá bao bọc, chở che. Điều đó làm cho trẻ cảm thấy mình trưởng thành một cách đúng nghĩa...

”Khi con trẻ vào đời, đi thi, lập gia đình, nghĩa là trẻ cần cuộc sống độc lập. Chúng ta không thể sống giùm trẻ, càng không thể lo mọi thứ cho trẻ để con cái ỷ lại, mè nheo và mất dần sự tự lập cũng như việc chịu trách nhiệm trước cuộc sống. Chính con trẻ biết mình cần gì, muốn gì, thích gì và chung sống với ai là phù hợp. Điều đó sẽ giúp con cái sống đúng nghĩa với hạnh phúc của mình. Con cái cần được tôn trọng. Sự tôn trọng này cũng là thương yêu” – ông Sơn nhấn mạnh.

Đọc thêm