Báo động nguy cơ cạn kiệt nguồn nước do khoan giếng ồ ạt

(PLO) - Do biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, ngoài tác động của tự nhiên, tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức cũng góp phần làm đất bị nhiễm mặn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xả nước chỉ là giải pháp tạm thời

Theo ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong tháng 4, các tỉnh ven sông Cửu Long trong phạm vi cách biển từ 25-40km sẽ có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã có công hàm gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông báo về lưu lượng xả nước tại đập Thủy điện Cảnh Hồng từ 15/3 với lưu lượng bình quân là 2200m3/giây, gấp 3-3,5 lần so với lưu lượng tự nhiên và tăng hơn so với phương án ban đầu là 10%.

Trong khi đó, xả nước của các thủy điện dòng nhánh thuộc Lào về đến Việt Nam mất khoảng 8-10 ngày, được xem là sẽ về cùng đợt nước từ Trung Quốc, hiện đã về Việt Nam và có hiệu quả đẩy mặn từ ngày 7/4 trở đi.

“Đúng là ban đầu có những ý kiến không lạc quan lắm về lượng nước của đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) xả. Khi ta đề nghị thì Lào xả thêm nữa nên lượng nước về sẽ tăng lên, nước cho hạ lưu sẽ có những chuyển biến rõ rệt. Các tỉnh dọc sông Tiền, sông Hậu hưởng lợi nhiều từ đợt xả nước này. Vùng ngập mặn sẽ được đẩy lùi tới 20km về phía biển. Các tỉnh xa hơn như Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang thời gian tới vẫn bị xâm nhập mặn nặng”- ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi đợt ngập mặn này là do biến đổi khí hậu, El Nino mạnh, dòng chảy thượng nguồn bị giảm, mức nước sông Mê Kông thấp nhất trong 90 năm. Theo dự báo, hạn hán sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến vụ hè thu 2016.

Lượng nước ngầm ở ĐBSCL bị tụt giảm xuống 15m

Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn thì trong thực tế, tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa và nước ngầm ở vùng ĐBSCL lại đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Nước ngầm đối với những tỉnh giáp biển là hệ thống điều phối để nước biển không xâm nhập mặn vào đất liền. Nhưng theo PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam cảnh báo: “ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước, ngoài nguyên nhân do diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, điều kiện khí hậu, thủy văn, tác động của biến đổi khí hậu còn do tác động của con người, như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm... Một khi nguồn nước ngầm bị cạn kiệt thì khả năng phục hồi rất khó và lâu. Kéo theo đó là những hệ lụy khôn lường về an ninh nguồn nước, sinh kế của người dân cũng như sự phát triển bền vững của toàn vùng”.

Theo một công trình nghiên cứu gần đây do Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam công bố, đến năm 2015, trung bình vùng ĐBSCL đã bị tụt giảm lượng nước ngầm xuống 15m. Nếu như trước kia chỉ cần đào sâu khoảng 100m đã có thể khai thác được nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ngày nay phải đào sâu gấp đôi, và vẫn có một tỷ lệ lớn nguồn nước ngầm đó bị nhiễm mặn, nhiễm hóa chất không sử dụng được.

Để giảm thiểu tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm, việc sử dụng luân phiên nguồn nước là cách sử dụng nước tối ưu và có lợi nhất. Theo các chuyên gia về địa chất và thuỷ văn, cơ sở để đảm bảo cho việc sử dụng luân phiên nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất là dựa vào các hồ chứa nước mặn, nơi tập trung nước từ các sông suối để sau đó nước sẽ được chuyển với trữ lượng tối đa vào các kho chứa dưới đất. Vào những năm lượng mưa đạt dưới trung bình, lượng nước trữ trong các hồ chứa là nguồn cung cấp chính, khi đó nước dưới đất được giữ lại chỉ phục vụ cho vòng tuần hoàn của kho nước dưới đất.

Vào mùa hạn hán khi nguồn nước mặt bị hạn chế, nó lại được bổ sung bởi nguồn nước dưới đất từ các giếng khoan và làm cho mực nước dưới đất lại hạ thấp xuống.

Làm được điều này cần có các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là nông dân trong việc tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước ngầm; không khoan giếng ồ ạt mà cần phải có sự tư vấn của chuyên gia về vị trí khoan cũng như độ sâu của giếng để đảm bảo không ảnh hưởng đến dòng chảy của nước ngầm...

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, cuối tháng 4, tại ĐBSCL tình trạng mặn sẽ giảm nhanh, phạm vi cách biển từ 25-40km có xuất hiện nước ngọt khá dồi dào, nhất là khi triều thấp, chân triều. Sau đó, mặn có khả năng biến đổi phức tạp và có khả năng lên mạnh trong tháng 5. Vùng biển Tây (trên sông Cái Lớn, Cái Bé và ven biển), đến giữa tháng 4, mặn biến động theo chiều hướng giảm dần, các vùng từ Gò Quao đến ngã ba Nước Trong có thể xuất hiện nước ngọt một số ngày vào lúc triều thấp.

Đọc thêm