Báo động: Thủ đô có quá nhiều “điểm nóng” ô nhiễm nước

(PLO) - Mới đây, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã tổ chức hội nghị thanh tra, kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống và nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội năm 2016 để siết chặt công tác kiểm tra, đảm bảo chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt vẫn đang bị bỏ ngỏ suốt thời gian qua.
Người dân Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) hiện đang bức xúc về tình trạng ô nhiễm nguồn nước khiến căn bệnh ung thư gia tăng
Người dân Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) hiện đang bức xúc về tình trạng ô nhiễm nguồn nước khiến căn bệnh ung thư gia tăng
Động thái này được dư luận đánh giá tích cực song chưa thực sự toàn diện bởi hiện tại, ở không ít địa phương mạng lưới cung cấp nước sạch vẫn chưa được “phủ” đến. Hay nói cách khác, nhiều khu vực trên địa bàn thủ đô, ô nhiễm nước vẫn ở trong tình trạng báo động.
Nguồn nước ở nhiều khu vực không đảm bảo

Theo thống kê, tính đến hết năm 2015, Hà Nội có 133 cơ sở cấp nước tập trung hoạt động, cấp nước cho 51% hộ gia đình sử dụng, 49% hộ gia đình còn lại sử dụng nguồn nước tự khai thác (nước mưa, giếng đào, giếng khoan). 

Nói như vậy để thấy rằng, hiện mạng lưới cung cấp nước sạch hiện vẫn chưa đồng bộ. Hệ lụy nhãn tiền là đã có không ít địa phương, qua khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng.  

Cụ thể, theo khảo sát gần đây, hàng nghìn con người thuộc hai thôn Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) suốt nhiều năm phải sử dụng nguồn nước giếng khoan nồng nặc mùi hôi tanh, ngả vàng và có váng mỡ. Dù giếng tại đây khoan sâu khoảng 40 đến 50 mét nhưng nguồn nước này cũng đang dần bị ô nhiễm rất nặng.

Tương tự như vậy, ở Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ), năm 2015 Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã công bố nơi đây lọt vào danh sách "top" 10 làng ung thư có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất. 

Hệ lụy do nguồn nước ô nhiễm gây ra là từ năm 1990 đến nay, toàn thôn Lũng Vị có 45 trường hợp chết vì bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư gan và ung thư phổi, rơi vào tuổi ngoài 40, thậm chí mới ngoài 30 tuổi. Nếu dựa vào thống kê số người chết vì ung thư chiếm 0,35% trên tổng số dân của làng trong những năm qua, con số này cao gấp 4 lần so với tỉ lệ trung bình của Việt Nam. 

Theo một báo cáo khác của Tổng cục Môi trường, riêng tại Hà Nội, qua khảo sát các số liệu đều cho thấy mức ô nhiễm nước tại làng nghề luôn ở mức đáng báo động.

Chẳng hạn, ở làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thạch Thất), qua kiểm tra cho thấy nguồn nước thải của cơ sở sản xuất có hàm lượng Cr6+ vượt 7,2 lần, Zn vượt 36,0 lần, Fe vượt 22,4 lần QCVN; tại làng nghề giết mổ Bái Đô, xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên), nước thải từ cơ sở giết mổ có hàm lượng BOD5 vượt 3,8 – 7,6 lần, COD vượt 2,2 – 4,0 lần, SS vượt 2,3 – 3,9 lần.

Đó là các địa phương mạng lưới nước sạch chưa được “phủ về”, riêng các khu vực hiện đã và đang sử dụng nước sạch do các đơn vị kinh doanh nước sạch trên địa bàn thủ đô cung cấp, ngoài chuyện phải đối mặt với tình trạng thường xuyên mất nước, có nhiều thời điểm hàng nghìn con người vẫn phải sử dụng nước bẩn. 

Chẳng hạn, thời điểm năm 2011, Trung tâm Quan trắc và Dự báo tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã công bố kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Ở riêng khu vực Đồng bằng Bắc bộ, ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, hàm lượng amoni lên đến 23,30mg/l, gấp 233 lần tiêu chuẩn cho phép.

Ngoài ra, còn có 17/32 mẫu có hàm lượng mangan vượt quá hàm lượng tiêu chuẩn, 4/32 mẫu có hàm lượng asen vượt tiêu chuẩn… 

Hay như tháng 7/2014, người dân Mỹ Đình II, Khu đô thị Mỹ Đình, Nam Từ Liêm không khỏi lo lắng khi phát hiện nguồn nước giếng khoan được cung cấp bởi Cty TNHH Một thành viên Dịch vụ nhà ở và khu đô thị HUDS, bị nhiễm asen gấp hai lần tiêu chuẩn cho phép suốt một thời gian dài...

Từ những ví dụ trên cho thấy một thực trạng, hiện việc thực hiện nội kiểm vệ sinh, chất lượng nước tại một số cơ sở cấp nước chưa được thực hiện thường xuyên theo qui định.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các tòa nhà chung cư, nhà tập thể và các hộ gia đình cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc nội kiểm chất lượng nước.

Nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội hiện vẫn đang sử dụng nguồn nước không đảm bảo
Nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội hiện vẫn đang sử dụng nguồn nước không đảm bảo 
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát
Khách quan nhìn nhận, chưa bao giờ nhu cầu về nước sinh hoạt tại Hà Nội lại đặt ra cấp bách như hiện nay. Theo đó, để bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn, cách đây ít lâu UBND thành phố cũng đã xin Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng tuyến ống truyền dẫn nước sạch sông Đà từ quốc lộ 21 về vành đai 3 (công suất 60 nghìn đến 70 nghìn m3/ngày đêm) theo cơ chế xây dựng công trình khẩn cấp. 

Đó là riêng về công tác nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, hoạt động tăng cường kiểm tra, giám sát hiện cũng được nhìn nhận một cách toàn diện hơn.

Chẳng hạn, theo kế hoạch dự kiến, thời gian tới ngành y tế sẽ thực hiện khoảng 200 lượt kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước, hơn 140.000 lượt ( 20 hộ/xã phường/tháng) kiểm tra vệ sinh nguồn nước tại nhà chung cư, tập thể, hộ gia đình và hơn 6 trăm lượt kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước tại các bể bơi, khu vui chơi dưới nước. 

Thiết nghĩ, trong khi tiếp tục chờ đợi các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định cấp nước trên địa bàn thành phố, hơn hết, về phía các đơn vị cung cấp nước sạch cần tự giác tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nước, rà soát máy móc, thiết bị… có như vậy mới góp phần hạn chế thấp nhất các sự cố, nâng cao chất lượng sống của người dân thủ đô.

Đọc thêm