Báo động tình trạng “chảy máu” sắc phong

(PLO) - Sắc phong (gọi đầy đủ là đạo sắc phong) xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15, dưới triều nhà Lê, được xác nhận bằng ấn triện của nhà vua mang nội dung công nhận có tính nhà nước, đồng thời thể hiện quyền lực của triều đình đối với các làng xã. 
Sắc phong - hồn của làng quê - hàng trăm tuổi cần được bảo quản, giữ gìn
Sắc phong - hồn của làng quê - hàng trăm tuổi cần được bảo quản, giữ gìn

Sắc phong truyền tải lại cho hậu thế các tư liệu quý giá và trung thực về tên tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử, biểu thị sự tôn vinh của vương triều và cộng đồng cư dân với vị thần đó... Điều đáng buồn, hiện nay có không ít sắc phong bị mục nát và bị kẻ gian lấy mất.

“Phần hồn” làng bị đánh cắp

Theo các nhà nghiên cứu, về cơ bản, sắc phong gồm có hai loại. Loại thứ nhất dùng để phong cấp, tưởng thưởng chức tước cho các công thần. Đây được xem là vật gia bảo và thường được cất giữ cẩn thận tại các gia đình hoặc nhà thờ họ. Hiện, những sắc phong này còn khá nhiều ở các dòng họ ở Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Phúc, Thái Bình. Loại thứ hai là sắc phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh (thành hoàng làng), là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã cho nên thường được cất giữ tại các đình, đền, miếu mạo. 

Mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử nên bảo vệ các đạo sắc phong trở thành điều cấp thiết khi thời gian qua, vấn đề bảo tồn các đạo sắc phong còn nhiều hạn chế. Phương pháp bảo quản phổ biến hiện nay là đựng trong ống tre, hoặc hộp gỗ, bên ngoài bọc giấy những với khí hậu nóng ẩm nên sắc phong rất dễ bị mục nát, bị mối mọt, rách và mất chữ. 

Điều đáng nói hơn cả, sắc phong bị mất nhiều do kẻ gian lấy cắp. Rạng sáng 9/8/2018, kẻ gian đã đột nhập vào trong cung cấm của đình Hoàng Châu (xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, Hải Phòng) lấy đi một kiệu thờ Mẫu có niên đại trên 100 năm, một bức tượng cổ thờ mẫu Liễu Hạnh và sắc phong từ thời nhà Nguyễn.

Di tích văn hóa cấp quốc gia đền Hậu (xã Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên), cuối tháng 7/2018 bị trộm đột nhập lấy đi 5 đạo sắc phong từ thời Nguyễn và 2 bát hương cổ bằng gỗ. Năm 2017, tại đình Thượng Trung, xã Liên Am (Vĩnh Bảo, Thái Bình) mất một sắc phong, trong đó có 4 đạo sắc.

Đình Trần Xá làng Trần Xá, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) có 38 đạo sắc phong nhưng bị kẻ gian lấy đi một lúc 16 sắc phong kiến cả làng bàng hoàng. Tháng 3/2013, tại đền Bồng Châu (Kim Động, Hưng Yên) bị kẻ gian phá két lấy đi 69 đạo sắc phong cổ…

Đối với các làng quê Việt, những tế bào sống trong xã hội truyền thống thì những bản sắc phong chính là thể hiện những giá trị về văn hóa tinh thần. Vì vậy, nhiều nơi, khi bị mất đi sắc phong thì họ cảm thấy như mất đi phần hồn của làng và đời sống tâm linh bị ảnh hưởng.

Tìm lại những sắc phong lưu lạc

Xót xa những giá trị của tư liệu cổ, thời gian gần đây, nhiều nhóm các nhà nghiên cứu, những người sưu tầm cổ vật đã thực hiện việc tìm, sưu tập và dịch lại các bản sắc phong trao trả về cho các làng.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một trong 7 thành viên của nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã thực hiện ý tưởng tìm sắc phong trả về cho các làng quê Việt. Từ năm 2015 đến nay, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã thu thập được hơn 200 đạo sắc phong. Các nhân sĩ như anh: Trịnh Hữu Sỹ, Đỗ Văn Hiệu, Lê Phương Trung… đặc biệt là những doanh nhân trong nhóm vẫn đang tiếp tục kêu gọi những người đang giữ đạo sắc phong trả lại, thậm chí các nhân sĩ góp tiền từ chục triệu tới hàng trăm triệu mua lại những đạo sắc phong từ những nhà sưu tầm cổ vật để dâng tặng lại cho các địa phương.

Để tìm lại những sắc phong là cả một quá trình gian nan. Nhóm Nhân sĩ Hà Đông phải dò tìm trên internet các diễn đàn rao bán cổ vật, sắc phong, hoặc nhờ các tình nguyện viên tìm hỏi giúp thông qua những người lớn tuổi ở địa phương, qua những người làm ở lĩnh vực dư địa chí và nhiều nguồn thông tin khác.

Theo nội dung địa danh, di tích ghi trong sắc phong, mọi người phải tra cứu vì nhiều tên đất, tên làng, xã đã thay đổi. Trước việc làm tốt đẹp của nhóm Nhân sĩ Hà Đông, có những người tự nguyện cung tiến đạo sắc phong mà họ sưu tầm được hoặc đã bỏ tiền mua từ lâu và đang lưu giữ. Một số họa sĩ, nhà sưu tầm cổ vật, nhà nghiên cứu đã tin tưởng trao cho nhóm Nhân sĩ Hà Đông dịch và trao trả các sắc phong lại cho các địa phương mà không đòi hỏi công sức, tiền bạc. 

Cũng cùng mục đích, nhóm Tâm Phát - 6 bạn trẻ yêu di sản gồm: Trần Hiển Anh, Trần Tuấn Anh, Võ Kim Long, Phạm Xuân Thắng, Huỳnh Nhựt, Hồ Hải Hà chuyên đi tìm những sắc phong cổ bị lưu lạc để đưa về lại các di tích đình, đền. Nhóm Tâm Phát đã giúp “hồi hương” gần 100 bản sắc phong. Cùng sự vất vả khi tìm lại sắc phong, nhóm Tâm Phát còn bị người dân nghi kỵ theo kiểu “Nhóm này là bọn trộm sắc phong nay bị thánh phạt, buộc phải tìm cách trả?”...

Vượt qua nghi kỵ, quyết thực hiện tâm nguyện của mình, nhóm Tâm Phát đã trao lại sắc phong và được các cụ ở nhiều địa phương coi như “người làng”, coi như con cháu trong nhà. Nhóm Tâm Phát nhắn nhủ những người sưu tầm cổ vật và những ai có ý định trộm cắp sắc phong: “Sắc phong không chỉ là bảo vật của một cộng đồng dân cư, mà còn thuộc về những thần linh của đất Việt. Chơi gì thì chơi, không nên chơi sắc phong, mạo phạm đến thánh thần”.

Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng những sắc phong được tìm lại chỉ là phần nhỏ so với những sắc phong bị mất cắp. Điều mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều day dứt: “Quá trình sưu tầm, dịch và trao trả sắc phong niềm vui nhiều hơn, song vẫn có nỗi buồn, day dứt. Đó là, việc sắc phong bị đánh cắp, ngay cả ban quản lý di tích, lãnh đạo địa phương cũng thờ ơ, không bảo vệ đúng mức di sản quý giá này”. 

Điều đáng nói, những sắc phong quý giá giá niên đại hàng trăm năm của cha ông để lại bị biến mất nhưng không một ai đứng ra chịu trách nhiệm và bị xử lý trước pháp luật. Trong khi từ năm 2002, Chỉ thị 05 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích đã yêu cầu chính quyền cấp xã, phường không “khoán trắng” trách nhiệm bảo vệ di tích cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích.

Khi sự cố xảy ra thì người đứng đầu cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm. Trên thực tế, khi mất cổ vật, người trông coi các di tích ấy chỉ giải trình, bị nhắc nhở, còn chính quyền xã, phường thì “coi như không phải việc của mình”. Sau đó là… hòa cả làng. Và như thế là sẽ còn nhiều sắc phong hàng trăm năm tuổi tiếp tục bị “chảy máu”

Đọc thêm