Báo động truyện ngôn tình độc hại

(PLVN) - Từ nhiều năm nay, không ít lời cảnh báo của các chuyên gia, nhà văn, nhà tâm lý… hướng đến loại truyện ngôn tình dành cho giới trẻ. Gần đây, người đọc lại phát hiện thêm nhiều “biến tướng” nguy hiểm của loại sách này.
Giới trẻ cần chọn lọc sách để đọc, hướng tới những nội dung bổ ích. (Ảnh minh họa)
Giới trẻ cần chọn lọc sách để đọc, hướng tới những nội dung bổ ích. (Ảnh minh họa)

Cổ súy cái xấu

Mới đây, một nhóm bạn trẻ chuyên dịch truyện ngôn tình từ mạng xã hội Trung Quốc đã phát hiện một quyển sách ngôn tình của tác giả Trung Quốc mang tên Trì Mạch. Trong quyển sách này, phần chen vào mô tả cảm xúc cá nhân của người viết trong sách (một hình thức quen thuộc của truyện ngôn tình Trung Quốc), tác giả kêu gọi tẩy chay Việt Nam, tuyên bố không đến Việt Nam và gọi Việt Nam bằng những ngôn ngữ xúc phạm.

Cũng gần đây, một diễn đàn dành cho giới trẻ đã đưa ra thảo luận về trường hợp một quyển sách ngôn tình Trung Quốc xuất bản tại Việt Nam có chứa những chi tiết thác loạn, đồng thời cố ý bôi xấu hình ảnh người Việt. Quyển sách ấy tên là Dụ Tình, của tác giả Âm Tầm, một cây bút ngôn tình khá ăn khách Trung Quốc.

Thực tế, quyển sách này đã xuất bản lần đầu từ cách đây 5 năm. Thời điểm ấy, sách đã bị một nhóm bạn đọc kêu gọi tẩy chay vì cổ súy cho chuyện ngoại tình, “thi vị hóa” việc phụ nữ bị cưỡng hiếp. Nội dung sách nói về một nữ luật sư tiếp cận một tổng giám đốc tập đoàn để tìm cách cứu chồng mình. Cô bị tổng giám đốc này quấy rối, cưỡng hiếp nhưng để kéo dài hết lần này đến lần khác.

Sau đó, phát hiện chồng ngoại tình, cô đem lòng yêu tổng giám đốc nọ, cả hai sống hạnh phúc bên nhau. Mới đây, nhiều bạn trẻ tìm đọc và phát hiện thêm nhiều điều không ổn.

Cụ thể, tại chương 66 của sách, tác giả có đoạn miêu tả những kẻ xấu trong truyện đều là “những kẻ buôn ma túy tại Việt Nam”, đồng thời mô tả những người phụ nữ Việt Nam như những nô lệ tình dục cho bọn buôn ma túy.

Quyển sách cài cắm nhiều chi tiết làm xấu hình ảnh phụ nữ Việt. Cạnh đó, quyển sách ngôn tình này có những chi tiết mô tả sống sượng truyện cưỡng hiếp tập thể, tình dục, những hành vi biến thái, tra tấn, nhục mạ người khác. 

Có thể khiến giới trẻ lệch lạc chuẩn mực sống

Có thể thấy, loại sách ngôn tình trên như những mầm độc, khiến giới trẻ mất dần khả năng nhận định đúng - sai, lệch lạc chuẩn mực sống. Đa phần sách ngôn tình đều lý tưởng hóa, tuyệt đối hóa tình yêu nam nữ. Nội dung xoay quanh “yêu - hận - tình - thù” với những nhân vật tôn thờ tình yêu, sống chết vì tình yêu và sẵn sàng rũ bỏ mọi thứ để đến với người mình yêu.

Hầu hết những quyển sách ấy, khi tình yêu được đặt lên vị trí trung tâm hàng đầu, tất cả các tình cảm khác đều được đẩy xuống hàng thứ yếu. Nó khiến cho rất nhiều người trẻ chìm đắm trong mơ mộng về tình yêu lý tưởng, thêu dệt hình tượng những “soái ca”, “chân ái”, xa rời cuộc sống thực, rũ bỏ ý chí vươn lên.

Những tựa sách ngôn tình rối rắm, vô nghĩa trên một website đọc sách
 Những tựa sách ngôn tình rối rắm, vô nghĩa trên một website đọc sách

Không chỉ như thế, những ngôn tình đam mỹ (tình yêu giữa nam với nhau), bách hợp (tình yêu giữa người nữ) được mô tả bay bổng phi thực tế, hiến nhiều người trẻ say mê, hâm mộ, thậm chí còn… bắt chước như một trào lưu mới. 

Không chỉ khiến người trẻ mụ mị trong những câu chuyện tình ái bi lụy, truyện ngôn tình còn ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy ngôn ngữ. Mới đây, đại diện một doanh nghiệp đã đưa ra một câu chuyện nhằm cảnh báo giới trẻ.

Lãnh đạo doanh nghiệp này trong một buổi thuyết trình dự án, sau khi nghe xong thì nổi giận vì bản thuyết trình được trình bày với vô vàn lỗi ngữ pháp như cách nói chuyện rườm rà, lê thê, từ ngữ sáo rỗng, đảo ngữ lung tung và sau đó phát hiện ra đó chính là… cách hành văn của các ngôn tình hiện hành. Có thể tìm thấy cách diễn đạt, hành văn này tràn lan trên mạng xã hội. Và nguy cơ truyện ngôn tình ảnh hưởng đến ngôn ngữ trong sáng của tiếng Việt không phải là không có.

Hiện nay, điều đáng ngại là ngôn tình, ngôn tình sắc (ngôn tình nặng về tình dục) nhan nhản trên mạng xã hội. Nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 đã tiếp xúc với ngôn tình. Nhiều bậc cha mẹ cũng chia sẻ, thấy con đọc sách trên mạng thì mừng, nhưng rồi phát hiện ra là sách ngôn tình nội dung vô bổ, phản cảm thì thực sự lo lắng những nội dung sách này sẽ khiến con trẻ lệch lạc nhận thức, nhưng không biết phải làm sao.

Chọn sách để đọc

Trong những ngày qua, trên diễn đàn có nhiều tranh cãi gay gắt về dòng sách ngôn tình. Trong khi một số ý kiến cho rằng rất nhiều sách ngôn tình độc hại, là “rác” xuất bản. Nhưng cũng có những ý kiến ngược lại, đặc biệt là các bạn trẻ mới lớn, tranh luận kịch liệt để bảo vệ dòng sách này vì cho rằng nó hay, hấp dẫn, đáng để đọc.

Cá nhân tôi từng đọc qua không ít sách ngôn tình, tôi cho rằng có những quyển sách có giá trị về mặt ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử hay các giá trị sống. Nhưng số sách ấy không nhiều trong tổng thể dòng sách ngôn tình hiện nay.

Các đầu sách mới ra mắt liên tục, trùng lặp câu chuyện, bắt chước cách viết của nhau, ru ngủ bạn đọc trong những câu chuyện tình ái ngọt ngào. Tôi từng chứng kiến không ít bạn trẻ bị nghiện ngôn tình, đến mức ngoài làm việc và học tập, chỉ chúi mũi vào ngôn tình, mê đắm trong những tình yêu không có thật, bỏ qua các loại sách khác, các loại hình giải trí khác, thậm chí mất kết nối với chung quanh.

Tôi nghĩ, đọc ngôn tình không sai, nhưng chọn sách để đọc, đọc sách thế nào để nó như một loại giải trí thông thường, không nhiễm độc vào tâm hồn mình mới là điều đáng nói. (Nguyễn Tố My, admin diễn đàn Yêu đọc sách).

Đọc thêm