Báo hiếu ở đâu?

(PLO) - Như vậy là đã bước vào tháng 7 Âm lịch – Tháng Vu lan, báo hiếu như truyền thống tốt đẹp bao đời của người Việt. Thời hiện đại, người ta cũng có nhiều cách báo hiếu hơn xưa, và không ít trong số đó là sản phẩm của lối sống ảo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có lẽ, nơi được thông báo về tháng Vu lan rầm rộ hơn cả chính là cộng đồng mạng, mà phương tiện lan truyền mạnh mẽ nhất là Facebook. Vài năm gần đây, người ta cũng thấy phố biến trường hợp “báo hiếu trên facebook”, khi mà những dòng tin, lời nói, bài viết hay, cảm động về các bậc sinh thành được liên tục đăng tải trên cá nhân trong tháng Vu lan. Nhưng, đằng sau những lời “báo hiếu” trên mạng ấy, cũng không hiếm những câu chuyện cười ra nước mắt.

Mùa Vu lan năm ngoái, một người con gái đã bị người thân “tố” là lên mạng toàn nói lời hay ý đẹp, kêu gọi báo hiếu cho cha mẹ nhưng thực tế thì rất thiếu trách nhiệm, bỏ bê cha mẹ già không lo, cha mẹ ốm không quan tâm, không nhận được một lời hỏi han từ cô.

Có lẽ, đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện tréo ngoe, mâu thuẫn về “báo hiếu cha mẹ” vẫn diễn ra hàng ngày trên facebook. Thời đại mà lối “sống ảo” lên ngôi, với nhiều người, lời hay ý đẹp dành cho cha mẹ dường như chỉ được thể hiện trên mạng xã hội, còn ngoài đời, họ ngượng, hoặc vô tâm, hoặc bỏ qua. Thế nên, một bức tranh biếm họa, hài hước mà chua chát vẫn được truyền nhau trên mạng mùa Vu lan: Cha mẹ không nhận báo hiếu trên facebook đâu con!

Tháng Vu lan, người ta ăn chay cầu phúc, người ta đi chùa, làm việc thiện rất nhiều. Có những người, ngày ngày tụng kinh niệm Phật, tối tối đi chùa. Tất cả những việc làm ấy đều là những hành động tâm linh tốt đẹp, đáng trân trọng. Nhưng, trong số ấy vẫn có những người chùa chiền năng đi, việc thiện năng làm, nhiệt tình và bận rộn đến mức khó lòng dành ra một ngày để gọi hỏi, để về thăm, để chăm sóc… cha mẹ mình.

Nhắc nhớ một truyền thống tốt đẹp trên mạng xã hội là điều nên làm. Năng đến chùa cầu phúc, làm việc thiện tích phước là điều đáng quý. Nhưng, tất cả sẽ là chuyện “làm màu” nếu những điều cần làm, nên làm không được biến thành hành động trong đời thực.  Sẽ là vô nghĩa nếu những lời cầu chúc hay thương yêu chỉ lan truyền trên thế giới ảo mà không đến được với các bậc sinh thành, những lời cầu nguyện gửi đến đấng tâm linh không đi cùng với sự bày tỏ tình thương yêu thiết thực.

Báo hiếu là một hành động không cần phải ngôn ngữ đẹp, phải kêu gọi rầm rộ hay thể hiện ở đâu xa xôi. Báo hiếu cha mẹ chỉ cần những điều giản dị mà chân thành, một cuộc gọi, một món quà, vài cái bóp vai, một bữa ăn cùng... Báo hiếu cũng không phải là chuyện của riêng mùa Vu lan, đó là một câu chuyện gắn liền với cuộc sống hàng ngày. Tình thương cha mẹ phải đi với người ta trong từng hơi thở, từng lời nói, từng nghĩ suy như một phần cuộc sống. Đó mới thực sự là lòng hiếu, không xa xôi, không màu mè, không đao to búa lớn…

Đọc thêm