Báo Pháp luật Việt Nam chung tay cứu trợ mùa dịch Covid – 19: Trao bát cơm cho người khó

(PLVN) - Chương trình "ATM gạo" nghĩa tình do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp cùng Tỉnh đoàn Đồng Nai và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai tổ chức thực hiện vừa qua đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, mang đến nhiều niềm vui cho người dân trên địa bàn, góp phần vào nỗ lực khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.
Đại diện Chương trình "ATM gạo nghĩa tình" nhận ủng hộ của các nhà hảo tâm.
Đại diện Chương trình "ATM gạo nghĩa tình" nhận ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Nhường cơm sẻ áo

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được sự chỉ đạo của Ban biên tập báo Pháp luật Việt Nam, Văn phòng báo Pháp luật Việt Nam khu vực Đông Nam Bộ đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp trong chương trình “ATM gạo nghĩa tình” tại Đồng Nai.

Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai ủng hộ Chương trình "ATM gạo nghĩa tình" của báo Pháp luật Việt Nam 1 tấn gạo.
Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai ủng hộ Chương trình "ATM gạo nghĩa tình" của báo Pháp luật Việt Nam 1 tấn gạo.

Chương trình đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, phóng viên, cộng tác viên báo Pháp luật Việt Nam khu vực Đông Nam Bộ, cùng người dân tại Đồng Nai chung tay “nhường cơm sẻ áo”, góp phần vào nỗ lực khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.

Để nhân rộng và lan toả tinh thần “không để bất cứ ai khó khăn bị bỏ lại phía sau”, sáng 18/4, khởi động chương trình "ATM gạo nghĩa tình" thực hiện tại Sân vận động TP Biên Hòa. Hàng trăm người bán vé số dạo trện địa bàn TP Biên Hòa đã phát thẻ "'ATM gạo nghĩa tình" để nhận phần hỗ trợ gồm 3kg gạo và trứng.

Người dân đến nhận gạo tại điểm phát gạo Sân Vận Động TP Biên Hòa.

Người dân đến nhận gạo tại điểm phát gạo Sân Vận Động TP Biên Hòa.

Sáng 20/4, tại Trường Tiểu học Phan Bội Châu, "ATM gạo nghĩa tình" tại điểm phát gạo thứ hai chính thức đi vào hoạt động. Bộ phận tiếp nhận gạo nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, người dân trên địa bàn với số lượng gạo trên 4,3 tấn và 15 triệu đồng tiền mặt.

Tthêm một cây "ATM gạo" thứ 3 đã được báo Pháp luật Việt Nam cùng UBND thị trấn Hiệp Phước, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai triển khai tại Nhà văn hoá thị trấn Hiệp Phước (Nhơn Trạch) vào ngày 21/4.

Tham dự buổi phát gạo có các ông Lê Thành Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, ông Huỳnh Ngọc Hiếu – Trưởng đại diện báo Pháp luật Việt Nam Khu vực Đông Nam Bộ, ông Đặng Văn Điềm - Chủ tịch hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai, cùng đại diện nhiều ban, ngành đến đóng góp, ủng hộ sức người, sức của với thông điệp chia sẻ một phần khó khăn của người dân trong mùa dịch bệnh.

Báo Pháp luật Việt Nam nhân rộng chương trình “ATM gạo nghĩa tình” tại huyện Nhơn Trạch.
 Báo Pháp luật Việt Nam nhân rộng chương trình “ATM gạo nghĩa tình” tại huyện Nhơn Trạch.

Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái của người Việt, Tập đoàn Nông nghiệp thực phẩm Công nghệ cao Đại Nam Ong Biển đã ủng hộ tổng cộng 10 tấn gạo hữu cơ đặc biệt. Trong đó 5 tấn tại điểm gạo trường Tiểu học Phan Bội Châu và 5 tấn gạo tại điểm "ATM gạo" thị trấn Hiệp Phước.

Ông Huỳnh Ngọc Hiếu – Trưởng đại diện báo Pháp luật Việt Nam Khu vực Đông Nam Bộ cho biết, dự kiến “ATM gạo nghĩa tình” sẽ lưu động đi các huyện, TP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thời gian triển khai từ 18/4/2020 đến khi Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc người dân không còn nhu cầu nhận gạo. Tùy vào thực tế tại các địa phương, mỗi địa điểm sẽ duy trì trong khoảng thời gian phù hợp, trung bình từ 7 – 10 ngày/địa điểm.

Lan tỏa thông điệp yêu thương

Tiếp tục chương trình “ATM gạo nghĩa tình”, ngày 28/4, báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục bàn giao số gạo đã vận động trước đó triển khai đến các điểm phát gạo ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Đồng Nai.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, báo Pháp luật Việt Nam tiến hành vận chuyển, giao 2 tấn gạo đến Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Cửu, 3 tấn gạo đến điểm ATM gạo tại xã Phước Khánh  và 500 kg gạo cho “chợ 0 đồng” tại Long Thành, ủng hộ chương trình “Siêu thị 0 đồng” tại Lâm Đồng 25 tấn gạo nhằm chia sẻ khó khăn với bà con trên địa bàn.

Trung bình tại các điểm "ATM gạo nghĩa tình”, mỗi người dân đều được nhận 14 kg gạo, chia đều cho 7 ngày lấy từ máy ATM gạo, một số trường hợp có thêm trứng gà. Mỗi một điểm ATM triển khai một cách làm riêng, nhưng chung quy lại cũng là nỗ lực chăm lo cho bà con vượt qua khó khăn mùa dịch

Người dân trực tiếp nhận gạo từ máy" ATM gạo nghĩa tình" của báo Pháp luật Việt Nam.

Người dân trực tiếp nhận gạo từ máy" ATM gạo nghĩa tình" của báo Pháp luật Việt Nam.

Không chỉ phối hợp huy động đóng góp từ cộng đồng, Tỉnh đoàn Đồng Nai đã huy động lực lượng đoàn viên thanh niên sẵn sàng túc trực tại địa điểm "ATM gạo" để hỗ trợ, hướng dẫn bà con đến nhận gạo. Đảm bảo khoảng cách 2m, đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào nhận gạo và về; giữ cho máy "ATM gạo" được vận hành thông suốt và an toàn.

Mưu sinh bằng nghề bán vé số, do ảnh hưởng dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Lê (55 tuổi, phường Long Bình) mất đi nguồn thu nhập, lâm vào cảnh bấp bênh: “Mấy ngày qua, sống được là nhờ xin phần ăn từ các quán cơm nhân đạo. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng kịp để xin. Tôi mong máy này được có ở nhiều nơi để những người nghèo như chúng tôi có gạo ăn” - bà Lê xúc động chia sẻ.

Ngoài vận động nguồn lực để tặng quà, gạo tại địa điểm tập trung. Đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể địa phương còn triển khai sâu rộng, tìm đến các hộ khó khăn ở vùng sâu, vùng xa tặng gạo, nhu yếu phẩm nhằm giúp bà con vượt qua khó khăn trong những ngày phải nghỉ việc để phòng chống dịch bệnh.  

Đọc thêm