Bão số 8 không gây mưa lớn nhưng sẽ gây gió mạnh kèm dông, lốc

(PLVN) - Từ ngày 22-23/10, nhiều khu vực giảm mưa hoặc hầu như không mưa, một số khu vực có nắng. Tuy nhiên không loại trừ ́khả năng mưa do hoàn lưu bão số 8 trong 3-4 ngày tới (khoảng 24-26/10) tại khu vực miền Trung.
Bão số 8 sẽ gây gió mạnh kèm dông, lốc trên các vùng biển. Ảnh minh họa: báo Thời đại
Bão số 8 sẽ gây gió mạnh kèm dông, lốc trên các vùng biển. Ảnh minh họa: báo Thời đại

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 8 ngày 22/10 tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, bão số 8 có sự tăng cấp nhanh nhưng khả năng suy yếu khi vào gần bờ sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa.

"Bão số 8 vẫn là cơn bão phức tạp, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của bão, tuy bão số 8 sẽ không gây mưa lớn như các cơn bão vừa qua (bão số 6, số 7) nhưng sẽ gây gió mạnh kèm dông, lốc trên các vùng biển rất nguy hiểm đối với tàu thuyền, các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven bờ. Đây là gió hoàn lưu bão và hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc" - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết.

"Hiện tại, ngoài xa phía Đông Philippines đang hình thành một nhiễu động trên nền dải hội tụ nhiệt đới và có thể phát triển thành áp thấp nhiệt đới, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đang theo dõi chặt chẽ và sẽ thông tin khi có dấu hiệu hình thành áp thấp nhiệt đới và đi vào Biển Đông", ông Lâm lưu ý.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6h ngày 22/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu/289.299 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó, hoạt động ở khu vực Hoàng Sa có 19 phương tiện/187 lao động (Quảng Ngãi 11 tàu/101 lao động, Bình Định 8 tàu/86 lao động) đều đã nắm được thông tin về bão số 8 và đang di chuyển tránh trú.

"Hiện có 1 tàu của tỉnh Bình Định với số hiệu BĐ 97126/TS đang ở trong vùng nguy hiểm, lực lượng chức năng đã liên hệ được với chủ tàu và đề nghị tàu di chuyển vào vị trí an toàn để tránh trú. Thông qua sự việc này cần tiếp tục siết chặt việc quản lý tàu thuyền đồng thời có cơ chế xử lý nghiêm đối với các tàu, chủ tàu không tuân thủ công tác đảm bảo an toàn khi có thiên tai", ông Hưng nêu rõ.

Thông tin từ đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay một số vùng bị ngập nặng ở các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình bị mất liên lạc (do nước ngập nên phải tắt thiết bị phát sóng để đảm bảo an toàn, mặt khác do tình trạng mất điện kéo dài, một số nơi bị mưa lũ cô lập...).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công điện số 10 ngày 21/10, chỉ đạo các trạm lân cận tăng công suất phát sóng để phủ sóng đối với các khu vực mất liên lạc nhằm đảm bảo thông suốt thông tin.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã tăng cường lực lượng đến các khu vực giao thông xung yếu để khắc phục. Các khu vực ngập sâu sẽ chờ nước rút để tiến hành khắc phục hậu quả, đảm bảo thông tuyến. Đến 17h ngày 21/10, Quốc lộ 1 cũ qua tỉnh Quảng Bình còn 1 đoạn bị ngập sâu 60cm; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã mở đường tránh; Quốc lộ 49 còn 6 điểm bị sạt lở, hiện xe máy đã lưu thông. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đã hoạt động trở lại với tốc độ chạy tàu chậm. Hiện ngành giao thông đang tiếp tục khắc phục.

Đọc thêm