Bảo tồn cầu Long Biên: Vẫn chờ tranh cãi

(PLO) -Cầu Long Biên là một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Thế nhưng, cây cầu hơn 100 tuổi, chứng nhân của lịch sử này đang ngày một xuống cấp trầm trọng, khi các chuyên gia, các nhà bảo tồn vẫn đang tranh cãi về nó… 

Giấc mơ có quá xa xôi?
Cầu Long Biên được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Sau hơn 100 năm sử dụng, cầu đã xuống cấp trầm trọng khi nhiều chỗ bị nghiêng, nứt, các trụ sắt bị hoen gỉ ảnh hưởng đến khả năng sử dụng.
Từ nhiều năm nay, phần đường bộ cầu Long Biên chỉ dành cho xe máy, xe đạp và các phương tiện thô sơ để hạn chế tải trọng. Nhưng mỗi ngày vẫn có nhiều chuyến tàu cùng hàng vạn phương tiện qua cầu mà chưa một lần được sửa chữa lớn nên không biết cây cầu này còn có thể trụ vững được bao lâu nữa.  
Đau đáu với cây cầu lịch sử từ nhiều năm nay, KTS Nguyễn Nga, Chủ tịch HĐQT Cty Tư vấn đầu tư và phát triển cầu Long Biên đã thực hiện triển lãm “Cầu Long Biên - cây cầu của nghệ thuật” với 112 tác phẩm hội họa và 112 tác phẩm ảnh về cây cầu Long Biên huyền thoại của hơn 50 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế (đến từ Mỹ, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Hàn Quốc) thể hiện những khía cạnh khác nhau về cây cầu lịch sử, tình yêu, chiến tranh và hòa bình, hy vọng và những ước mơ với 4 cuộc tọa đàm.
Mới đây, trong cuộc hội thảo “Cầu Long Biên - giải pháp nào để bảo tồn và phát triển?”, KTS Nguyễn Nga đã đề nghị bảo tồn cầu cạn của cầu Long Biên trở thành vườn treo và gầm cầu thành vườn nghệ thuật, làng nghề truyền thống.
Riêng 9 nhịp cầu nguyên thủy sẽ được duy trì bảo tồn nguyên trạng và cải tạo theo phương pháp cũ đinh tán để làm bảo tàng triển lãm 2 đầu tàu hơi nước. Biến những toa xe cũ thành quán cà phê và nhà hàng, được đặt trên một nền kính trong suốt để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũ cũng như nước sông Hồng chảy bên dưới.
Xung quanh đề xuất này, nhiều chuyên gia đã có nhiều ý kiến cho rằng, đây là đề án có nhiều ý tưởng hay nếu thực hiện được là đáng quý, sẽ đóng góp thêm một công trình văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng phân tích khả năng thực tiễn đặt ra khi cầu Long Biên vẫn là một công trình giữ vai trò giao thông là chủ yếu. Nếu thực hiện được dự án thì chức năng giao thông khó có thể thực hiện được.
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên 
Hơn nữa, cần xem xét các vấn đề khác khi việc bảo tồn còn đi đôi với việc cây cầu phải được công nhận là di tích. Và trong tiền lệ của chúng ta chưa có công cuộc bảo tồn một cây cầu giao thông thành một cây cầu văn hóa du lịch, liệu có sức thu hút? 
Không thể đợi…
Tại buổi thảo luận với những người dân yêu Hà Nội, gắn bó với Hà Nội cho thấy việc tìm giải pháp bảo tồn cầu Long Biên vẫn là “bài toán” hóc búa khi mỗi người mỗi ý. Những ý tưởng “chưa có tiền lệ” trên được KTS Nguyễn Nga kì vọng nếu được phê duyệt sẽ xin kinh phí nguồn vốn ODA của chính phủ Pháp. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng nếu đã công nhận cầu Long Biên là biểu tượng của đất nước thì việc gì phải nhờ cậy tài trợ từ khoản tài trợ ODA từ nước Pháp. Đất nước, người dân phải là người đóng góp tiền để khôi phục nó. 
Tuy nhiên, có một quan điểm khác rằng, tất cả những địa điểm không phải những gì do thiên nhiên ban tặng đều là di sản của người Pháp. Tại Huế trừ khu vực đại nội thì phía bên kia sông đều là dấu ấn của người Pháp, Sài Gòn quanh đường Nguyễn Huệ là xây dựng của Pháp… Dù người Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc đã từng ở đây nhưng những gì người Pháp để lại về mặt kiến trúc là đẹp nhất.Vì thế, nếu có người Pháp tham gia vào sẽ giúp bảo tồn cầu tốt nhất, đồng thời bớt đi những chuyện như sơn mới cây cầu trông như “hàng mã”; lấy một phần tài trợ của Pháp để giúp về phần chuyên gia, kiến trúc, nghệ thuật và tiền thì kêu gọi từ những người giàu Việt Nam. 
Khác nhau về quan điểm, nhưng tất cả đều nhất trí rằng “không thể đợi bởi vì nếu đợi thì cầu Long Biên sẽ sập và không thể cứu”. Để cứu cây cầu Long Biên thì phải hành động ngay từ những việc nhỏ.
Và để tiếp tục vận động cho dự án, KTS Nguyễn Nga dự kiến tổ chức Lễ hội cầu Long Biên lần thứ ba, với chủ đề: “Văn hóa các dân tộc vì hòa bình”. Lễ hội có các hoạt động tiêu biểu như: Lễ hội hoa đăng, nghệ thuật chầu văn, lễ hội cầu siêu trên sông Hồng, trình diễn trang phục dân tộc, chiếu phim, triển lãm lịch sử, hoạt động “Đi bộ vì hòa bình” với 81 quốc gia có Đại sứ quán tại Hà Nội cùng khai bút ký vào cuốn sách “1 triệu chữ kí vì hòa bình cho Việt Nam và thế giới”.
Theo bà Nga, Lễ hội cầu Long Biên cần kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Theo dự kiến sẽ tổ chức Lễ hội vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch, nhưng hiện tại kinh phí vẫn chưa đủ 1 tỷ đồng nên bà Nga đang dốc sức tìm nguồn xã hội hóa để thực hiện.
Có thể nói, trong khi cây cầu đang như  “ngọn đèn trước gió” thì những ý kiến trái chiều sẽ vẫn là câu chuyện dài. Và những lo ngại về việc chờ đợi sẽ không biết đi về đâu là hoàn toàn có cơ sở…/. 

Đọc thêm