Bảo vật tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn?

(PLO) -Trong số những cổ vật của triều Nguyễn hiện có 7 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong số 7 bảo vật nói trên có 3 bảo vật được làm bằng đồng hiện đặt ở khu vực Hoàng thành và trong Đại nội. Những bảo vật này không những có giá trị về văn hóa mà còn là biểu tượng tượng trưng cho sức mạnh của triều đình nhà Nguyễn.
3 trong số 9 chiếc đỉnh đặt trong sân Thế Tổ Miếu
3 trong số 9 chiếc đỉnh đặt trong sân Thế Tổ Miếu

Biểu tượng của sức mạnh và sự trường tồn 

Đặt trước cổng Hoàng là “Cửu vị thần công” - tên gọi cho 9 khẩu đại pháo được đúc vào thời vua Gia Long từ năm 1803 đến năm 1804. Những khẩu đại pháo này được đúc từ các khí tự bằng đồng (đồ thờ cúng) của triều Tây Sơn - triều đại được cho là kẻ thù của vua Gia Long và 9 khẩu đại pháo cũng chính là chiến lợi phẩm của nhà Nguyễn trước nhà Tây Sơn. 

“Cửu vị thần công” được đặt tên theo bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông và ngũ hành tương sinh: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ở trên thân mỗi khẩu súng có khắc một bài minh bằng chữ Hán theo lối triện, gồm 79 chữ.

Trên thân súng có 6 gờ nổi, trong đó có các gờ ở 2 đầu quai được đúc rộng bản như vòng đai bao quanh thân súng. Hai bên mỗi đường gờ đều trang trí các hoa văn dây lá được chạm nổi với những đường nét mềm mại, sinh động và rất tinh xảo.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính nói về các bảo vật bằng đồng
Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính nói về các bảo vật bằng đồng

Đặc biệt rằng, 9 khẩu đại pháo này không được chính quyền nhà Nguyễn sử dụng trong chiến đấu mà được tôn sùng, coi đó như tượng trưng của uy quyền và sức mạnh. Hàng năm, triều đình thường tiến hành các cuộc lễ cúng và nghiêm cấm thường dân không được vào nơi đặt đại pháo để tỏ sự tôn nghiêm. 

Theo bà Huỳnh Thị Anh Vân (Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), vào năm Gia Long thứ 15 (tức năm 1816), vua Gia Long đã sắc phong cho cả 9 khẩu đại bác này danh hiệu: “Thần oai vô địch Thượng tướng quân”, lần lượt từ khẩu đệ nhất cho đến khẩu đệ cửu.

Cũng giống với “Cửu vị thần công”, bộ “Cửu đỉnh” (9 đỉnh làm bằng đồng) hiện đang đặt trong sân Thế Tổ Miếu (nơi thờ vua Nguyễn) cũng là vật tượng trưng cho sự trường tồn của vương triều nhà Nguyễn.

“Cửu đỉnh” được đúc từ năm 1835 đến 1837,  được vua Minh Mạng cho đúc để làm truyền đời cho con cháu, thể hiện sự thành công, trường tồn của triều đại. Cửu đỉnh đặt ứng với miếu hiệu của các vị vua đang được thờ trong Thế Tổ Miếu.

Trong số 9 đỉnh thì Cao đỉnh là chiếc đỉnh lớn nhất và được đặc ngay chính giữa, được xem là biểu tượng của hoàng đế chính vị, ứng với án thờ Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long trong Thế Tổ Miếu.

Các nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng, “Cửu đỉnh” không chỉ tượng trưng cho nhà Nguyễn mà còn là vật đánh dấu chủ quyền đất nước. Trên các đỉnh có các hình điêu khắc các địa danh của đất nước: núi Thiên Tôn (quê hương của họ Nguyễn), sông Hương, núi Ngự, đại diện của miền Trung; sông Bến Nghé, sông Tiền, sông Hậu - đại diện cho vùng đất do tổ tiên nhà Nguyễn mở mang bờ cõi ở phương Nam và cũng là nơi Nguyễn Ánh dấy nghiệp; các con kênh đào, công trình thủy lợi có ý nghĩa thiết thực được thực hiện dưới thời Nguyễn như: kênh Vĩnh Tế, kênh Phổ Lợi, kênh Lợi Nông, kênh Cửu An, kênh Vĩnh Định, kênh Vĩnh Điện... Tất cả được lựa chọn để làm đại diện cho sự phồn thịnh của tài nguyên đất nước.

Cũng để khẳng định sự trường tồn cho vương triều nên vào thế kỷ XVII, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) cho đúc 10 chiếc vạc đồng, tượng trưng cho sức mạnh, sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong.  

Những chiếc vạc này được làm bằng đồng, thống nhất về loại hình và kiểu dáng, kế thừa văn hóa cội nguồn Thăng Long đồng thời thể hiện sự sáng tạo của cư dân Đàng Trong thế kỷ XVII.

Vạc đồng đặt trong Đại Nội
Vạc đồng đặt trong Đại Nội

Bảo vật “có một không hai”

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính - người có hàng chục năm trong nghề đúc đồng, hậu duệ của đội “chú tượng kinh nhân”, là đội ngũ chuyên đúc đồ đồng cho triều đình nhà Nguyễn - đánh giá rằng, những bảo vật bằng đồng của vương triều Nguyễn là vô giá, được chế tạo với một trình độ rất cao, mặt khác các bảo vật bằng đồng được đúc trong giai đoạn nhà Nguyễn trải qua nhiều biến động về chính trị-xã hội nên đúc được cũng không phải là đơn giản.

Ông Sính kể rằng, vật đầu tiên của nhà Nguyễn được đúc bằng đồng chính là 10 chiếc vạc. Những chiếc vạc này được đúc sau khi Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đánh bại được thủy quân Hà Lan tại cửa biển Thuận An, trong hoàn cảnh Đàng Trong và Đàng Ngoài đang đánh nhau từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Nghệ An, những người đúc nên 10 chiếc vạc là những nghệ nhân người miền Nam.

Để đúc được những chiếc vạc nói trên là việc rất khó, đòi hỏi các nghệ nhân phải rất giỏi tay nghề mới có thể làm được. Thời kỳ đó kỹ thuật của Đàng Trong chưa bằng Đàng Ngoài, thiếu vật liệu. Mặt khác đó đang có loạn lạc nên việc huy động thợ thầy cũng không phải là dễ.

Ông Sính cho biết, mặc dù những chiếc vạc do những nghệ nhân người Đàng Trong đúc nhưng công thức để chế tạo ra những chiếc vạc này lại dựa trên công thức đúc nồi, niêu của người Thanh Hóa. Vạc được làm bằng đồng có pha thêm thiết (sắt) nên “nước da” của vạc đồng thường có màu xanh, để ngoài trời hàng trăm năm nay nhưng vẫn không hề gì.

Khi chúng tôi nhắc đến “Cửu đỉnh”, lão nghệ nhân hồ hởi nói rằng, đây chính là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng thời Nguyễn, bây giờ tuy có điều kiện nhưng cũng khó để đúc được những chiếc vạc đỉnh như vậy. Ông Sính nói rằng, dưới thời kỳ trị vì của mình, vua Minh Mạng đã cho triệu tập các thợ giỏi khắp cả nước về Huế để đúc “Cửu đỉnh”.

Vào thời Minh Mạng đất nước đang hòa bình, thịnh trị nên việc đúc những chiếc đỉnh có điều kiện để làm hơn. Nếu như vạc được làm bằng đồng được pha thiết thì Cửu đỉnh ngoài đồng không gỉ ra còn được nghệ nhân thời đó pha thêm bạc, vì vậy mà đỉnh có màu xanh đen,  khi chạm vào những chiếc đỉnh này ta thường cảm thấy láng.

Vào thời Gia Long, nhà Nguyễn cho thành lập đội “chú tượng kinh nhân” để triệu tập các thợ đúc đồng giỏi trong cả nước về Huế để đúc đồng, tổ tiên của ông Sính là thành viên của đội này.

5 trong số 9 khẩu thần công trước Hoàng thành
5 trong số 9 khẩu thần công trước Hoàng thành

Ông Sính cho hay, “Cửu vị thần công” là một trong số những vật bằng đồng do đội “chú tượng kinh nhân” đúc ra ngay trên đất Huế. Đánh giá về 9 khẩu thần công này, ông Sính nói rằng: “Thời kỳ đó các cụ nhà ta đã làm được là điều rất nể phục, hiện tại đúc được súng với khối lượng và hoa văn tinh xảo như vậy là một điều rất khó. Bây giờ đúc được súng thần công như thế thì cũng vài người làm được”. 

Nói về việc bảo vệ các bảo vật, bà Huỳnh Thị Anh Vân cho rằng công việc này cũng có một vài khó khăn nhất định, bởi vì các bảo vật nằm ngoài trời, tiếp xúc với thời tiết.

Tuy vậy bà Vân cho rằng không thể làm nhà để che cho những bảo vật này, vì xuất phát điểm của những bảo vật là ngoài trời, trường hợp làm mái che sẽ mất đi nguyên bản ban đầu của bảo vật. “Tuy vậy cũng không có gì lo lắng bởi vì bảo vật được làm bằng đồng khá dày, nếu hư hại có chăng là do sự tác động của con người”, bà Vân nhận định.

(Kỳ sau: Truy tìm cổ vật cung đình Huế)

Đọc thêm