Bắt con làm việc nhà có phải là bóc lột lao động trẻ em?

(PLO) - Tại các tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định..., do sức ép về lao động, hơn nữa, việc đi biển cũng giúp kiếm được tiền nên nhiều gia đình đã cho con cái mình nghỉ học sớm để theo cha mẹ vươn khơi bám biển. Không chỉ đánh bắt gần bờ, nhiều trẻ em thậm chí còn theo gia đình đánh bắt xa bờ, đi những chuyến biển dài ngày đầy nguy hiểm. 
Trẻ em làm việc nhà tại gia đình mình là hình thức công việc phổ biến nhất.
Trẻ em làm việc nhà tại gia đình mình là hình thức công việc phổ biến nhất.

Vì theo ước tính cứ với mỗi chuyến ra khơi khoảng hơn 20 ngày, nếu trúng cá, mỗi em sẽ được trả ít nhất 10 triệu đồng; còn nếu đi biển qua đêm, ít nhất cũng được trả khoảng 200.000 đồng/em. Đối với ngư dân miền biển, số tiền trên không hề nhỏ. Và cũng vì thế mà tình trạng sử dụng trẻ em lao động trên các tàu cá vẫn đang diễn ra và ngày càng trở nên phổ biến cho dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động nhưng kết quả chưa mấy khả quan. 

Muốn giảm thiểu phải phân biệt được thế nào là lao động trẻ em

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em. Trong số 1,75 triệu lao động trẻ em tại Việt Nam thì có một phần lớn trẻ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.  Biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang làm thiên tai ở Việt Nam có chiều hướng ngày càng phức tạp, kèm theo những đột biến khó lường.

Theo ước tính, trung bình mỗi năm nước ta phải hứng chịu từ 5 - 7 cơn bão, riêng năm 2016 đã có 20 loại hình thiên tai xảy ra tại Việt Nam. Thiên tai ảnh hưởng đến hàng chục triệu người, trong đó có trẻ em, gây ra thiệt hại về kinh tế dẫn đến sản xuất bị đình trệ, dẫn đến làm giảm tăng trưởng quốc gia. Khó khăn về kinh tế của gia đình có nguy cơ buộc trẻ em phải nghỉ học, tham gia các hoạt động kinh tế nhằm giúp đỡ gia đình vượt qua thách thức trong cuộc sống. Việc trẻ em phải lao động sớm để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. 

Để giảm thiểu lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua ban hành hệ thống luật pháp và chính sách. Ngay trong Bộ luật Lao động cũng đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ làm việc và điều kiện làm việc, quy định về lao động đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên, theo quan điểm của ILO, để giảm thiểu lao động trẻ em điều đầu tiên cần phân biệt được những công việc trẻ có thể được làm và không thể được làm, “bởi vì không phải tất cả công việc trẻ tham gia vào hoạt động kinh tế đều xấu, có những công việc mà trẻ tham gia có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế”.

Lấp khoảng trống “lao động trẻ em” trong luật pháp

Từ những quan điểm này, mới đây hội thảo Tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em do Bộ LĐTB&XH phối hợp với ILO tổ chức đã diễn ra. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, hiện nay ILO cũng như Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về lao động trẻ em và trẻ em làm việc.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiện nay, ranh giới xác định lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động rất khó nhưng cần quy định rõ trong quy phạm pháp luật, cần có những tiêu chí rõ ràng. Cần có những quy định phạm vi đặc thù sử dụng lao động chưa thành niên trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn lao động để giúp xác định rõ thế nào là lao động trẻ em.

Theo ông Nam, trẻ em được tham gia một số nghề phù hợp. Việc trẻ em tham gia làm việc nhà phù hợp với độ tuổi là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ em tham gia làm việc nhà trong thời gian dài, thậm chí có cả công việc nguy hiểm, độc hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến thời gian học tập, vui chơi của các em thì không được phép.

Từ đó “Đề nghị ILO và các đối tác tiếp tục nghiên cứu, làm rõ về khái niệm “lao động trẻ em” cũng như khoảng trống trong vấn đề này, để công tác xây dựng luật pháp về lao động trẻ em được hoàn chỉnh, bảo đảm các quyền của trẻ. Bộ luật Lao động điều chỉnh quy phạm trong nhóm được phép (khu vực chính thức), trong khi lao động trẻ em chủ yếu xảy ra tại khu vực không chính thức như trong các hộ gia đình như bán báo, đánh giày…” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh. 

Phân tích xu hướng toàn cầu về lao động trẻ em, ông Federico Blanco Allais - Bộ phận phụ trách các Nguyên tắc và quyền cơ bản, tại nơi làm việc - ILO) cho biết đặc điểm chính của lao động trẻ em chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp (70,9%); công nghiệp 11,9% và dịch vụ 17,2%.

“Trẻ em làm việc nhà tại gia đình mình là hình thức công việc phổ biến nhất. Độ tuổi trẻ em làm việc nhà cao nhất là từ 12 – 14 tuổi và tỷ lệ trẻ em nữ làm việc nhà chiếm 67,9%, trong khi tỷ lệ này đối với trẻ em nam là 56,1%. Hiện có khoảng 54 triệu trẻ em độ tuổi từ 5 -14 và 35 triệu vị thành niên 15 – 17 tuổi làm việc nhà” ông Federico Blanco Allais thông tin.

Trả lời câu hỏi việc trẻ em tham gia làm việc nhà có được tính là lao động trẻ em? Ông Federico Blanco Allais cho rằng, cần phải phân độ tuổi và những công việc nhà mà trẻ tham gia để xác định đó có phải là lao động trẻ em, bởi trong nhiều trường hợp làm việc nhà có thể kéo dài 12h/ngày và những công việc này làm ảnh hưởng thể chất, tinh thần trẻ em. 

Đọc thêm