Bất lực đứng nhìn tình trạng cổ vật đang "chảy máu"?

(PLO) - Tình trạng mất cắp cổ vật, đồ thờ tự trong thời gian gần đây lại tiếp tục xảy ra nhưng việc thống kê và lên danh mục các tài sản, di sản bị mất cắp vẫn còn lộn xộn. Không riêng gì người trông coi mà cả hải quan và công an đều không phân biệt được cổ vật thật, cổ vật giả dẫn tới việc quản lý, tìm lại cổ vật đã mất rất khó khăn.
Chiếc lư hương cổ bằng đồng có trạm rồng nổi quấn xung quanh ở Chùa Nền bị mất.
Chiếc lư hương cổ bằng đồng có trạm rồng nổi quấn xung quanh ở Chùa Nền bị mất.
Cổ vật biến mất đầy bí ẩn
Hàng loạt cổ vật tại chùa Nền - một di tích lịch sử đã được xếp hạng - đã bị biến mất đầy bí ẩn. 
Theo tố cáo của cụ Đặng Huynh, Phó ban Quản lý di tích phường Láng Thượng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm gửi đến lãnh đạo Công an TP Hà Nội, từ năm 2003, Ni sư Thích Đàm P. là trụ trì chính của chùa Phúc Lâm (quận Ba Đình) về kiêm nhiệm trụ trì chùa Nền đã “làm đảo lộn các ban thờ, tượng Phật, đặc biệt là làm thất thoát các cổ vật: 1lư hương chạm nổi có ở chùa mấy trăm năm, 1 văn bia, 4 đạo sắc phong của các triều nhà Nguyễn, 4 pho tượng đồng trong tòa Cửu Long”.
Cụ Đặng Huynh cho biết, từ tháng 3/2014, bà P. đã phải rời khỏi chùa Nền. Ban Quản lý di tích cùng nhân dân 3 thôn, 9 xóm làng Láng đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần để truy tìm, thu hồi các cổ vật trên nhưng cho đến nay vẫn không có kết quả.
Nạn trộm cắp cổ vật tại nơi thừa tự hoành hành khắp nơi. Đầu tháng 4/2015, chùa Phước Hải (TP HCM) bị mất cắp  một bức tượng Hộ pháp trăm tuổi cao khoảng 1,2m, nặng hơn 100kg. Trước đó, đầu năm 2014, chùa Đa Sỹ (Hà Nội) bị mất trộm những cổ vật, đồ thờ quý trăm năm tuổi. 
Chỉ trong vài tháng, kẻ trộm đã “viếng thăm” chùa Đa Sỹ đến 3 lần để đánh cắp đỉnh thờ và bốn bát hương cổ - cổ vật có từ thời nhà Nguyễn. Chùa cũng bị mất tiếp sập gụ, một chiếc đỉnh thờ cổ, 10 pho tượng quý gồm các tượng Phật và tượng Thánh cổ. 
Hộp sắc phong trước ngai thờ đình Yên Việt đã mất 11 đạo sắc phong.
Hộp sắc phong trước ngai thờ đình Yên Việt đã mất 11 đạo sắc phong. 
Vào tháng 2/2014, kẻ trộm đã vượt tường vào chùa Thổ Hà (Bắc Giang) lấy đi pho tượng cổ Thích Ca bằng chất liệu đồng đen. Cũng tháng 2/2014, kẻ trộm đã phá tường đột nhập vào chùa Ninh Khánh (Bắc Giang) “thổi bay” 2 pho tượng Tam Thế có niên đại thế kỷ XIX. Trước đó, chùa này đã bị mất cắp 2 tượng Di Lặc và Ca Diếp đều có tuổi gần 200 năm... 
Theo Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn Bắc Giang, đã xảy ra hơn 50 vụ mất cắp cổ vật trong các di tích, kẻ gian đã lấy gần 300 di vật, cổ vật, trong đó chủ yếu là tượng, sắc phong, câu đối, bát hương cổ. 
Tháng 7/2014, chùa Giác Lâm (Huế) bị kẻ gian lấy đi bốn bức tượng đều bằng đồng màu đen sơn son thếp vàng, đều là độc bản trong hệ thống chùa Việt hiện nay nên vô cùng quý hiếm. Cả bốn bức tượng có vai trò vô cùng đặc biệt đối với chùa Giác Lâm vì đây là kỷ vật do ngài Giác Hải - tổ sư khai sơn vào năm 1798 - để lại, là vật báu không chỉ của chùa mà của cả quốc gia. 
Tháng 10/2012, tại đình chùa Yên Việt (xã Đông Cứu, Gia  Bình, Bắc Ninh) bị mất cắp 11 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Nguyễn. Sắc phong cổ nhất có niên đại Cảnh Hưng nguyên niên (1740). Sắc phong mới nhất là từ thời Vua Khải Định (1924). 
Ngoài ra, kẻ trộm cũng lấy đi một nậm rượu men lam và một mâm bồng bằng đồng thời Nguyễn. Đây đều là những bảo vật được người dân nơi đây giữ gìn hàng trăm năm nay.
“Một đi không trở lại”
Còn rất nhiều vụ cổ vật bị “chảy máu” không thể liệt kê hết. Điều đáng nói, những cổ vật quý giá hàng trăm năm của cha ông để lại bị biến mất nhưng không một ai đứng ra chịu trách nhiệm và bị xử lý trước pháp luật. Khi mất cổ vật, người trông coi các di tích ấy chỉ giải trích, bị nhắc nhở, sau đó là… hòa cả làng. Và hầu như các cổ vật bị mất hiếm khi được tìm thấy. 
Các đối tượng trộm cắp để mang bán cho giới chuyên buôn bán cổ vật trong và ngoài nước. Các cổ vật bị mất hiếm khi được tìm thấy.
Cuộc hội thảo, tập huấn “Nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa: ngăn chặn, hợp tác và thu hồi/hoàn trả” vừa được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có sự tham gia của cán bộ văn hóa, hải quan, công an và bảo tàng từ Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam đã cung cấp những hướng dẫn cho việc phê chuẩn và thực hiện Công ước 1970, 1995 và nhấn mạnh những hoạt động chống lại việc buôn bán trái phép các tài sản văn hóa ở Đông Nam Á. 
Ông Phạm Sanh Châu - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo nhằm chuẩn bị tiến tới phê chuẩn các khung pháp lý, đặc biệt là Công ước 1970 của UNESCO về các biện pháp ngăn chặn xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa và Công ước 1995 UNIDROIT về các tài sản văn hóa bị đánh cắp và xuất khẩu trái phép.
Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng công cụ pháp lý hiệu quả nhằm bảo vệ các di sản văn hóa có thể di chuyển; củng cố các cơ chế tại địa phương nhằm bảo vệ các khu di sản văn hóa trước nạn trộm cắp, đặc biệt là lực lượng công an và hải quan; xây dựng năng lực kiểm kê và năng lực sử dụng các công cụ thực hiện; nâng cao nhận thức về các quy trình thu hồi/hoàn trả; xây dựng mạng lưới các bên liên quan trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa ở cấp quốc gia và tiểu khu vực.
Một chuyên gia văn hóa cho rằng, hiện nay việc thống kê và lên danh mục các tài sản, di sản bị mất cắp vẫn còn lộn xộn. Không riêng gì người trông coi mà cả hải quan và công an đều có kiến thức rất hạn chế về sự đánh giá cổ vật. 
Họ không phân biệt được cổ vật thật, cổ vật giả dẫn tới việc quản lý, tìm lại cổ vật đã mất rất khó khăn. Vì buôn bán cổ vật thu lợi nhuận rất cao cộng với trình độ làm giả cổ vật rất tinh vi, mắt thường khó phân biệt, việc kẻ gian lợi dụng đánh tráo cổ vật thật lấy cổ vật giả rất có thể xảy ra. 
Và như vậy thì bao giờ những cổ vật mới thôi không còn bị “chảy máu”?

Đọc thêm