Bật mí cách nuôi con của mẹ “thần đồng” piano Bạch Anh

(PLO) - 12 tuổi, cô bé Bạch Anh đã sở hữu "bộ sưu tập" giải thưởng piano trong nước và quốc tế đáng nể. Tuy nhiên mẹ cô bé lại chưa bao giờ coi con mình là thần đồng, thậm chí rất sợ khi người khác gọi Bạch Anh là thần đồng.
Cô bé Bạch Anh.
Cô bé Bạch Anh. 
Sáu năm gắn bó với cây đàn dương cầm, bé Phan Thiên Bạch Anh bộc lộ tài năng vượt trội của mình khi ẵm “cơn mưa giải thưởng” danh giá trong và ngoài nước. Ít ai biết rằng, ngoài đam mê âm nhạc, cô bé còn giỏi môn bàn tính và hội họa. 
Là con chị Linh Chi, một giảng viên dạy nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, Phan Thiên Bạch Anh (sinh năm 2002) nghe tiếng đàn piano từ trong bụng mẹ. Hồi mới biết đi, cô bé lũn cũn quanh nhà, thỉnh thoảng lại vào “nhón” một vài nốt nhạc “chen ngang” bản nhạc du dương của mẹ. 
“Cô bé vàng” bội thu giải thưởng
Lúc ấy, đối với cô bé, piano chỉ là món đồ chơi biết phát ra âm thanh không hơn không kém. Chị Linh Chi cứ để con hồn nhiên vui đùa bên đàn với thứ âm thanh “chẳng giống ai”. Rồi tới 6 tuổi, vào một buổi sáng chủ nhật, Bạch Anh đến bên mẹ nũng nịu: “Mẹ dạy con đánh một bài nhạc nào đó nhé”. Nghe con nói vậy, người mẹ rất vui, bắt đầu dạy con nốt “Đồ…rê…mí…”.
Từ những nốt nhạc chập chững đầu tiên, ánh mắt bé đã chăm chú trước những âm thanh mới mẻ thích thú. Nhưng mấy buổi sau, bài học nhiều nốt nhạc hơn, khó hiểu hơn, cô bé chán, kêu mỏi tay, mếu máo… bỏ lửng. Mẹ bé không nài ép mà hàng đêm chỉ thủ thỉ cho bé nghe giai điệu của bản nhạc. Dần dần cô bé “cảm” nhạc. Bé đã có thể kiên nhẫn ngồi học lâu hơn. Chỉ chưa đầy tháng sau, cô bé có sự tiến bộ rõ rệt. 
Biết con “ngấm” nhạc, chị động viên con thi và đỗ hệ trung cấp chín năm của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Được sự dạy dỗ, chỉ bảo của NSND Trần Thu Hà, năm 2012 Bạch Anh gặt “mùa vàng bội thu” giải thưởng: đạt giải Vàng Liên hoan Âm nhạc quốc tế châu Á tại Hàn Quốc; giải Nhất bảng A cuộc thi Piano quốc tế lần thứ hai. 
Tại cuộc thi Piano quốc tế - Hà Nội, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký giành giải Nhất bảng A kèm theo giải Thí sinh Việt Nam xuất sắc. Phan Thiên Bạch Anh cũng đã giành được giải thưởng của Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn dành cho thí sinh Việt Nam xuất sắc nhất bảng A. Cô bé được nhận học bổng Toyota dành cho những tài năng trẻ Việt Nam.
Và mới đây vào tháng 1/2014, Bạch Anh tham gia cuộc thi Piano Chopin quốc tế - châu Á tổ chức lần thứ 15 tại Tokyo - Nhật bản. Trong số 79 thí sinh của bảng nhỏ đã được chọn lọc đến từ nhiều quốc gia tuổi này, Bạch Anh đã vinh dự nhận được giải khuyến khích và nhận được nhiều sự khen ngợi và đánh giá cao từ các giáo sư và bạn bè quốc tế . 
Nhiều chuyên gia âm nhạc khen: “Bạch Anh có cách đánh tự nhiên nhưng kỹ thuật xử lý lại vững vàng như thí sinh lứa tuổi lớn hơn. Tiếng đàn của cô bé thật tuyệt diệu và chắc chắn tài năng nhí sẽ còn tiến xa trong tương lai”.
Không bắt con “chín ép”
Yêu nhạc, nhưng Bạch Anh không xao nhãng việc học văn hóa. Suốt 6 năm học, cô bé luôn đạt học sinh giỏi và được tuyển thẳng vào lớp chuyên Anh Trường PTCS Trưng Vương (Hà Nội). 
Năm 2011, em còn đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia, giải Tư cuộc thi quốc tế môn Bàn tính và Số học Trí tuệ tại Malaysia. Bạch Anh còn có nhiều tài lẻ khác. Cô bé ham thích những trò chơi mang tính sắp xếp như lego, lắp ghép, xếp hình. Bạch Anh có tài nặn đất sét rất đẹp. Cô bé nặn hình nhỏ xíu y như thật gây rất nhiều sự ngạc nhiên và thán phục cho mọi người. Đặc biệt, cô bé vẽ rất đẹp. Tranh của em từng được đăng trên báo Họa Mi khi mới bốn tuổi.
Có cô con gái 11 tuổi với những thành tích đáng nể như vậy, nhưng chị Linh Chi tỏ ra khiêm tốn: “Hồi đầu mới đoạt giải, có nhiều người dùng những từ như thần đồng với bé khiến tôi thật sự sợ. Quả thật bé có chút năng khiếu, nhưng để có thành quả ấy, ngoài rèn luyện, Bạch Anh phải nhờ công dìu dắt của thầy cô trong trường”.
Khi bé bộc lộ đam mê âm nhạc, mẹ Bạch Anh luôn tạo điều kiện cho con tìm hiểu  môn học một cách thoải mái để bồi đắp sự say mê đó trong con. Chị không đặt ra mục tiêu bắt con phải “chín ép” khi con vẫn còn quá nhỏ.  
Theo chị, những sự cấm đoán hay thúc ép đều không có lợi cho sự phát triển của bé. Chị cho con khám phá, học hỏi theo tự nhiên. Mỗi khi tham gia cuộc thi, chị thường bảo con: “Đây là cuộc chơi âm nhạc chứ không phải cuộc thi. Con đến đây để thử sức mình. Cứ thoải mái thả hồn vào bản nhạc, con nhé!”. 
Chị luôn giải thích: “Những giải thưởng con được trao tặng là để động viên sự đam mê và nỗ lực của con. Con cần phải phấn đấu một chặng đường dài mới thành tài”./.

Đọc thêm