Bất ngờ trước kết quả "thị sát" chùa Hương

(PLO) - Đoàn liên ngành về chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) kiểm tra tình hình buôn bán thực phẩm, đổi tiền lẻ, chèo kéo du khách tại đây… rất bất ngờ khi thấy mọi hoạt động đều... tốt.
Đoàn kiểm tra liên ngành thị sát Chùa Hương
Đoàn kiểm tra liên ngành thị sát Chùa Hương
Rạng sáng ngày 28/2, đoàn liên ngành từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội về chùa Hương (huyện Mỹ Đức) kiểm tra những vấn đề bức xúc mà dư luận phản ánh như chèo kéo, chặt chém du khách, đổi tiền lẻ, treo thịt động vật… Tuy nhiên khi thị sát từ đường vào huyện Mỹ Đức, đoàn kiểm tra không thấy tồn tại hiện tượng chèo kéo du khách.
Sau gần 1 tiếng đi thuyền qua suối Yến, đoàn liên ngành kiểm tra hầu hết các cửa hàng thực phẩm ở khu vực “bếp trời” đều thấy hoạt động đúng quy định. Hình ảnh thịt động vật được treo lộ thiên ngoài trời nay được cho vào trong tủ bảo ôn dán kín ba bề để dù khách không còn nhìn thấy. 
“Từ khi dư luận phản ánh chúng tôi đề nghị các hộ kinh doanh ở đây cho tất cả thịt động vật vào trong tủ bảo ôn che chắn cẩn thận để du khách không còn thấy phản cảm. Đến nay, hiện tượng được cho là phản cảm này không còn, hàng vạn du khách đi hội cũng không ai còn phàn nàn vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức nói.
Trên đường đi thị sát, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội - bất ngờ vào cửa hàng ăn uống Mai Lâm. Tại đây bà chủ cửa hàng cho biết tất cả nhím, đà điểu, don, lợn rừng… đều được nuôi ở Ba Vì. Chưa tin vào sự thanh minh của chủ cửa hàng, ông Tiến yêu cầu mang đầy đủ giấy tờ được cơ quan chức năng cấp ra. 
Ngay sau đó bà chủ đưa ra đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển trong tỉnh, bản kê khai lâm sản và một số hóa đơn liên quan, “minh oan” cho cái tiếng “thịt thú rừng hoang dã” mà bấy lâu nay người dân lầm tưởng.Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh còn trực tiếp vào một số cửa hàng kiểm tra từng cái bát, cốc chén và sợi bún. 
Qua kiểm tra ông Hạnh cho biết, tất cả các mẫu bún, phở ở đây đều không có hàn the, đảm bảo sức khỏe cho thực khách. Ông Hạnh cho biết, trước và trong lễ hội ông đều đi kiểm tra tình hình y tế, thực phẩm ở chùa Hương.
Thịt động vật được để trong tủ kính chỉ có phía bên trong cửa hàng mới nhìn thấy
 Thịt động vật được để trong tủ kính chỉ có phía bên trong cửa hàng mới nhìn thấy
“47 cửa hàng thực phẩm ở khu vực “bếp trời” đều đảm bảo an toàn cho thực khách. Về hiện tượng treo thịt động vật cũng phải thông cảm cho người dân, nếu để chất đống thịt sẽ ôi hết. Chúng tôi đã khắc phục bằng cách quyết liệt chỉ đạo họ phải để trong tủ kính dán kín để du khách khỏi cảm thấy phản cảm”, ông Hạnh nói.
Bà Mai Phương - đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - cho biết, đi khắp chùa Hương không thấy hiện tượng đổi tiền lẻ như trước (?). Tình trạng người dân nhét tiền vào tay tượng Phật cũng không còn. Tuy nhiên bà Phương băn khoăn, ở các chùa đều đã có hòm công đức nhưng còn có cả các khay đựng tiền “giọt dầu” tạo ra hình ảnh không đẹp. 
Giải thích vấn đề này ông Hậu cho biết, với lượng khách đến chùa Hương rất đông, nếu mỗi đền chỉ để 3 hòm công đức sẽ tạo tình trạng người dân chen lấn cũng rất phản cảm. Còn khay để tiền để đó cho người dân đỡ nhét tiền “giọt dầu” vào tay tượng Phật và đỡ vương vãi xuống đất.
Theo ông Hậu đến nay tình hình an ninh trật tự và hiện tượng ép khách du lịch ở chùa Hương không còn. Đặc biệt là về vấn đề môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm ở đây đều rất bảo đảm, chưa có vụ ngộ độc nào xảy ra. 
Chốt lại buổi thanh tra ở chùa Hương và làm việc với huyện Mỹ Đức, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đánh giá, mọi hoạt động ở chùa Hương đều rất tốt. Tình trạng dư luận phản án đến thời điểm thanh tra không còn xảy ra. Tuy nhiên, ông Tiến cũng đề nghị huyện Mỹ Đức và Ban tổ chức lễ hội chùa Hương phải duy trì bằng được việc này trong thời gian tới.

Đọc thêm