Bí ẩn thần cẩu xứ Mường

(PLO) - Một ngôi mộ sừng sững to như một gian nhà nằm giữa núi rừng xanh thẳm của vùng quê nghèo huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ngôi mộ ấy lạ kỳ ở chỗ là của một con chó được người dân xứ Mường nói chung và dòng họ Đinh Công nói riêng rất coi trọng. Họ gọi chó là thần cẩu và những truyền thuyết dân gian xung quanh nó đã thôi thúc chúng tôi lên đường đi tìm lời giải.
Ngôi mộ thần cẩu đồ sộ, sừng sững giữa núi rừng
Ngôi mộ thần cẩu đồ sộ, sừng sững giữa núi rừng

Những truyền thuyết dân gian

Chúng tôi tìm về xóm Gằn, xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, nơi mà dân tình đồn đại hơn 14 năm nay tồn tại một ngôi mộ chó rất đặc biệt.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm vào nhà ông Đinh Công Dự- trưởng họ của đại gia tộc Đinh Công danh giá và có tiếng trong vùng. Hiện nay ông Dự cũng là người được toàn họ giao cho chức trách trông nom, bảo vệ cẩu mộ. Biết chúng tôi tò mò muốn tìm hiểu về thần cẩu, ông Dự bắt đầu kể ngay câu chuyện truyền thuyết dân gian trong vùng từ xa xưa niềm tự hào vô hạn.

Thời Sơn Tinh, Thủy Tinh gây chiến với nhau. Thủy Tinh dâng nước ngập hết làng trên, xóm dưới ở vùng đất Thanh Sơn này. Tất cả dân chúng đều bị nước của Thủy Tinh cuốn trôi, chết trong biển nước, chỉ còn một đứa bé của gia đình nọ còn sống sót vì đứng trên mô đất cao.

Rồi mô đất ấy được Sơn Thần bốc lên cao dần, cao dần nên Thủy Thần dâng nước đến đâu cũng không để cuốn được đứa bé này. Đứa bé thoát chết, và rồi chẳng biết từ đâu xuất hiện một con chó đã cứu và nuôi đứa bé khôn lớn. Sau này người ta đồn rằng con chó ấy là thần cẩu trời phái xuống để cứu giúp dân làng. Còn đứa bé kia chính là ông tổ của người Mường ở vùng đất Thanh Sơn này”.

Chính vì lí do ấy, sau khi kể xong, ông Dự bảo: “Đáng ra tất cả người Mường ở đất Thanh Sơn đều phải thờ thần cẩu, và mộ thần cẩu của chúng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa?. Nhưng khi hỏi về tấm bằng công nhận ấy thì ông Dư bảo dòng tộc chúng tôi chưa mang về nhà nên không có ở đây?”.

Vừa chăm chú nghe truyền thuyết ly kỳ mà ông Dự đang kể, chúng tôi vừa ngó lên khu bàn thờ gia tiên. Quả thực rất kỳ lạ, đáng lẽ ra với mỗi gia đình người Việt Nam, bàn thờ gia tiên thường có ảnh của ông bà, cha mẹ và bên cạnh đó là thờ ảnh Bác Hồ, rồi sau đó mới là thờ Long, Ly, Quy, Phụng. Nhưng bàn thờ gia tiên nhà ông Dự là một bức ảnh mộ thần cẩu được đóng khung cẩn thận treo chính giữa ban thờ, rồi hai bên mới là di ảnh của ông bà, tổ tiên.

Như để minh chứng cho những gì mình nói, ông Dự đi vào nhà trong lấy từ tủ ra một cuốn sổ chép tay về những truyền thuyết về thần cẩu của gia tộc nhà mình.

Một truyền thuyết nữa lại được ông kể: “Thời nhà Nguyễn, có một gia đình ở vùng đất này phải chạy loạn để tránh giặc cờ đen. Kể đến đây ông dừng lại nói ngọn ngành cho chúng tôi hiểu thế nào là giặc cờ đen. Ông cho biết đây là một đạo quân xâm lược nước ta giữa thế kỉ XIX do Lưu Vĩnh Phúc (1837-1917) - một viên tướng của triều đình Mãn Thanh, Trung Quốc cầm đầu. Quân giặc đã tấn công các tỉnh miền núi phía Bắc mà ngày nay là các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ.

Nhà Nguyễn đã từng muốn hợp tác với Lưu Vĩnh Phúc để đánh Pháp, nhưng phía quân Mãn Thanh đòi hỏi quá nhiều lương thực nên kế hoạch hợp tác bất thành. Lưu Vĩnh Phúc đã cho quân đi tàn sát cướp bóc, dân chúng đau khổ lầm than khắp nơi. Chính vì vậy trong dân chúng mới lưu truyền nhau tên gọi quân Mãn Thanh là giặc cờ đen. Nhưng khi chạy loạn, gia đình ấy đã vô tình bỏ lại đứa trẻ mới được 3 tháng tuổi (đứa trẻ ấy chính là tổ tiên của dòng họ Đinh Công. Ông Dự dừng lại và nhấn mạnh vậy).

Nghe tiếng khóc thảm thiết, có con chó trong nhà chạy ra kéo đứa trẻ vào ổ của mình và cho bú. Hơn một tuần sau, gia đình ấy quay lại ngôi nhà thì thấy một cảnh tượng rất kỳ lạ, đứa bé đang được con chó ủ trong bụng cho bú sữa. Từ đó, gia đình này đã coi con chó ấy như ân nhân của mình, chăm nuôi rất chu đáo. Đến khi chó chết họ đã tổ chức đám ma và cho vào nồi đồng chôn cất cẩn thận như người”. 

Cứ lưu truyền như vậy, 7-8 đời nay người của dòng họ Đinh Công vẫn ngày ngày hương hỏa cho ngôi mộ thần cẩu... Và toàn thể dòng họ còn nhắc nhau: “Đừng có ai động mồ, động mả thần cẩu sẽ sống không lành, kiểu gì cũng ốm đau, cuộc sống không khá lên được đâu”.

Bí ẩn ngôi mộ “khủng”

Sau đó, ông Đinh Công Dự đưa chúng tôi đi thăm mộ cổ cực lớn thờ thần cẩu. Ngôi mộ vô cùng hoành tráng, oai nghiêm nằm sát sườn đồi, phía dưới là một màu xanh bạt ngàn của cánh đồng lúa và núi rừng bao quanh. Bên trên ngôi thần cẩu của dòng tộc Đinh Công còn có những dòng chữ nho đầy bí ẩn.

Trước đây, ngôi cẩu mộ này chỉ là một mô đất nhô lên cao với truyền thuyết mà ông Dự kể rằng khi con chó chết đã được gia đình của đứa bé cho vào nồi đồng chôn cất cẩn thận như người ở trên. Ngôi mộ ấy sau này được dòng tộc Đinh Công tìm thấy nhờ một thầy mo am thông phong thủy, địa lý trong vùng giúp.

Đến năm 2002, dòng họ Đinh Công đã họp và nhất trí mỗi hộ phải góp 100.000-150.000 đồng, tùy vào điều kiện kinh tế của các hộ trong dòng tộc để lấy kinh phí xây mộ to đẹp cho thần cẩu. Trong quá trình xây này, thanh niên trai tráng trong các hộ còn phải bỏ thêm sức lao động, đồng thời nhà nào có sẵn gạch thì chuyển tới sung công…

Dòng họ Đinh Công cứ thế xây ốp vào mô đất nhô lên mà ông thầy địa lý đã tìm cho, chứ không ai dám động cuốc, xẻng để xem bên dưới thực sự có nồi đồng chôn thần cẩu hay không? Chi phí cho xây mộ cũng hết 20 triệu đồng (nếu quy ra giá trị ở thời điểm hiện nay là trên 100 triệu).

Sau 2 tuần xây dựng khẩn trương, mộ thần cẩu đã được hoàn thành với chiều dài 3m90, chiều rộng 3m80 và chiều cao nếu tính từ tầng thấp nhất lên đến tận chọp mộ thì phải đến 4m. Như vậy, diện tích ngôi mộ thần cẩu đã lên đến gần 15m2, cao bằng căn nhà cấp bốn. 

Nói đến những dòng chữ nho bí ẩn trên mộ, ông Dự dịch và giải nghĩa như sau: Vạn thế triệu bồi nhân nghĩa chỉ (Hàng vạn năm, triệu đời bồi đắp nhân nghĩa) – Ức niên hương hỏa tụ ca đường (Nhớ hàng năm hương hỏa tại mộ này). Ông Dự bảo: “Khi xây mộ, chính tôi đã viết những dòng chữ này để nhắc nhở con cháu. Dù có đi đâu xa khi qua đây thì nên tìm mộ mà thắp hương”.

Ông Dự còn đưa ra vài minh chứng cho cái thiêng của ngôi mộ như: Trước đây có người đến gần mộ thần cẩu làm gỗ,  sau đó nhà ông ta suýt cháy nên phải vội ra cúng tạ. Hay như một ông trồng chuối ở khu mộ về bị ốm liền 3 ngày, 3 đêm. Người nhà phải ra nhổ bỏ chuối, rồi làm lễ gồm một lợn, một gà cầu xin thần cẩu tha cho thì mới hết bệnh...

Thậm chí người ta còn đồn nhau, trong dòng họ Đinh Công, ai mà ăn thịt chó sẽ bị rụng răng, mù mắt,… Nhưng thực tế ông Dự bảo cũng có người trong dòng họ đi chơi xa, ăn thịt chó nhưng chưa thấy làm sao cả. Còn riêng cỗ bàn trong dòng tộc thì cấm ai được thịt chó làm cỗ.

Tìm đến một gia đình khác trong dòng tộc để hỏi chuyện, chúng tôi đã gặp anh Đinh Công Danh ở xã Văn Miếu, Thanh Sơn. Anh Danh cho biết: “Thần cẩu dòng tộc chúng tôi thiêng lắm đó. Chính vì thế mọi người đã bàn nhau xây mộ thần cẩu cho chu đáo, không lại bị thần linh trách. Từ khi mộ xây xong,  không biết có phải được lộc mà tôi thấy nhiều người trong họ làm ăn khấm khá, xây được nhà to, nhưng gia đình tôi thì vẫn thế, kể cũng buồn…”. Chính từ những lời đồn đại theo các truyền thuyết từ trong dòng họ Đinh Công lan ra ngoài mà đến hôm nay những người Mường ở đây đều nể sợ, không ai dám có lời lẽ và xâm hại đến phần mộ của thần cẩu.

Cơ quan chức năng nói gì?

Ngôi mộ mà người ta cho là thần cẩu đồ sộ giữa đại ngàn cùng với những truyền thuyết hết sức thần bí ly kỳ của dòng họ Đinh Công nói riêng, của người Mường ở Thanh Sơn nói chung đã khiến chúng tôi quyết đi tìm bằng được lời giải. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì dòng họ Đinh Công có xin phép UBND xã Tân Minh để xây cẩu mộ nhưng chưa được đồng ý. Chính vì thế bà Đinh Thị Nhữ, vợ ông Dự cho biết: “Họ ngăn cản nhưng việc nhà chúng tôi, chúng tôi cứ làm”. 

Khi chúng tôi tìm đến Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ thì cơ quan chức năng ở đây đều ngơ ngác, bó tay không hể biết gì về ngôi mộ thần cẩu của dòng tộc Đinh Công. Theo Phòng Di tích, Di sản, Danh thắng của Sở VHTT&DL Phú Thọ khẳng định chưa có bất cứ một văn bản nào của các cơ quan chức năng nói đến mộ thần cẩu của dòng họ Đinh Công ở Thanh Sơn. Cơ quan chức năng Phú Thọ khẳng định, ngôi mộ đó chưa bao giờ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và cũng không hề có trong danh mục những địa danh liên quan đến lịch sử, văn hóa của vùng đất tổ Phú Thọ.

Theo những nhà nghiên cứu cùng một số tài liệu chúng tôi có được thì hầu hết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam không có tục thờ chó, bởi chó là biểu tượng của thế giới bên dưới, của ban đêm, bóng tối. Chó cũng tượng trưng cho điều không may mắn, nên người ta thường giải đen bằng cách ăn thịt chó…

Hiếm hoi như ở Hà Nội có đền Cẩu Nhi, nhưng cũng đã từng gây tranh cãi vì nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng đó là sự bịa đặt lịch sử thời Lý. Ở một số làng quê vẫn còn những con chó đá, nhưng nó cũng chỉ đứng canh ngoài cửa đền, đình, miếu, nghĩa trang… Qua đó chúng tôi có thể đi đến một điều rằng việc xây một ngôi mộ đồ sộ và thờ trang trọng một con chó và cho nó là thần cẩu ở họ Đinh Công ở Thanh Sơn là trường hợp độc đáo, dị thường. Việc làm này cũng không vi phạm pháp luật, bởi Hiến pháp Việt Nam năm 1992 ghi rõ mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. 

Tuy nhiên, ở đây việc dòng họ Đinh Công dựa vào các câu chuyện dân gian thiếu cơ sở lịch sử, văn hóa để thêu dệt ra những chuyện thần bí, linh thiêng cho ngôi mộ thần cẩu. Đặc biệt họ nói mộ thần cẩu  đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa là không đúng sự thật. 

Một biểu hiện của Đạo Vật Tổ

Theo một nghiên cứu văn hóa, Đạo Vật Tổ là hình thái tôn giáo nguyên thuỷ ra đời vào thời kì thị tộc sơ khai. Các thành viên trong một thị tộc tin rằng họ có mối quan hệ siêu nhiên với một vật tổ hoặc là một động vật, một thực vật hay với một vật vô tri nhất định, coi đó là tổ tiên hay người thân thuộc bà con với mình.

Vì vậy, họ kiêng không giết, không ăn thịt vật tổ và quan niệm khi chết sẽ trở về với vật tổ. Niềm tin dựa trên huyền thoại giải thích về mối quan hệ huyết thống giữa họ với vật tổ. Hàng năm, có tổ chức hội lễ vật tổ. Trong dịp này, người ta ăn thịt động vật được tôn là vật tổ với niềm tin là bản thân và cộng đồng có thêm sức mạnh siêu nhiên để phát triển. 

Đạo Vật Tổ được thể hiện khá rõ rệt ở các thổ dân Châu Đại Dương (theo từ điển Bách khoa toàn thư). Ở Việt Nam, Đạo Vật Tổ còn biểu hiện khá đậm nét ở một số tộc người vùng miền núi, ví dụ, một số dòng tộc Khơ Mú ở Tây Nguyên thờ con dê với hình tượng đầu dê ở trước nhà rông, nhà sàn của mình, họ Quàng của người Thái miền núi phía Bắc không ăn thịt hổ, vì họ cho con hổ là vật tổ của mình… Như vậy, việc xây mộ cho con chó và gọi là thần khuyển, rồi thờ ảnh trên ban thờ gia tiên của họ Đinh Công ở Thanh Sơn chính là một biểu hiện của Đạo Vật Tổ.

Đọc thêm