Bi kịch lực lượng biệt kích quân đội Việt Nam Cộng hòa

(PLO) -Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, dưới bàn tay “nhung” của CIA, lực lượng biệt kích quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và biệt kích “Mũ nồi xanh” của Mỹ đã phối hợp hành động, xâm nhập và phá hoại miền Bắc XHCN nhưng đều thất bại. Sau giải phóng miền Nam, lực lượng này bị “bỏ rơi” ... Những bí mật trong tổ chức, hoạt động của lực lượng này còn nhiều bí ẩn ... 
Tổng thống John F. Kenedy năm 1963
Tổng thống John F. Kenedy năm 1963

Sau khi dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, Mỹ ngụy vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhân dân miền Nam, làm cho hoàn cảnh xã hội miền Nam luôn rơi vào tình trạng rối ren. Trước tình hình ấy, ngoài thực hiện các ý định và kế hoạch do các “kiến trúc sư” có kinh nghiệm, Nhà Trắng quyết định thực hiện kế sách mới thông qua đội quân bí mật.

Tổng thống Kenedy và quyết định mới

Năm 1960, hoạt động chống chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam của nhân dân ngày càng phát triển. Phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre, kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang ngày càng lan rộng ra các địa phương, gây cho chính quyền Sài Gòn và quan thầy Mỹ nhiều khó khăn. 

Trước tình hình này, Mỹ, ngụy chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với mục tiêu là bình định miền Nam trong 18 tháng vào năm 1961-1963 (Kế hoạch Xtalây-Taylo) và bình định miền Nam có trọng điểm trong 2 năm 1962-1964 (Kế hoạch Giônxon-Macnamara).

Để thực hiện mục tiêu, Mỹ tích cực viện trợ cho Sài Gòn, phát triển lực lượng quân sự, tăng cường “trực thăng vận” và “thiết xa vận”, dồn dân, lập ấp chiến lược; mở các đợt hành quân càn quét, tiêu diệt Việt cộng.

Tuy nhiên, từ những ngày đầu, kế hoạch lập “ấp chiến lược” của địch đã vấp phải sự chống đối kiên quyết của đồng bào miền Nam. Việc dồn dân, lập “ấp chiến lược”đã không diễn ra như ý muốn của địch. Một số “ấp chiến lược” bị phá ngay từ lúc mới thành lập. Một số bị phá đi phá lại nhiều lần. Một số ấp đã biến thành làng chiến đấu của nhân dân.

Trong năm 1962, quân và dân miền Nam đã đánh 19.108 trận, giết và làm bị thương 55.119 tên địch (có 324 tên Mỹ), bắt 5.118 tên (có 2 tên Mỹ), nâng số lính đào ngũ, rã ngũ lên hơn 16.000 tên, thu 8.846 súng các loại, bắn rơi 61 máy bay, phá hủy 317 xe quân sự (có 32 xe bọc thép). 

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, sáng 28/1/1961, Tổng thống John F. Kenedy đã chủ trì họp Hội đồng an ninh quốc gia, thảo luận về tình hình Việt Nam. Tại đây, sau khi đến Nam Việt Nam 2 tuần, Lansdale đã thu thập báo cáo và trở về, thuyết trình với Hội đồng an ninh quốc gia về những gì thu thập được.

Trước đó, Lansdale là cựu binh của Văn phòng tình báo chiến lược (OSS) trong chiến tranh thế giới thứ hai và một chỉ huy giàu kinh nghiệm các hoạt động bí mật của Cục tình báo Trung ương (CIA). Lansdale được tổng thống Dwight D. Eisenhower cử sang Việt Nam với nhiệm vụ ban đầu là vạch kế hoạch và tiến hành chiến dịch hoạt động ngầm chống lại Hà Nội.

Mặc dù những nỗ lực này không thành công, Lansdale tiếp tục ở lại Việt Nam cho đến năm 1956, trở thành bạn thân và người tin cẩn của Ngô Đình Diệm. Lansdale trình bày một cách thẳng thắn với Hội đồng an ninh quốc gia rằng "bắt đầu từ tháng 12/1959 cho đến nay, ở khắp miền Nam các hoạt động du kích và chống trả của Việt Cộng ngày càng gia tăng".

Việt Cộng với sự hậu thuẫn của Hà Nội tiến hành "bắt cóc và sát hại các quan chức ở xã ấp, phục kích và tấn công vũ trang". Mục tiêu của Bắc Việt Nam là "sáp nhập Nam Việt Nam vào khối cộng sản”.

Trong chuyến thị sát, Lansdale hầu như không thấy điều gì có thể mang lại hy vọng, Hà Nội và Việt Cộng đang áp sát và trong điều kiện đó, chính quyền Sài Gòn không thể làm chậm chứ đừng nói đến việc ngăn chặn ngày tận thế đang đến gần. 

Kenedy đã lưu ý các thành viên của Hội đồng rằng "lần đầu tiên, có một bản báo cáo cho ông cảm giác về mối nguy hiểm và tính khẩn cấp của vấn đề Việt Nam". Ngay sau đấy, Kenedy quyết định giao cho CIA nhiệm vụ tiến hành điệp vụ chống Bắc Việt Nam.

Tổng thống muốn gây sức ép đối với Hà Nội và làm đúng những gì mà họ đang thực hiện đối với đồng minh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, vào mùa hè 1962, không hài lòng với sự bất lực của CIA trong việc thực hiện nhiệm vụ, Kenedy đã ra lệnh chuyển giao nhiệm vụ này cho quân đội và mở rộng chiến tranh bí mật. 

Colonel Edward Lansdale, chuyên gia của CIA và Ngô Đình Diệm.
Colonel Edward Lansdale, chuyên gia của CIA và Ngô Đình Diệm.

Đội quân hành động bí mật

Thực ra, những hoạt động chống lại miền Bắc đã bắt đầu từ năm 1954, ngay sau Hiệp định Giơnevơ chia Việt Nam thành hai miền dọc theo vĩ tuyến 17. Trong thời gian chờ Tổng tuyển cử, Lansdale đã huấn luyện, trang bị và cài cắm một số nhóm bán vũ trang nhỏ ở Bắc Việt Nam.

Các đơn vị hải quân bí mật của Mỹ đã bố trí những địa điểm cất giấu vũ khí rải rác dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, những nỗ lực này không mang lại mấy kết quả, vì chính quyền mới đã nhanh chóng bóc gỡ các toán cài cắm của Lansdale. 

Năm 1953, CIA giúp thành lập "Nhóm quan sát số một", một tổ chức bán vũ trang hoạt động bên ngoài sự chỉ đạo của quân đội miền Nam, do Ngô Đình Diệm trực tiếp chỉ huy và có nhiệm vụ tổ chức các lực lượng du kích nằm vùng ở khu vực dưới vĩ tuyến 17 trong trường hợp miền Bắc tấn công.

CIA nhận thấy "Nhóm quan sát số một" có tiềm năng tiến hành chiến tranh không quy ước ở bên kia vĩ tuyến để cắt đứt đường liên lạc của Bắc Việt Nam và thu thập tin tức tình báo. Năm 1958, Diệm và CIA đã ký một bản thỏa thuận chung để tiến hành những điệp vụ chống lại Hà Nội. 

Đầu tháng 3/1961, John F. Kenedy yêu cầu có báo cáo về chỉ thị của ông giao cho CIA tiến hành các hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam. Để chấn chỉnh sự trì trệ này, Kenedy ra Chỉ thị số 28 của Hội đồng an ninh quốc gia, lệnh cho CIA phải tuân thủ theo “chỉ thị của tổng thống về việc chúng ta phải nỗ lực tiến hành hoạt động du kích ở lãnh thổ Bắc Việt Nam".

Điều chú ý là tại Điều 25 của Chỉ thị này, cho phép cơ quan CIA sử dụng quân biệt kích “Mũ nồi xanh” (Special Forces) và Người nhái Hải quân (Navy Seals) để huấn luyện, làm cố vấn cho quân nhân Việt Nam thực hiện những phi vụ bí mật, do ông trùm CIA là W. Colby tổ chức.

Hội đồng an ninh quốc gia đã giao cho CIA thực hiện hàng loạt thủ đoạn hoạt động ngầm: "Cụ thể là các hoạt động sẽ bao gồm bất kỳ hoạt động nào liên quan đến: Tuyên truyền; chiến tranh kinh tế; hành động phòng ngừa trực tiếp như phá hoại, chống phá hoại, hủy hoại và sơ tán và hoạt động lật đổ chống lại các quốc gia thù địch, trong đó có việc trợ giúp cho phong trào kháng chiến ngầm, du kích và các nhóm tị nạn, và hỗ trợ các phần tử chống cộng tại chỗ".

Như vậy, CIA là công cụ qua đó Hoa Kỳ có thể tiến hành các hoạt động chiến tranh không quy ước chống các nước có tư tưởng. chế độ chính trị đối lập, đồng minh và là giải pháp thay thế trong tình huống chưa đến mức "xung đột vũ trang do lực lượng quân sự thông thường tiến hành".

Theo Colby, chương trình hoạt động ngầm trong hai năm 1961-1963 rất khiêm tốn. Chương trình này bao gồm "các toán gián điệp xâm nhập vào miền Bắc". Khi được hỏi về mục đích, Colby cho biết: ý nghĩ ban đầu của ông là "thành lập một căn cứ cho hoạt động của phong trào chống đối". Tuy nhiên, đó không phải là nhiệm vụ mà ông thực sự giao cho họ.

Đầu tiên, các toán gián điệp này có nhiệm vụ thu thập tình báo. Sang năm 1962, họ chuyển sang nhiệm vụ phá hoại và quấy rối. Vào năm sau, các toán gián điệp được giao nhiệm vụ tiến hành chiến tranh tâm lý. 

Từ đây, trong cuộc chiến Việt Nam có một lực lượng bí mật, ít người biết đến, với mật danh Nha Kỹ thuật, thuộc Bộ Tổng Tham mưu, quân lực Việt Nam Cộng hòa. Những quân nhân trong sắc lính bí mật này thường được gọi là Lôi Hổ, được xếp vào hàng lính biệt kích, thuộc lực lượng đặc biệt (gọi tắt là biệt kích).

Người Mỹ cho rằng: “Nha Kỹ thuật là một huyền thoại trong cuộc chiến tranh Đông Dương”. Cả Nha Kỹ thuật và lực lượng đặc biệt đều được Hoa Kỳ yểm trợ mạnh mẽ, có tổ chức riêng biệt dựa theo cơ cấu tổ chức của lực lượng đặc biệt...

Đọc thêm