Bí kíp dạy con trong gia đình cậu bé mới 3 tuổi mê tiếng anh

Mặc dù giọng nói còn ngọng nghịu, nhưng cậu bé này lại… phát âm tiếng Anh rất chuẩn. Học hết vốn ngoại ngữ của bố mẹ, bé lại lên mạng tự học, học đến đâu nhớ đến đấy, có khi còn nói toàn bằng tiếng nước ngoài khiến cả nhà không hiểu. Khả năng đặc biệt của cậu bé 3 tuổi xứ Nghệ đang khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Mặc dù giọng nói còn ngọng nghịu, nhưng cậu bé này lại… phát âm tiếng Anh rất chuẩn. Học hết vốn ngoại ngữ của bố mẹ, bé lại lên mạng tự học, học đến đâu nhớ đến đấy, có khi còn nói toàn bằng tiếng nước ngoài khiến cả nhà không hiểu. Khả năng đặc biệt của cậu bé 3 tuổi xứ Nghệ đang khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Bé Kiệt và mẹ
Bé Kiệt và mẹ

Cậu bé mê ngoại ngữ

Chị Hoàng Thị Bích Thảo (SN 1985, ngụ ngõ 90, đường Đội Cung, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), mẹ của bé Bùi Tuấn Kiệt (SN 2009) cho biết, không giống như những đứa trẻ khác, con trai chị biết nói rất chậm, đến tận 18 tháng tuổi mới bắt đầu biết nói.

Nhưng từ khi biết nói, bé đã rất hiếu kì, gặp cái gì, ăn cái gì cũng hỏi: “Cái này gọi tên là gì hả mẹ”, “Con gì vậy mẹ”... Năm con trai được hai tuổi, trong một lần cả nhà ngồi ăn hoa quả, khi được mẹ đưa cho cầm quả cam, cậu bé lại hỏi như thông thường. Lúc đó chị nói đùa với con: “Đây là quả cam, là “orange”” (Tiếng Anh, nghĩa là “quả cam”). Thật bất ngờ, ngay lập tức Kiệt liền lặp lại lời của mẹ “quả cam là orange”. Thấy vậy mọi người trong nhà cũng chỉ cười ồ lên vì thích thú chứ không ai để ý gì đến việc này.

Riêng chị Thảo thấy con có vẻ thích thú với từ tiếng Anh, nên mỗi lần gặp câu hỏi của bé, chị lại nói cả tên thứ đó bằng tiếng Anh cho bé biết. Chỉ cần nghe một lần là bé nhớ rất lâu, hôm sau khi nhìn thấy đồ vật đó là em có thể gọi tên và phát âm rất chuẩn. Điều này khiến người mẹ và gia đình đều thấy rất ngạc nhiên.

Người mẹ tâm sự: “Bé rất hiếu kì và hay hỏi mọi người tất cả những thứ nhìn thấy. Vợ chồng tôi thì chỉ biết một ít từ tiếng Anh cơ bản nên nhiều khi thấy con hỏi cũng rất bí không biết trả lời thế nào cả. Những lúc đó tôi phải lên mạng hoặc vào tra từ điển để trả lời cho con”.

Sau khi “cạn vốn” từ để dạy con, chị Thảo lên mạng tìm các website dạy tiếng Anh cho trẻ em để cho con trai xem như Gogos, Teletube…. Từ đó bé “say” luôn các chương trình này. Sau một vài lần nhìn thấy mẹ mở máy tính, Kiệt đã có thể tự mở máy tính và vào các trang dạy tiếng Anh để học. Chỉ trong một thời gian ngắn, cậu bé 3 tuổi này đã có thể gọi tên bất cứ đồ vật nào trong nhà hay tên các con vật, màu sắc, hình học… bằng tiếng Anh. Kiệt có thể nói một số câu giao tiếp đơn giản như chào hỏi thông thường, đúng ngữ pháp và phát âm chuẩn.

Bố mẹ Kiệt cho biết gia đình không hề cho con đi học ở bất cứ trung tâm ngoại ngữ nào. Năm Kiệt được 2 tuổi, gia đình có gửi con ở một trường mầm non tư thục, nhưng vì lúc đó con trai còn nhỏ và học phí quá tốn kém nên được một thời gian ngắn, họ phải cho con nghỉ học.

Sau đó một thời gian, khi con trai lớn hơn một chút anh chị mới quyết định cho con trai vào học ở trường mầm non gần nhà. Tuy nhiên, ở những trường này không hề có chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em. Tất cả những kiến thức về ngoại ngữ đều do em Kiệt hỏi mẹ và tự lên mạng học được.

Bố của Kiệt, anh Bùi Văn Giáp (SN 1985) là một giáo viên cấp III ở thành phố Vinh. Anh cho biết: “Vì bận rộn công việc nên tôi cũng ít có thời gian chơi nhiều với con được. Khi thấy con nói tiếng Anh, tôi và vợ rất ngạc nhiên trước khả năng phát âm và nhớ từ của cháu. Tuy nhiên, vì muốn cháu được phát triển một cách tự nhiên nên chúng tôi không bao giờ bắt ép con phải học quá sớm, cháu thích gì thì cứ để nó làm thôi”.

Chị Thảo khẳng định thêm, chị và gia đình không hề bắt ép bé phải học gì cả, tất cả đều là do tự bé thấy thích học. Kiệt không thích xem quảng cáo hay ca nhạc như nhiều đứa trẻ khác, bé chỉ thích xem các bộ phim hoạt hình hay các chương trình tiếng Anh dành cho trẻ em. Mỗi lần ngồi xem các chương trình này cậu bé đều rất tập trung.

Hiện bé Bùi Tuấn Kiệt có thể đọc thuộc các bảng chữ cái bằng tiếng Việt cũng như tiếng Anh, có thể đọc các con số từ 1 đến 100 bằng tiếng Anh một cách trôi chảy. Thậm chí bé còn có thể hát một số bài hát tiếng Anh. Theo bố mẹ của Kiệt, vốn từ vựng ngoại ngữ của bé phải trên một nghìn từ, bởi hầu hết tên các loài vật, đồ dùng, màu sắc hay các bộ phận trên cơ thể người… Kiệt đều có thể nói tên tiếng Anh được.

Cậu bé “một mình một chợ”

Người mẹ tâm sự một số giáo viên dạy tiếng Anh khi chứng kiến khả năng đặc biệt của bé Kiệt đã rất ngạc nhiên. Họ cho biết trường hợp của Kiệt là hiếm có, bởi ở tuổi của bé, khả năng ngôn ngữ cũng như tư duy mới bắt đầu hình thành, nhớ tiếng mẹ đẻ đã khó, nói gì chuyện nhớ được nhiều từ và phát âm chuẩn bằng ngoại ngữ.

Kiệt còn có một trí nhớ rất tốt, em có thể nhớ được biển số xe của rất nhiều người thân trong gia đình, hay số nhà và tên các thành viên trong nhà của những nơi em đến. Chị Thảo kể lại, trong một lần chị bồng con đi xem bố đánh bóng chuyền ở phường, lúc đó có hàng trăm chiếc xe máy dựng ngoài sân, chính chị cũng không nhận ra được xe nào là xe của chồng.

Nhưng Kiệt liền chỉ một chiếc xe và nói với mẹ: “Xe của bố kìa”, rồi đọc đúng biển số xe. Chị Thảo lúc ấy mới ngạc nhiên bởi đó đúng là xe của chồng mình. Không ngờ trong hàng trăm chiếc xe như vậy mà đứa bé vẫn nhận ra chiếc xe của bố mình. Mỗi lần đi chơi nhà ai, sau khi nói cho Kiệt biết tên các thành viên trong gia đình đó thì bé nhớ rất lâu, một thời gian sau không gặp lại, bé vẫn có thể kể đúng tên từng người.

Bố của Kiệt là giáo viên dạy môn hóa học, còn mẹ học ngành sinh học, họ cho biết cả hai đều không phải là những người giỏi tiếng Anh, chỉ biết những kiến thức cơ bản. Gia đình nội ngoại cũng không có ai giỏi “thứ tiếng nước ngoài” này cả, tất cả đều là do bé tự tìm và học trên mạng. Thế nên mới có chuyện oái oăm nhiều khi đang ngồi chơi, con trai nói… tiếng Tây khiến cả nhà không ai hiểu gì, những lúc đó chị Thảo lại phải vào tra từ điển hay lên mạng tự dịch.

Chị tâm sự nhiều khi con mình nằm ngủ mơ cũng “xì xồ” sang sảng. Thấy khả năng kì lạ của Kiệt, rất nhiều người đã đến thử thách và kiểm chứng, ai cũng ngạc nhiên vì khả năng đặc biệt của cậu bé 3 tuổi.

Khi được hỏi về ý định cho Kiệt đi học các lớp tiếng Anh dành cho trẻ em, vợ chồng chị Thảo tỏ ý lo lắng: Hiện nay cũng có một số cơ sở mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em, nhưng ở độ tuổi của Kiệt thường chỉ được dạy những từ cơ bản, những từ này Kiệt đã biết hết rồi nên có đi học bé cũng không thích thú. Còn những trường dạy nâng cao thì anh chị lại không có đủ tiền cho con theo học bởi thu nhập của hai vợ chồng chỉ vừa trang trải cuộc sống thường ngày của cả nhà, không đủ tiền để con trai học những lớp cao cấp.

Đôi vợ chồng này đang có chung mối lo như rất nhiều các bậc phụ huynh có con “thần đồng” khác, đó là không biết làm thế nào để bồi dưỡng phát triển những khả năng đặc biệt của bé một cách đúng hướng? Đây cũng là mối băn khoăn của nhiều nhà giáo dục khi ngày càng xuất hiện nhiều trẻ em thông minh vượt tuổi ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Phương Thảo

Đọc thêm