Bí mật ẩn trong ngôi nhà đá ong ở làng cổ Đường Lâm

(PLO) - Có niên đại lên đến gần 3 thế kỉ, làng cổ Đường Lâm thuộc TX Sơn Tây (Hà Nội) được biết là nơi chứa đựng nhiều di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là những ngôi nhà cổ mang vẻ đẹp lạ mắt. 
Bí mật ẩn trong ngôi nhà đá ong ở làng cổ Đường Lâm

Nét độc đáo ở đây không chỉ nằm ở tuổi đời của những ngôi nhà mà còn nằm chính trong việc người dân sử dụng 100% nguyên liệu từ đá ong để xây dựng nên không gian sinh hoạt cho cả gia đình.

Bí mật từ khối đá xù xì nằm sâu dưới lòng đất

Từ trung tâm Hà Nội xuôi về phía Tây chừng 47 km là đến làng cổ Đường Lâm,  bạn sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc nhà vườn độc đáo được xây dựng bằng đá ong nguyên bản có tuổi đời lên đến 300 năm.

Đá ong là loại đá được lấy từ sâu trong lòng đất, có bề mặt xù xì, nhiều lỗ, có hình dạng giống như tổ ong. Tại làng cổ Đường Lâm, đá ong là nguyên liệu chính xây dựng lên nhiều công trình kiến trúc lạ mắt, độc đáo duy nhất có ở Việt Nam.

 

Bà Hiền, một người lớn tuổi trong làng Đường Lâm cho biết: “Nhiều ngôi nhà cổ được xây từ thời xưa, không nhớ rõ niên đại. Ngày ấy làm gì có gạch đẹp như bây giờ, vì vậy đàn ông trong mỗi gia đình thường đi đào những tảng đá ong nằm sâu dưới lòng đất, về cắt xén thành bản vuông để xây nhà”.

Nói về công việc đào đá ong để xây nhà, bà Hiền cho biết đây là lao động rất cực nhọc, đá đem về cắt xẻ thì mỗi viên cũng nặng gần 20kg, nhìn có vẻ hơi xấu nhưng dùng để làm nhà thì rất thích vì “mát về mùa hè và ấm về mùa đông”.

Cách xây dựng nhà đá ong cũng mang đầy tính dân dã. Theo như ông Thế, chủ của một căn nhà bằng đá khá cổ kể lại: “Ngày xưa chúng tôi chưa có xi măng, cát, thép, việc xây dựng chỉ sử dụng đá ong kết hợp với bùn non trộn vôi để miết mạch. Do vậy, các ngôi nhà thường có móng nhà khá nông, chiều cao cũng chỉ khoảng độ 5m và được lợp mái bằng ngói móc, ngói ri. Tuy nguyên vật liệu thô sơ nhưng độ bền chắc của các ngôi nhà cũng ổn định, một phần do nhà thấp, mái ngói chứ không thiết kế cao tầng như hiện nay. Sau này hiện đại dần dần, vẫn từ đá ong nhiều ngôi nhà được xây dựng đẹp hơn, kiên cố hơn bằng cát, xi măng…”. 

Thời trước còn khó khăn nên những người nông dân Đường Lâm buộc phải xây nhà bằng đá ong theo lối “tự cấp, tự túc”. Người dân tự tìm kiếm, đào đá ong gom góp vật liệu để xây dựng tổ ấm của mình. Nay, mặc dù thời hiện đại có nhiều nguyên liệu khác có thể thay thế nhưng người dân vẫn “tín nhiệm” nhà xây bằng đá ong vì những tính năng vượt trội như độ bền chắc, mát mẻ. Hơn thế nữa, người dân Đường Lâm thích nhà xây bằng đá ong vì đó như một nét văn hóa, hồn cốt của làng quê, họ yêu thương, tự hào và có trách nhiệm phải giữ gìn.  

 

Giá trị thẩm mĩ còn vẹn nguyên

Cùng với thăng trầm của thời gian, nhiều ngôi nhà cổ ở Đường Lâm đã được cải tạo, xây mới phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của các gia đình. Tuy nhiên, về cơ bản ngôi làng cổ vẫn còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà có kiến trúc lạ và đẹp từ đá ong.

Cách xây dựng nhà đá ong vẫn giữ được nét thiết kế cổ, mang đậm hồn quê: cấu trúc nhà vườn liền kề nối tiếp nhau theo thứ tự cổng, ngõ đưa vào nhà. Nhà xây dựng khá thấp được lợp bằng ngói móc, ngói ri, có hiên rộng hướng mặt ra vườn và bao quanh là tường… tạo không gian khá kín đáo.

 

Nổi bật trên nền kiến trúc bằng đá ong tại Đường Lâm là sự độc đáo trong việc sắp xếp tạo hình và những hoa văn xưa hiện diện trên chính các quần thể xung quanh như: cổng, tường, giếng và không gian trong nhà. Tất cả kiến trúc nhà vườn đều được xây nên từ vật liệu chủ đạo là đá ong đơn xơ mà tinh xảo. Đây cũng chính là điểm nhấn đặc biệt tạo nên sức hút của làng cổ Đường Lâm mà không một làng quê nào có được.

Trong tiến trình đô thị hóa, bên cạnh nhiều ngôi nhà cao tầng được xây mới thì nét đẹp giản dị của nhà cổ Đường Lâm vẫn không hề bị nhàm chán mà dần được người trẻ quý trọng và bảo tồn. Thậm chí, hiện nay nhiều gia đình đã xây biệt thự mới với thiết kế, nguyên vật liệu mô phỏng nhà cổ xây bằng đá ong. Nhiều gia đình có sự sáng tạo khi kết hợp xây dựng đá ong với nhiều vật liệu hiện đại là đá, gạch nung, xi măng…

Đọc thêm