Bí mật gia đình Tổng thống Diệm (Bài 1): Biệt phủ xa hoa hơn dinh Độc Lập

(PLO) - Viết về gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm, một trong những chứng nhân được đánh giá kể chuyện chân thực nhất, là đại úy VNCH Đỗ Thọ, người từng có một số năm là sĩ quan tùy viên cho ông Diệm. Trong một cuốn hồi ký xuất bản từ những năm 1960, Đỗ Thọ đã tiết lộ nhiều câu chuyện thú vị. Xin khởi đăng loạt bài “Bí mật gia đình Tổng thống Diệm”, giới thiệu một số nét chấm phá cơ bản.
 Trong khi người dân Huế có khi còn sống trong những túp lều, ông Cẩn lại cho xây biệt phủ hoành tráng tại Phú Cam
Trong khi người dân Huế có khi còn sống trong những túp lều, ông Cẩn lại cho xây biệt phủ hoành tráng tại Phú Cam

“Với cậu Cẩn, người em út gia đình Ngô Đình và cũng là ông cố vấn chỉ đạo miền Trung, tôi biết khá nhiều về cậu Cẩn nhờ được đi theo Tổng thống Diệm mỗi khi kinh lý Huế.  

Đồn đại bủa vây

Cậu Cẩn nhà quê thật đấy. Nhưng cái nhà quê ở đây lắm nghĩa, phải dựa vào thời gian mà nhận định. Đối với ngày nay, cậu Cẩn nhà quê nhưng đối với những lớp tuổi của cậu Cẩn, cậu ấy là người văn minh và đang theo đuổi thời gian để lột xác. Thành thử kết luận vắn tắt cậu Cẩn là “tên nhà quê” là quá hấp tấp.

Ở Huế, miền Trung nói chung, quá khiếp sợ mật vụ bắt bớ dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Vì vậy dân chúng có thành kiến với cậu Cẩn. Dù bọn mật vụ làm bậy, dân cũng nói là lệnh của cậu. Tóm lại, tất cả những gì dân chúng gặp phải chính quyền địa phương làm khó dễ cũng tại cậu Cẩn mà ra.

Vụ hè năm 1961, tôi được người bạn ở Huế kể một mẫu chuyện về cậu Cẩn. Mẩu chuyện đó như sau:

Những tháng hè ở Huế nóng lắm, cửa bể Thuận An sửa sang lại rất đẹp. Thông được trồng lên mấy năm trước cao hơn đầu người rồi. Chủ nhật, thứ Bảy, dân chúng về Thuận An tắm bể rất đông. Cậu Cẩn xây nhà nghỉ mát ở dưới đó. Lính gác ngày đêm khu vực của cậu. 

Cậu nghỉ mát ai mà nói đến làm gì. Nhưng nỗi khổ là cậu thường xuống Thuận An vào ban đêm. Xe của cậu mở đèn pha sáng chói làm các tài xế ngược chiều bị tai nạn. Trong trường hợp xe cậu không mở đèn pha mà chiếc xe nào đi ngược chiều hoặc xin qua mặt, mở đèn chói mắt cậu là ở tù ngay ngày hôm sau. Cậu ra lệnh bọn mật vụ ghi số xe bắt cho kỳ được.

Tôi nghe thế hỏi người bạn: “Trên đường tối sao biết được xe cậu mà hạ pha hay tắt đèn”. Người bạn đáp: “Đó là nỗi khổ của dân”.

Hình chụp năm 1963. Hàng đứng, từ trái qua: Ngô Đình Nhu; ông Diệm; Tổng giám mục Ngô Đình Thục; bà Ấm, chị ông Diệm; bà Ngô Đình Nhu; ông Ngô Đình Cẩn; ông Ngô Đình Luyện; ông Nguyễn Văn Ấm, anh rể ông Diệm. Hàng ngồi: Cụ bà mẹ ông Diệm, kèm hai bên là các con ông bà Nhu, từ trái qua gồm: Trác 15 tuổi, Quỳnh 11 tuổi, Lệ Quyên 4 tuổi, và lệ Thủy 18 tuổi.
Hình chụp năm 1963. Hàng đứng, từ trái qua: Ngô Đình Nhu; ông Diệm; Tổng giám mục Ngô Đình Thục; bà Ấm, chị ông Diệm; bà Ngô Đình Nhu; ông Ngô Đình Cẩn; ông Ngô Đình Luyện; ông Nguyễn Văn Ấm, anh rể ông Diệm. Hàng ngồi: Cụ bà mẹ ông Diệm, kèm hai bên là các con ông bà Nhu, từ trái qua gồm: Trác 15 tuổi, Quỳnh 11 tuổi, Lệ Quyên 4 tuổi, và lệ Thủy 18 tuổi. 

Tôi cười. Tôi không tin tưởng câu chuyện đó có thật xảy ra đối với cậu Cẩn, viện cớ tầm thường để bắt người vì ánh đèn xe hơi, cậu Cẩn không nhỏ mọn đến thế. Có thể đó là câu chuyện xe khác làm phiền cậu bằng cách bóp kèn liên hồi, không cho qua mặt, mà người như cậu Cẩn cho là hỗn xược.

Nhưng dầu sao, câu chuyện trên hư thật thế nào, bàn đến cũng vô ích. Thật sự dân miền Trung chán ngán cậu Cẩn đến tột độ. Từ chán ngán cậu Cẩn, dân chúng đâm ra hiềm khích chế độ. Trong lòng mọi người nuôi dưỡng một biến cố nào đó, đổi mới tình hình chính trị như hồi Thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế vua Bảo Đại.

Khi dân đã phát ghét thì khó đường chạy chữa. Bao nhiêu chuyện bé lớn của cậu Cẩn đều được bàn tán trong âm thầm. Lắm chuyện âm thầm truyền khẩu, pha thêm hương vị màu mè thật khúc chiết. Vì thế ai ai cũng tin đó là sự thật, không chối cãi.

Ngoài việc cậu Cẩn kinh tài. Đời tư cậu Cẩn cũng được dân chúng theo dõi, bàn tán xôn xao.

Lắm người ở Huế cho rằng cậu Cẩn là người dâm dục, chuyên môn lấy gái nô bộc, bất luận già hay trẻ. Vì thế cô nào giúp việc cho cậu Cẩn một thời gian ngắn là quảy gánh ra đi. Những chuyện ly kỳ này mỗi ngày tăng thêm nhiều hơn.

Cùng một mẫu nhưng mỗi người kể lại một cách. Có điều lạ là những người thân cận cậu Cẩn không biết mà bên ngoài đã rõ nguồn cơn. Tóm lại trong nhà chưa hay ngoài ngõ đã vang là thế đấy.

Mỗi lần theo Tổng thống Diệm về Huế, tôi được vài giờ rảnh rỗi thường đến quán Lạc Sơn uống cà phê. Quán này nằm ngay cửa chính chợ Đông Ba trên đường Trần Hưng Đạo. Có thể nói quán này tập trung đủ mọi giới. Họ thường đến đây uống cà phê ăn bún bò, đấu láo nhìn khách qua đường.

Ở đây cũng là nơi tôi được nghe trộm những câu chuyện tình ly kỳ, cùng những chuyện huênh hoang của cậu Cẩn. Bao nhiêu thói hư tật xấu của cậu Cẩn được kể thường nhật. Tôi nghĩ rằng có lẽ ở đây phát xuất những chuyện bí ẩn của cậu Cẩn truyền vào dân gian.

Tại sao ở quán này, những người phần nhiều trai trẻ dám nói xấu cậu Cẩn như thế? Trong hạng người loan tin đồn cậu Cẩn ở quán này có hai giới: Bọn mật vụ tin dùng và bọn mật vụ hết thời.

Bọn mật vụ tin dùng la cà tìm hiểu bắt bớ những ai nói xàm, nói bậy, chỉ trích ban chỉ đạo, còn bọn mật vụ hết thời luôn luôn tỏ thái độ tức giận. Bọn này đã làm việc với cậu Cẩn từ hồi ban chỉ đạo ra đời. Vì thế chúng biết rất nhiều chuyện về cậu Cẩn. Nay cậu hất chân nên bao nhiêu chuyện ấm ức trong lòng về cậu Cẩn đưa ra bêu xấu. Bọn này mạnh ăn, mạnh nói mà bọn mật vụ kia không dám bắt bớ.

Vì thế những người ngồi nghe trộm đều tin tưởng những chuyện về cậu Cẩn là có thật. Chính mồm bọn mật vụ nói ra mà không tin sao được.

Ông Ngô Đình Cẩn tại phiên tòa năm 1964
Ông Ngô Đình Cẩn tại phiên tòa năm 1964

Rồi những chuyện về ông cố vấn chỉ đạo miền Trung trở thành huyền thoại, hư hư, thật thật mà kết cuộc vẫn không có một tí bằng chứng.

Tuy nhiên, dù thật hay đồn đại, hậu quả chế độ Ngô Đình Diệm chịu ảnh hưởng không tốt đẹp và quần chúng mất tin tưởng, nghĩ rằng mình đang sống trong vũng bùn dơ.

Cố nhiên những chuyện nhặt ấy làm sao đến tai Tổng thống Diệm được. Vì thế Tổng thống luôn luôn tin tưởng dân chúng miền Trung đoàn kết sau lưng ông.

Khu an dưỡng “vua chúa”

Cậu Cẩn làm lố bịch nhất, có bằng chứng nhất là việc xây cất khu an dưỡng. Khu an dưỡng này xây cất trên ngọn đồi thông, phong cảnh hữu tình ở phía tây TP Huế. Vùng này thuộc địa phương làng Trù.

Muốn đến vùng an dưỡng của cậu Cẩn phải đi lên Nam Giao. Qua khỏi Nam Giao thẳng lên dòng Thiên An. Vượt Thiên An khoảng sáu hoặc bảy cây số đường đất đỏ thì đến khu an dưỡng.

Khu an dưỡng cất trên đồi. Kiến trúc theo vua chúa thời xưa. Từ xa trông vào tưởng như một ngôi chùa uy nghi. Trước ngôi nhà đó có một chiếc hồ rộng. Hàng dãy ghế đá rất đẹp. Ở đó là nơi cậu Cẩu ngồi câu cá.

Theo một nhà thầu xây cất thì công việc hoàn tất còn đòi hỏi thời gian dài. Và tốn đến hàng trăm triệu. Một nơi hoang vu, không dấu chân người, cậu Cẩn đã bỏ ra một số tiền lớn lao vui thú riêng tư. Cậu Cẩn tự tạo cho mình một thứ lăng tẩm vua chúa, phong kiến trong thời đại này.

Từ ngôi nhà nghỉ mát ở Thuận An đến vùng an dưỡng làng Trù, cậu Cẩn đã đi ngược lại chế độ Cộng hòa. Dân chúng tự hỏi tiền xây cất đó ở đâu mà ra? Và cậu Cẩn đã sống trên sự đau khổ của mọi người trong lò lửa chiến tranh mỗi ngày một lan rộng.

Sau đảo chánh 1/11/1963, tôi được tin dân chúng Huế đổ xô lên vùng an dưỡng đập phá. Như thế chứng tỏ dân cố đô uất hận cậu Cẩn đến mức độ tột cùng.

Mùa xuân 1962 nhân dịp viếng lăng cụ Ngô Đình Khả, Thổng thống Diệm đi thẳng lên khu an dưỡng. Cậu Cẩn thường tả cảnh tả tình vùng này với Tổng thống Diệm, cậu Cẩn nói nơi an dưỡng không phải cho riêng cậu mà còn để cho mấy anh về già nghỉ ngơi ở đó. Tổng thống Diệm thấy tận mắt ưa thích, vui vẻ vô cùng. Khi ngắm ngôi nhà, vườn tược, bàn ghế, cách trang trí…

Ông Diệm trong một chuyến kinh lý năm 1955
Ông Diệm trong một chuyến kinh lý năm 1955

Tổng thống Diệm khen mãi và nói “chú Cẩn trưng bày hơn cả Dinh Độc Lập, toàn đồ cổ đắt tiền”. Đoàn tùy tùng ai cũng nghĩ rằng Tổng thống Diệm hãnh diện việc làm của cậu Cẩn lắm. Một vài vị cười tươi gật gù ra chiều tán đồng sự nhận xét của Tổng thống.

Trên đường trở về, Tổng thống không mấy vui vẻ như lúc ở lăng cụ Ngô Đình Khả. Đến nhà ngồi uống trà ở phòng khách, Tổng thống Diệm hỏi cậu Cẩn về sự chi tiêu tốn kém xây cất an dưỡng. Cậu Cẩn trả lời, không chi tiêu bao nhiêu cả.

Gạch đá, gỗ, thợ thầy đều do công binh quân đội làm. Đồ đạc trang trí phần nhiều các tỉnh, quận biếu. Tổng thống Diệm bảo cậu Cẩn: “Làm chừng đó được rồi. Sơ sài thôi, khi tôi hết làm Tổng thống, tính toán nữa. Chú xây cất to lớn dân dị nghị. Quân đội ngày đêm lo lắng, nó oán”.

Cậu Cẩn nói lẫy: “Các anh sướng quá, cho tôi hưởng tí xíu, lúc mẹ không còn trên đời này. Tôi không cần chi mô mà lo”. Tổng thống Diệm yên lặng nhìn cậu út Cẩn như phó mặc cho em muốn làm gì thì làm.

Nhắc nhở đến mẹ già là ngón sở đoản cuối cùng chặn đứng những gì Tổng thống Diệm sắp sửa nói về những hành động của cậu Cẩn. Tổng thống Diệm buông lửng câu chuyện tốn kém khu an dưỡng mà cậu Cẩn đang có đồ án vĩ đại.

Trong khi đó thường ngày Tổng thống Diệm vốn tính “mặc cả” tiền bạc khi các bộ trưởng, những chuyên viên dự trù xây cất một đồ án nào đó. Ví dụ như khi trình với Tổng thống phải chi mất 5 triệu, tổng thống Diệm thường nói “chi mà nhiều rứa, bớt xuống đi”. Nói để mà nói (vốn như thế) chứ thật ra Tổng thống có biết gì về tiền bạc đâu.

Cậu em ruột, biết rõ tính tình anh mình keo kiệt, kỳ kèo, mà không dám tiết lộ sự phung phí tiền bạc lập khu an dưỡng tuổi già.

Dân chúng Huế coi khu an dưỡng của cậu Cẩn như một chốn thiên thai. Đúng như thế. Không nói gì nhiều, chỉ chiếc hồ câu cá cũng đủ làm người trông phải khó tưởng tượng đến mức tốn phí tiền bạc. Hồ lớn, lại còn xây những khe rãnh bằng xi măng cho nước chảy róc rách, những con khe nhỏ này nối dài nhau, chạy quanh co xung quanh ngôi nhà, lúc cao lúc thấp, uốn khúc như một con rắn dài vô tận.

Ngoài ra những chiếc trống chầu, chuông treo, to đến mức hai người ôm không xuể. Như thế số tiền chi phí lên bực nào.

Lúc xây cất khu này, cậu Cẩn huy động một tiểu đoàn công binh. Đó là chưa kể đến công chánh tỉnh Thừa Thiên hỗ trợ.

Dân chúng thấy đó làm buồn tủi. Nhưng sự quan trọng đặt ra là cậu Cẩn tạo nên không khí phong kiến trở lại.

Tuy nhiên, trong lúc chế độ uy quyền, dân giữ nằm lòng những uất hận ấy. Chính các bộ trưởng, tướng lãnh, đại biểu Trung phần khi thấy vùng an dưỡng của cậu Cẩn cũng truyền miệng với nhau là cậu Cẩn đã làm một công việc ngoài sức tưởng tượng, hao mòn công quỹ và nhân lực quốc gia.

Mộ thân phụ ông Diệm ở Huế những năm 1960
Mộ thân phụ ông Diệm ở Huế những năm 1960

Riêng về Tổng thống Diệm nghe cậu Cẩn nói như thế cũng tạm yên lòng. Nhưng Tổng thống có biết đâu dân chúng, công chức chính phủ oán than. Từ oán than ấy, đưa đẩy đến sự giảm uy tín của Tổng thống Diệm. Mọi người vẫn khư khư nghĩ rằng Tổng thống Diệm đã nuôi dưỡng người em út hành động việc tư hữu một cách quá đáng.

Năm 1962, lúc tôi theo Tổng thống Diệm đến khu an dưỡng thì việc xây cất chưa hoàn tất. Chưa hoàn tất mà đã như vậy, khi xong xuôi vĩ đại biết chừng nào mà nói cho hết.

Trò tiêu khiển của một ông vua đời phong kiến

Cậu Cẩn khoái nơi an dưỡng này lắm. Mùa đông ở Huế buồn bã. Vùng núi non này âm u. Thế mà cậu Cẩn cũng mò mẫm lên đó cho được. Có lúc cậu ngồi câu cá suốt cả buổi. Cá trong hồ là cá nuôi cho cậu giải trí. Quả đúng là trò tiêu khiển của một ông vua đời phong kiến vậy.

Tôi được biết khi xây vùng an dưỡng này, một người dân đã mất toi thửa đồn điền trồng trà rất lớn. Khu an dưỡng của cậu Cẩn chiếm đất đồn điền. Có lẽ người này không dám đòi tiền bồi thường mà còn dâng cho cậu Cẩn nữa là đằng khác.

Một số người quen với nạn nhân này nói rằng, ông ta bóp bụng chịu mất đồn điền còn hơn là bị cầm tù. Phần nhiều người khi đó đều thế cả. Họ mất cái này thì xoay xở làm ăn cái khác. Họ không muốn cuộc đời rắc rối với chánh quyền. Chính quyền này lại là cậu Cẩn cố vấn chỉ đạo.

Như thế ngoài việc tốn công quỹ chính phủ, vùng an dưỡng xây cất đã có tư nhân thiệt hại.

Nhưng sự kiện này chính quyền cách mạng 1/11/1963 không điều tra kỹ càng để kết tội cậu Cẩn mà chỉ dùng những danh từ vu vơ “lãnh chúa miền Trung, Hưng thần Ngô Đình Cẩn” hầu thỏa mãn tinh thần dân chúng phẫn uất trong lúc giao thời. Rồi buông tay cho dân chúng đập phá khu an dưỡng này.

Dù rằng cậu Cẩn cậy uy quyền lập khu an dưỡng hưởng thụ riêng tư. Chế độ Ngô Đình Diệm đổ, cậu Cẩn bị quản thúc thì khu an dưỡng của quốc gia. Có thể ở đó trở thành nơi ngoạn cảnh của khách nhàn du. Thế mà chính quyền địa phương cũng như tập quyền Hội đồng tướng lãnh đã không trấn tĩnh lòng dân nộ khí.

Như thế chưa nắm giữ được quần chúng? Vẫn biết rằng lúc giao thời tình thế hỗn loạn không kham nổi lòng dân trong cơn uất hận. Nhưng khi đã làm việc phải có chương trình hành động. Hành động này không những lật đổ chế độ mà còn phải bảo toàn những công hữu về sau này thuộc quyền quốc gia.

Chợ An Cựu tại Huế những năm 1960
Chợ An Cựu tại Huế những năm 1960 

Trường hợp đập phá khu an dưỡng cũng giống như những cuộc đập phá dinh Gia Long và một vài công ốc chính phủ mà nhân viên chế độ Ngô Đình Diệm cư ngụ.

Cậu Cẩn kinh tài chi phối cán cân kinh tế quốc gia. Cậu Cẩn xây cung điện hưởng nhàn hưởng lạc. Cậu Cẩn mượn lốt chỉ đạo, tổ chức mật vụ bắt bớ thường dân. Tôi cảm thấy nhiều sự kiện mù mờ về cậu Cẩn. Chỉ có việc xây khu an dưỡng là rõ ràng nhất.

Khuyết điểm to lớn của cậu Cẩn là quá lộ diện thị oai với chức vụ cố vấn chỉ đạo miền Trung. Tuy nhiên những hoạt động mật vụ là tự lo lấy chi phí, Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu được cho là không tài trợ cho chỉ đạo miền Trung một xu nhỏ. Nguyên nhân này cũng là một phần nhỏ để cậu Cẩn và bộ hạ có lý lẽ khuyếch trương kinh tài muôn mặt.

Có lẽ vì thế Tổng thống Diệm không chèn ép được cậu Cẩn, vì cậu đã tổ chức được một hệ thống mật vụ đắc lực mà không hao mòn tài chánh của sở nghiên cứu chính trị Phủ Tổng thống.

Sau đảo chánh 1/11/1963 ủy ban điều tra về tài sản gia đình Tổng thống Diệm đã công bố về ông Ngô Đình Cẩn như sau:  Bất động sản tọa lạc ở nhiều tỉnh lỵ lên tới gần ba trăm triệu đồng; Động sản gần 80 triệu đồng; Ngoài ra, một cao ốc ở đường Nguyễn Huệ - Sài Gòn cho thuê với giá đổ đồng hằng năm là 43 triệu hai trăm ngàn đồng; Và một cao ốc ở đường Bá Đa Lộc, Khánh Hòa, cho thuê với giá 5.784.000 đồng mỗi năm; Riêng độc quyền gạo và quế, cậu Cẩn cho các nhà thầu đóng 10% mỗi khế ước tùy theo số lượng.

Ủy ban điều tra tài sản không nói đến một trương mục ngân hàng nào của cậu Cẩn cả. Như thế chứng tỏ cậu Cẩn chưa có ý định mưu đồ kinh tài cho quyền lợi cá nhân. Sự tổ chức mật vụ qui mô, kinh tài khuấy động, cậu Cẩn ôm tất cả vào thân.

Cậu Cẩn quan niệm việc làm của cậu là làm lợi cho quốc gia. Hoạt động của cậu Cẩn được dễ dàng như thế vì cậu là bào đệ Tổng thống Diệm. Nếu người nào khác, không liên hệ máu mủ với dòng họ Ngô Đình thì dễ gì thâu về một mối vừa chính trị kinh tài. Và những sự kiện lũng đoạn kinh tế miền Trung không đặt thành vấn đề.

Tôi đã nói, cậu Cẩn là người bảo thủ, phong kiến. Những việc làm của cậu tập trung vào sự đẩy mạnh phong trào nhưng có tánh cách vua chúa quan lại.

Cho nên làm việc nước mà như việc riêng tư. Hậu quả tai hại đã lường không được cho chế độ. Bao nhiêu tiền kinh tài cậu nắm giữ theo quan niệm của cậu là ngân quỹ quốc gia. Quan niệm sai lầm đó mà cậu Cẩn bị gán cho danh nghĩa “lãnh chúa miền Trung”.

Cũng giống như Tổng thống Diệm, cậu Cẩn tự cho mình là “cha già” với tất cả mọi nhân viên dưới tay. Ngay cả Đại biểu chính phủ, Tư lệnh vùng, Tỉnh trưởng, cậu Cẩn chẳng coi ra cái thể thống nào cả. Nếu các vị này làm trái ý, cậu Cẩn la lối om sòm, dù lúc ấy rất đông quan khách.

Những ông tai to mặt lớn, cậu Cẩn sai lấy ống nhổ trầu, xách chiếc ghế, đốt điếu thuốc là chuyện thường tình xảy ra trong ngôi nhà Phú Cam. Vì tự coi mình như “cha già lãnh tụ” và cũng là “bộ tài chánh” của miền Trung, cho nên cậu thường cấp tiền cho các cơ quan, những nhân viên mật vụ không cần phải sổ sách mà chỉ cần một tấm giấy nhỏ của cậu là hoàn tất mọi việc”.

(Còn tiếp)

Đọc thêm