Bí mật gia đình Tổng thống Diệm: 'Kỳ hoa dị thảo' trong tư dinh 'cậu Cẩn'

(PLO) - Trong số báo này, tác giả Đỗ Thọ tiếp tục hồi ức về những bí mật trong cuộc sống Ngô Đình Cẩn, người em út của tổng thống Ngô Đình Diệm, với những thú vui được coi là xa hoa thời đó, những tính cách đặc biệt:
Cậu Cẩn được đánh giá là người sành điệu về kiểng, non bộ và các loại chim (Hình minh họa)
Cậu Cẩn được đánh giá là người sành điệu về kiểng, non bộ và các loại chim (Hình minh họa)

Lối chơi đế vương

“Ngoài cái “thú vị” làm cố vấn chỉ đạo, cậu Cẩn là người sành điệu về kiểng, non bộ và các loại chim yến cùng các thú vật.

Tôi đã chứng kiến một con trăn rừng lột da trong tư dinh cậu Cẩn. Con trăn lột da gần tới nửa thân hình to lớn. Bên cạnh nó là một rổ trứng gà đầy ắp. Thấy con trăn lột vỏ, ăn uống sung sướng mà thương dân nghèo.

Tôi hỏi người làm vườn con trăn ăn trứng gà thấm vào đâu. Tại sao không cho ăn thịt? Người làm vườn cho biết, cậu Cẩn dạy cho nó ăn trứng gà không cho ăn thịt. Người làm vườn, cho biết, cậu dạy cho nó ăn trứng gà về sau da mượt, óng ánh đẹp lắm.

Tôi lại hỏi, mỗi lần lột da bao nhiêu lâu và nó ăn hết bao nhiêu trứng gà. Người làm vườn cười đáp, thưa ông nó ăn từng thúng và nếu không nhầm thì 3 hay 4 tháng nó lột vỏ một lần. Một lần lột, nó nằm dài chỉ biết ăn mà thôi.

Lối chơi của cậu Cẩn đế vương thật. Cây cối trong vườn lá mọc um tùm, rợp bóng quanh năm. Ngoài trong vào như một cánh rừng nhỏ.

Vườn cậu Cẩn nuôi rất nhiều chim hót hay. Có thể nói ông Cẩn có nhiều loại yến nhất Việt Nam. Các ông Bộ trưởng, Tỉnh trưởng, các chính khách muốn tiến thân đều phải mua chim yến đem tặng cậu. Do đó mà cậu đã có một vườn chim yến nhiều hơn tất cả những người nuôi chim yến. Những thứ chim cậu Cẩn khoái nhất là những con sáo, con nhồng, con vẹt. Cậu cho người dạy những con chim này nói.

Những giống chim biết nói này thường ưa ăn ớt do đó mà tư dinh cậu Cẩn mỗi ngày phải mua cả thúng ớt để cho những con chim biết nói ăn.

Ngô Đình cẩn trong phiên xử năm 1964
Ngô Đình cẩn trong phiên xử năm 1964

Cậu Cẩn có nhiều két, loại vẹt khác nhau. Từ loại két Phi châu, két Mỹ châu đến két Á châu. Cậu thương nhất là con két biết nói. Mỗi ngày con két này thường nói với cậu những câu nịnh hót, do người quản lý chim của cậu dạy cho.

Tâm trạng của cậu Cẩn là tâm trạng một người nhà giàu xứ quê. Cuộc sống của cậu tương đối giản dị. Cậu ghét những nếp sống Tây phương. Cậu thích uống rượu đế hơn là uống rượu Tây. Cậu khoái hút thuốc lá Cẩm Lệ cuốn thành những điếu lớn.

Mặc dầu làm cố vấn chỉ đạo nhưng cậu Cẩn vẫn sống một cuộc sống như lúc chưa có quyền thế.

Cậu thường ngồi đan rổ, đan rá. Thú vui độc nhất cậu Cẩn là cuối tuần ra cửa Thuận An câu cá nghỉ ngơi.

Cậu Cẩn cho cất một dãy nhà mát ngoài cửa Thuận An để mỗi tuần ra đó du hí.

Cậu Cẩn nuôi một con vẹt biết nói rất giỏi. Không biết người nào dạy cho nó mà đến khi ai chọc ghẹo là phát ra câu “Tao mét cậu Cẩn bây giờ”. Mỗi lần nghe như thế, cậu Cẩn khoái chí cười búng cả bọt trầu ra khỏi mép.

Trong vườn, cậu Cẩn đóng củi nuôi heo, mang, nai. Chim muông nhiều giống lạ lùng. Tất cả những thứ ấy đều do các quan quận, quan Tỉnh trưởng, quan Tư lệnh vùng dâng cậu mua vui.

Về phần con vẹt biết nói cũng là một đầu đề ly kỳ cho miệng thế gian. Những người kể chuyện về con vẹt này rất rành mạch như chính mình nuôi nó. Con vẹt xuất thân từ một quận trong tỉnh Quảng Ngãi của một người nông dân trồng mía. Người nông dân nuôi con vẹt đem bán cho một binh sĩ. Và không biết diễn biến thế nào mà một năm sau lọt vào tư dinh quan quận trưởng. Quan quận trưởng dâng lễ vẹt cho cậu Cẩn.

Con vẹt cũng trở nên giai thoại song song với cuộc đời nhàn du của cậu Cẩn trong “sở thú bỏ túi” ở Phú Cam.

Sau đảo chánh 1/11/1963, tôi được tin con vẹt đó được gửi vào sở thú Sài Gòn. Dù đảo chánh đã thành công, khi người ta di chuyển con vẹt, nó vẫn nói “Tao mét cậu Cẩn bây giờ”. Tôi chỉ nghe có thế nhưng không biết con vẹt đó đã ở sở thú hay lọt vào tay một người khác để nghe nó nói “méc cậu” mãi mãi.

Hỗn độn giữa công danh và hưởng nhàn hưởng lạc 

Cậu Cẩn hấp thụ nếp nho phong của gia đình. Nên khi quyền uy, công danh đột ngột đến do ở từ tổng thống Diệm tạo nên, cậu Cẩn trở thành một nhà nho hỗn độn giữa công danh và hưởng nhàn hưởng lạc.

Theo tôi nhận xét, tổng thống Diệm bằng lòng ngôi nhà ở Phú Cam. Ở đó gây nhiều kỷ niệm đối với tổng thống. Rảnh rỗi tổng thống cùng cậu Cẩn bách bộ nhìn cây cỏ trong vườn. Tổng thống Diệm hay dừng lại trước chiếc xe kéo sơn son thếp vàng, nạm xà cừ đã cũ.

Chiếc xe kéo này tôi đã thấy đặt ở đây nhiều lần rồi. Nếu chùi rửa sạch sẽ, để vào bảo viện thì quí giá vô cùng. Tôi cũng không được rõ chiếc xe kéo này của cụ Ngô Đình Khả hay là của tổng thống Diệm lúc ông còn làm Thượng thư Bộ Lại triều đình Huế.

Tôi thấy tổng thống Diệm cầm càng xe nâng lên, đoạn đi ra phía thùng xe đưa ngón tay trỏ chìu nhẹ lên khảm xà cừ rồi bất giác mỉm cười nói với cậu Cẩn “chiếc xe lâu quá hỉ chú”. Cậu Cẩn đáp lại “tốt nghe, tụi nó bỏ phế mà không mục nát, tôi muốn để làm kỷ niệm”.

Lối sống của cậu Cẩn, Tổng thống Diệm rất chịu. Trong mấy anh em, cậu Cẩn phần nhiều có cá tính gần giống tổng thống Diệm cho nên gác chuyện chính trị Tổng thống Diệm và cậu Cẩn tương đắc lắm. Như câu nói về chiếc xe kéo có tính cách bảo tồn, biết trước biết sau của cậu Cẩn là bản tính Tổng thống Diệm

Hai anh em không sai biệt lắm. Vì thế, tổng thống Diệm thương yêu cậu Cẩn, về những việc làm của cậu Cẩn. Tổng thống Diệm cảm thấy tin tưởng ở người em có bản tính giống mình.

Lắm người ở cố đô Huế cho rằng cậu Cẩn an dưỡng đến mức tột cùng vua chúa. Nhưng dầu sao cũng phải hiểu cậu Cẩn là con người được sung sướng, nuông chiều từ lúc lọt lòng. Vì thế, cuộc sống thanh nhàn lúc tuổi về già của con nhà quyền quí không lấy gì làm lạ.

Phiên tòa xét xử “hung thần miền Trung”
Phiên tòa xét xử “hung thần miền Trung”

Tôi đã chứng kiến Tổng thống Diệm tức giận cậu Cẩn ở trong ngôi nhà Phú Cam. Tuy nhiên, phút giận dữ đó trôi qua rất nhanh và dập tắt chôn vùi ngay. Tổng thống Diệm trở lại bộ mặt tươi cười với cậu Cẩn như không có chuyện gì xảy ra trước đó. Tuy tất cả đều đã tuổi về già. Song lúc tức giận có tính cách dạy dỗ, răn bảo hơn là dựa trên địa vị của từng người.  

Từ ngày cụ bà Ngô Đình Khả liệt giường, nghĩa là không biết gì nữa, suốt ngày nằm liệt giường như xác không hồn, anh em Tổng thống Diệm tỏ vẻ dè dặc hơn. Dè dặt này là không ai nói tiếng lo dù việc trọng đại, tức tốc. Hầu hết như để yên lặng cho cuộc đời sắp tắt của cụ bà Ngô Đình Khả được thanh thản. Nhưng ai tinh mắt đều nhận thấy có ngọn sóng ngầm đang xáo trộn giữa ông bà Ngô Đình Nhu, cậu Cẩn và Tổng thống Diệm. 

Trong vườn cây ở Phú Cam, nơi cậu Cẩn sống, nơi cậu Cẩn tung hoành và cũng là nơi cậu đào hố sâu ngăn cách giữa nhân dân và chế độ. Trái lại cậu Cẩn là một người biết tề gia. Tề gia ở đây là kính mẹ, kính anh, chăm sóc, sửa soạn gia đình chứ không phải dạy dỗ con cái, vợ con.

Phải công nhận cậu Cẩn và Tổng thống Diệm là hai người con có hiếu nhất nhà. Tôi đã chứng kiến Tổng thống Diệm cầm tay mẹ mà khóc rồi nói “con không phải tham công danh bỏ mẹ. Một năm về với mẹ một lần là bất hiếu”. Cậu Cẩn tự tay thu dọn những đồ đạc dơ của cụ bà, cậu không cho ai làm cả và cảm thấy, cậu rất vinh dự hầu hạ mẹ già.

Tổng thống Diệm và cậu Cẩn cùng một lòng như nhau. Tôi thường bắt gặp nhiều những cử chỉ thương yêu giữa Tổng thống Diệm và cậu Cẩn. Hai người hay nhỏ nhỏ to to, tâm sự về gia đình. Tôi chưa hề thấy Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu như thế bao giờ cả.

Đứa em út được nuông chiều

Trước mặt tổng thống Diệm, Đức cha Thục, ông Ngô Đình Nhu, cậu Cẩn ít nói và hay lung túng, nếu Tổng thống Diệm hỏi về tình hình hoạt động của Sở chỉ đạo miền Trung.

Như đã nói cậu Cẩn sống ru rú bên yếm mẹ, nên cậu Cẩn có lối ăn nói, xã giao phong kiến, cường hào, trọc phú xưa kia. Tuy nhiên nhờ ảnh hưởng của mấy ông anh, cậu Cẩn lột xác phần nào trong thời đại tân tiến.

Tôi chưa lần nào thấy cậu Cẩn đặt chân đến Dinh Độc Lập hay sau này là Dinh Gia Long. Đời sống của cậu như đóng khung ở cố đô Huế.

Ông Cẩn và ông Diệm được đánh giá là có tính cách giống nhau
Ông Cẩn và ông Diệm được đánh giá là có tính cách giống nhau

Tuy cậu Cẩn là người cổ hủ với đời sống nhưng đầu óc tiến bộ từ ngày Ủy ban chỉ đạo miền Trung hoạt động, cậu Cẩn lãnh đạo theo đường lối củng cố cho chế độ Sài Gòn, bằng cách loại bỏ những phần tử đối lập với Tổng thống Diệm. Có thể nói rằng cậu Cẩn có lập trường dứt khoát hơn ông Ngô Đình Nhu.

Chính Phan Quang Đông nói với tôi, cậu Cẩn làm việc rất linh động nhưng lối làm việc của cậu không có đường lối xây dựng. Đó là điều khiếm khuyết. Cậu Cẩn không thích người Mỹ vì họ hay chỉ trích những hoạt động của nhân viên mật vụ miền Trung. Những than phiền này, cậu Cẩn thường nói thẳng với Tổng thống Diệm vào những ngày Tết.

Tổng thống Diệm dường như không quan tâm đến những lời đòi hỏi của cậu Cẩn. Những năm thịnh vượng của chế độ, Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu bỏ lửng những việc làm của cậu Cẩn ở Huế.

Ban đầu, ông Nhu chấp thuận cho cậu Cẩn tổ chức mật vụ ở Trung phần là để cho vui lòng cậu Cẩn. Ông Nhu không tin tưởng tài cán của cậu Cẩn.

Về sau có nhiều vụ tranh chấp gạo, quế giữa một số thương gia miền Trung, nên xảy ra nhiều vụ bắt bớ bí mật. Tổng thống Diệm và ông Nhu nhận được phúc trình miền Trung có gián điệp cho Pháp do Ủy ban chỉ đạo bắt được. Trong số nạn nhân bị bắt có ông Nguyễn Văn Yến chủ nhân khách sạn Morin.

Sau đảo chánh 1/11/1963 cậu Cẩn được mang cái tên “Hung thần miền Trung”. Cậu Cẩn chịu trách nhiệm những vụ bắt bớ miền Trung, vì cậu Cẩn nhìn vào báo cáo của bọn ton hót dưới trướng. Nhưng đáng tội giết là bọn mật vụ bao quanh cậu Cẩn để dựa thế kinh tài riêng tư.

Đó là Hoàng Trọng Bá, Phan Quang Đông, Trần Văn Hương, Lê Hoát, bọn này chuyên bắt bớ các thương gia khai thác và bắt nạp tiền chuộc mạng. Bọn này nói rằng đó là yêu sách của cậu. Số tiền này lên tới 2 triệu đồng cho mỗi người.

Tôi đã có nhiều lần được nói chuyện với cậu Cẩn. Một vài bộ điệu, nhất là nụ cười của cậu Cẩn rất giống Tổng thống Diệm. Giọng nói trầm hơi kéo dài pha lẫn tiếng Quảng Bình và Huế. Tính tình nghiêm nghị ẩn hiện buồn nhiều hơn vui. Luôn luôn nói về chuyện thương người, chứng minh lòng dạ đạo đức của mình.

Không mấy khi bàn về chính trị nếu có mặt Tổng thống Diệm, ông Ngô Đình Nhu và Đức cha Thục. Xưng hô với các Bộ trưởng, Tướng tá bằng chú. Nhưng đến khi vắng mặt những ông này thì gọi bằng thằng nọ thằng kia. Phần đông các ông kêu gọi lại bằng “Cậu” xưng “con” ngọt như đường.

Nhiều người ở Huế cho rằng cậu Cẩn là người đạo đức bên ngoài nhưng bên trong độc ác nguy hiểm. Kỳ thực nhận xét như thế là hiểu lầm về cậu Cẩn. Lòng dạ cậu Cẩn thẳng như ruột tượng. Cậu thích là cậu làm, không suy nghĩ đắn đo. Con người như thế là nông cạn (nhà quê).

Cái nham hiểm, thủ đoạn kinh tài là Hoàng Trọng Bá, Phan Quang Đông, Lê Hoát bày trò, vẻ cảnh. Bọn quân sư quạt mo này đã làm hư đốn cậu Cẩn. Tạo cho cậu Cẩn bia miệng “Lãnh chúa miền Trung” và vô tình em út của tổng thống Diệm tay vấy máu do bọn này kinh tài, bắt bớ, tra tấn dân lành mà ra.

Sau đảo chánh 1/11/1963, gia tài Hoàng Trọng Bá lên đến con số đáng kể chẳng kém gì cậu Cẩn.

Ảo tưởng “có tài chính trị”

Ngoài việc kinh tài, hoạt động của Ủy ban chỉ đạo còn hỗ trợ đắc lực cho Trung ương. Vì thế càng ngày cậu Cẩn nghĩ rằng mình có tài về chính trị. Từ ở điểm đó, cậu Cẩn thường phê bình chỉ trích ông Ngô Đình Nhu thiếu chính trị.

Do có cuộc sống xa hoa khác với dân chúng nghèo khó nên ông Cẩn bị dư luận ghét cay đắng
Do có cuộc sống xa hoa khác với dân chúng nghèo khó nên ông Cẩn bị dư luận ghét cay đắng

Và cậu Cẩn nằng nặc xin Tổng thống Diệm cho nhân viên mật vụ miền Trung hoạt động ở Sài Gòn. Rồi từ đó có sự đụng chạm giữa ông bà Ngô Đình Nhu với cậu Cẩn và cũng từ đó cậu Cẩn nhắm mũi dùi vào bà Ngô Đình Nhu đầu tiên.

Việc hạ đòn đầu tiên của cậu Cẩn là chỉ trích bà Nhu khi bà này về Huế cuối năm 1961.

Cậu Cẩn viện lẽ suốt cuộc đời đã lo cho gia đình nhiều lắm rồi. Nay cậu bệnh hoạn, già cả, không đủ sức khỏe kham nổi những ngày kỵ giỗ. Bà Nhu là con dâu phải lo việc thờ cúng cho trọn đạo. Sống ở Sài Gòn làm vợ ông cố vấn, em dâu tổng thống, lên xe uống rượu, ăn ở sung sướng quên đi phận làm dâu. Vậy Tết này chị Nhu lo liệu kỵ giỗ.

Bà Nhu nghe cậu Cẩn nói như thế giận vô cùng nhưng không biết làm gì được. Đáng ra bà ở Huế ba ngày nhưng bà cố gắng ở đến ngày thứ hai đã vội vã trở về Sài Gòn.

Bà Ngô Đình Nhu mách lại chuyện này với ông Ngô Đình Nhu. Ông Nhu trình với tổng thống Diệm và khuyến cáo tổng thống Diệm nên hủy bỏ Ủy ban chỉ đạo miền Trung. Tổng thống Diệm chần chờ rồi bảo “để đó đã”.

Trong năm 1961, bà Nhu tức giận cậu Cẩn đến tột độ. Tết năm đó phần kỵ giỗ cụ Ngô Đình Khả, bà Nhu quán xuyết tất cả. Tuy nói bà Nhu lo nhưng chỉ khổ cho bọn gia nhân phục vụ cho bà.

Giám đốc nghi lễ phủ tổng thống lo việc đặt mua những thức ăn, tập trung bồi bếp chuẩn bị đưa ra Huế phục dịch.

Ngày 29 Tết Âm lịch, ba chiếc máy bay Dakota C47 chở đầy dụng cụ, thức ăn, bồi bếp đáp xuống sân bay Phú Bài. Ba chiếc máy bay này người ta gọi là “Bà cố cúng quảy”.

Cậu Cẩn ngồi rung đùi, nhai trầu bỏm bẻm nói với bọn bầy tôi “có lo mới biết khổ, sướng hoài mô được”. Tết này, cái Tết mà cậu Cẩn ít lai vãng ở phòng khách nhất. Cậu quanh quẩn ngoài vườn với các chậu kiểng, những hòn non bộ hoặc nói chuyện với đồng hương.

Bà Nhu cũng thế dường như muốn tránh mặt cậu Cẩn. Cho nên thường lệ mỗi năm gia đình Ngô Đình chụp chung một bức hình nhưng năm này trong bức hình thiếu mặt bà Nhu. Đó là điều hục hặc tiên lộ hẳn sự bất đồng ý kiến giữa bà Nhu và cậu Cẩn.

Thật ra cậu Cẩn là một người khó tính. Cậu không ưa bà Nhu từ lâu. Cậu là cậu út, gia đình chiều chuộng nên bà Nhu cùng không làm gì được.

Tổng thống Diệm nể cậu Cẩn hơn ông Ngô Đình Nhu. Tổng thống Diệm thương kính cha mẹ. Cậu Cẩn phục dịch mẹ cả cuộc đời. Vì thế tổng thống Diệm ít khi nóng giận với cậu út. Cậu Cẩn biết vậy lại càng làm già bằng cách đòi cái chức cố vấn miền Trung.

Tổng thống Diệm cũng phải bằng lòng. Thật ra vào những năm đầu tại chức, tổng thống Diệm để cho cậu út cái chức vị làm. Vì vậy mà không lường được hậu quả tai hại này là bọn nịnh hót chế độ đều đổ xô ra Huế lạy lục cậu Cẩn xin cái này, cái nọ, chức tước kia. Ban đầu, cậu Cẩn tiến cử những người uy tín nhưng về sau toàn những bọ cầu danh, miệng lưỡi ngon ngọt, chỉ biết phục vụ cá nhân.

Thậm chí Trung ương bổ nhiệm tỉnh trưởng, quận trưởng Tư lệnh vùng nếu cậu Cẩn không bằng lòng thì kể như bỏ.

Uy lực mạnh như thế, nên ngôi nhà ở Phú Cam kẻ ra người vào tấp nập. Từ ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đăng, Thiếu tá phó tỉnh trưởng nội an Đặng Sĩ, Phó tỉnh trưởng tài chánh Nguyễn Công Hà, Thiếu tướng tư lệnh vùng Lê Văn Nghiêm ngày nào cũng ra mắt cậu ít nhất một lần.

Riêng bọn nịnh thần như trùm công an Hoàng Trọng Bá, Lê Hoát, Phan Quang Đông vào ra với cậu Cẩn không đếm được.

Cậu Cẩn coi những người làm việc dưới ta chẳng khác bọn nô bộc trong nhà. Như thế không có nghĩa là kiêu căng. Cậu lại thích những lời nịnh hót hơn là những lời nói thẳng. Theo thiển ý của tôi, những người ngay thẳng nói chuyện, cậu cho là khinh mạo, coi thường ông cố vấn chỉ đạo. Có thể nói rằng ngôi nhà cậu Cẩn là một Triều đình cho bọn quan lại tụ tập cầu danh với cậu.

(Còn tiếp)

Đọc thêm