Bí mật hé lộ sau màn đòi chia thừa kế

(PLO) - Trong lần giỗ hết tang mẹ vừa qua, mọi người tụ họp đông đủ, bất ngờ người con gái ở TP.HCM đề xuất là mảnh đất này cần chia đều cho anh em trong nhà, do đây là của mẹ để lại. 
Bí mật hé lộ sau màn đòi chia thừa kế
Văn phòng của một nữ luật sư nhận dịch vụ pháp lý đòi chia thừa kế ở một huyện miền núi phía bắc. Người đại diện cho 4 anh em đến Văn phòng thuê luật sư sống tại Hà Nội. Đó là một người đàn ông điển trai, đĩnh đạc, công tác tại một Bộ lớn. Ông được các anh em đang công tác ở xa ủy quyền đòi chia thừa kế. 
Vụ việc khá đơn giản, mảnh đất 3000 mét vuông ông cụ bố đẻ cùng vợ chồng người con thứ 2 đang ở, bà mẹ mất vừa đoạn tang. Trừ người con trai đang ở cùng với bố thì 4 người còn lại đều sinh sống, công tác ở nơi khác rất xa, giờ họ đòi phần thừa kế của mẹ để lại. Cứ theo quy định pháp luật thì việc chia các kỷ phần thừa kế khá dễ dàng, khúc mắc ở đây là ông cụ không chịu.
Nữ luật sư thấy có cấn cá về mặt đạo lý, bà quyết định về tận nơi xem xét. Một ngôi nhà cấp bốn khang trang trong một khuôn viên trồng hoa và cây cảnh được chăm sóc cẩn thận. Chủ nhân ngôi nhà, một cụ ông vóc hạc, dáng mai có đôi mắt tinh anh, nụ cười hiền hậu tiếp bà. Cái cơ ngơi bề thế, đẹp đẽ cùng vườn cây, ao cá này là do công sức của hai cụ và vợ chồng đứa con trai thứ hai làm nên. 
Những người con còn lại đều học hành tử tế và giờ đã thành đạt và có gia đình sung túc. Riêng vợ chồng người con thứ hai này là nông dân, ở nhà chăm sóc bố mẹ đồng thời chăm lo việc thờ cúng vì cụ là trưởng của một dòng họ. Trong lần giỗ hết tang mẹ vừa qua, mọi người tụ họp đông đủ, bất ngờ người con gái ở TP.HCM đề xuất là mảnh đất này cần chia đều cho anh em trong nhà, do đây là của mẹ để lại. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Luật sư tiếp xúc với vợ chồng người con thứ hai, họ chất phác, khỏe mạnh, đặc biệt là anh con trai vạm vỡ, râu tóc rậm rạp, khác biệt hẳn với ông bố thư sinh. Họ cũng đồng ý là tài sản của mẹ để lại, các anh em đòi chia thì họ phải chịu, riêng chị vợ thì khóc, chị bảo đất chia hết thì lấy gì nuôi bố, nuôi con. Bố chồng chị gay gắt, chửi đứa con gái là vô luân, do vậy tình hình căng thẳng, họ cố tình đòi chia cho được, mặc dù chẳng cần gì đến thứ được chia đó.
Ông cụ nói với nữ luật sư là dù có chết cụ cũng không chia và giữ bằng được đất này cho thằng con có hiếu, bấy nay phụng dưỡng cụ, cho các đứa cháu nội đang ở cùng mang lại niềm vui tuổi già cho cụ. Một sự thật mà cụ chỉ tiết lộ cho riêng luật sư biết là đứa con này không phải của cụ mà do lầm lỡ của bà với người nam đồng nghiệp khi cụ đi công tác biệt phái phía Nam xa nhà một thời gian dài. 
Luật sư giật mình hỏi cụ bà khi còn sống có biết chuyện này không? Cụ cười hẳn là bà ấy biết tôi đã rõ chuyện nhưng cả hai cứ lờ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra, tôi đối xử với nó cũng không phân biệt nên anh em nó cũng không biết chuyện này!
Cảm phục ông cụ, nữ luật sư đã làm hết sức mình, từ chối món tiền thù lao để thuyết phục 4 anh em còn lại tự nguyện dành phần thừa kế đó tặng cho người đang ở với bố. Riêng cô em gái giàu nứt đố, đổ vách không chịu nên anh em trong nhà cùng bỏ tiền ra mua lại kỷ phần thừa kế của cô, tặng cho vợ chồng người con thứ hai. Và, ông cụ đã sống tuổi già viên mãn với đứa con không phải giọt máu của mình! 

Đọc thêm