Bí quyết trường thọ của ba chị em trên 100 tuổi

(PLO) - Cùng sống đói nghèo, sớm chịu cảnh góa phụ, phải một mình nuôi đàn con, nhưng ba chị em cụ bà Thoại, Mưu, Mùi lại sống trường thọ. Hiện nay, dù đã trên 100 tuổi nhưng ba cụ vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, tinh thần luôn lạc quan. Nhiều người bất ngờ về bí quyết sống trường thọ của ba chị em họ Lê này.
Cụ Mưu cười móm mém khi được hỏi bí quyết sống thọ
Cụ Mưu cười móm mém khi được hỏi bí quyết sống thọ

Gia đình trường thọ

Về xã Lý Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) hỏi thăm ba chị em ruột có tuổi cao nhất nhì cả nước, hầu như ai cũng biết, cũng ngưỡng mộ sức khỏe, sự minh mẫn của các cụ. Đó là ba cụ bà Lê Thị Thoại (109 tuổi), Lê Thị Mưu (107 tuổi) và cụ Lê Thị Mùi (104 tuổi).

Hôm người viết đến thăm nhà, cụ Mưu vừa được đứa chắt biếu hộp bánh mềm. Ngồi trước cửa nhà, cụ móm mém ăn một cách ngon lành. Ông Lê Anh Đào (68 tuổi, người con thứ 3 của cụ) cho hay đó là món ăn yêu thích của mẹ mình. “Dù răng không còn nhưng mỗi ngày mẹ luôn ăn cơm điều độ, ít khi bỏ bữa. Cứ chiều chiều nhạt miệng mẹ lại lôi quà vặt ra ăn”, ông Đào nói về sở thích ăn uống của mẹ. 

Theo ông Đào, gia đình ông bà ngoại có 7 người con, 3 trai, 4 gái. Hiện 4 người đã mất, chỉ còn 3 chị em gái đang sống. Điều đặc biệt là các cậu, các cô của ông Đào đều sống thọ, mất khi đã trên dưới 100 tuổi.

Theo giấy tờ tùy thân mà gia đình còn lưu lại, cụ bà Lê Thị Mưu sinh năm 1911, năm nay 107 tuổi. Năm 1950, chồng cụ Mưu hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nghĩa Lộ (Yên Bái). Thời điểm chồng mất, cụ đang mang thai ông Đào. Cụ Mưu một mình vượt cạn, chăm sóc ba đứa con trong khổ cực, đói nghèo. 

Với anh em ông Đào, đó là những tháng ngày không thể nào quên. Ông Đào vẫn còn nhớ như in những ngày ba anh em được mẹ dắt sang gửi nhà dì Mùi để mẹ lên nông trường mót củ khoai, củ sắn. “Có lần mẹ quang gánh đi 3 ngày liền mới về. Mấy anh em tôi chỉ biết ngồi trông ngóng mẹ. Những ngày tháng gian khổ ấy luôn ở mãi trong ký ức chúng tôi”, ông Đào nhớ lại. 

Dù chồng đã hy sinh nhưng cụ Mưu vẫn để người con đầu nhập ngũ. Năm 1967, người con cả của cụ cũng hy sinh khi tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường B. Hai người con trai còn lại (trong đó có ông Đào - PV) cũng bị thương trong cuộc chiến tranh này. Với những hy sinh, đóng góp lớn lao cho đất nước, cụ Lê Thị Mưu đã được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đến nay, không kể cháu, cụ đã có 19 chắt và chuẩn bị có chút. Các cháu đa số đi làm ăn xa, nhưng mỗi lần về quê, cụ Mưu đều nhớ rõ tên mỗi đứa. Tại những cuộc đoàn tụ ấy, cụ không quên căn dặn cháu chắt chăm lo học tập, sống có ích cho quê hương, đất nước.

Điều đặc biệt là dù tuổi cao, nhưng cụ Mưu ít khi ốm đau vặt. Cách đây hơn tháng, do trời nắng nóng nên cụ phải nhập viện điều trị suy nhược. “Đó là lần đầu tiên mẹ tôi phải nằm viện hơn tuần. Còn bình thường, bà rất ít ốm đau, mà khi nào mệt mỏi chủ yếu điều trị bằng mấy lá thuốc nam trong vườn”, ông Đào cho biết. 

Cách nhà cụ Mưu chưa đến 100m là căn nhà của người chị cả, cụ bà Lê Thị Thoại. Cụ cũng có cuộc sống lam lũ khi sớm chịu cảnh góa phụ. Chồng mất khi đứa con út chưa kịp chào đời, một tay cụ nuôi nấng, chăm sóc ba đứa con ăn học, nên người. Dù vậy, đến nay đã 109 tuổi, nhưng cụ Thoại vẫn khỏe mạnh, minh mẫn không kém các em. Hiện cụ bà đang sống cùng với gia đình con trai đầu.

Cụ Thoại (bên trái) bên người con dâu 75 tuổi
Cụ Thoại (bên trái) bên người con dâu 75 tuổi

Người con dâu Vũ Thị Lưu (75 tuổi) cho hay, dù tuổi đã cao, nhưng mẹ rất thích làm việc, sống sạch sẽ, ngăn nắp. “Nhiều hôm mẹ còn ra vườn nhặt củi, đem vào để gọn gàng trong hộp bàn, dự trữ củi cho mùa đông. Lo lắng cho sức khỏe của mẹ, chúng tôi có ngăn nhưng hễ thấy mọi người đi vắng là mẹ lại ra vườn”, lời bà Lưu.

Cụ bà còn khiến nhiều người ngạc nhiên khi hiện vẫn tự lo vệ sinh cá nhân, cơm nước mà không cần người phụ giúp. Gian nhà nhỏ hàng ngày cụ đều tự tay quét sạch sẽ. Con cháu trong nhà cho hay, dù cuộc sống khó khăn, nhưng cụ Thoại luôn vui vẻ, sống lạc quan, hòa đồng với mọi người. Cụ rất ít khi đau ốm và từ khi bà Lưu về làm dâu đến nay đã gần 50 năm, nhưng chưa thấy cụ ốm đau phải nằm viện lần nào. Cụ Thoại móm mém khoe, mới đây cụ đã lên chức khi có chút. 

Người em út tên là Lê Thị Mùi năm nay cũng đã 104 tuổi. Cụ Mùi đang sống với người con trai, cuộc sống khá khó khăn. Lưng còng, bước đi phải chống gậy nhưng cụ Mùi rất minh mẫn, vẫn nhận biết được hầu hết người trong làng. Vài năm trước, cụ vẫn thường chống gậy đi thăm hai chị gái. 

Bí quyết trường thọ

Hiện ba cụ đều sống trong một làng. Vì tuổi cao nên số lần gặp nhau không nhiều như lúc trước. Tuy nhiên, một năm các cụ cũng gặp nhau ít nhất vài lần vào các dịp lễ tết, ngày giỗ. Trong những buổi gặp gỡ, ba chị em không ngừng hỏi thăm sức khỏe, ôn lại kỷ niệm về những ngày gian khó.  

Trong ba cụ, cụ Mưu có sở thích ăn uống khác nhất. Cụ không ăn canh, rất hiếm khi ăn cháo. Hàng ngày món ăn yêu thích của cụ là cơm với thịt xay nhỏ. Ông Đào cho biết, mẹ mình có thể ăn như vậy suốt tháng. Sợ mẹ ngán và thiếu chất, gia đình ông có đổi món nhưng chỉ nếm qua vài thìa là cụ bà lại lắc đầu. Thấy vậy, con cháu trong nhà đành chiều theo sở thích ăn uống của cụ. Vợ chồng ông Đào cho hay, có thể lối sống nguyên tắc thể hiện qua món ăn là bí quyết để cụ Mưu sống thọ. 

Cụ Thoại chuyên nhặt củi “tích trữ” trong phòng
Cụ Thoại chuyên nhặt củi “tích trữ” trong phòng

Riêng với hai cụ còn lại, các cụ lại không tuân thủ theo nguyên tắc nào. Con cháu cho hay, các cụ rất dễ tính trong việc ăn uống. Hàng ngày con cháu nấu cho thức ăn gì thì hai cụ vui vẻ thưởng thức món ấy. Ngoài ăn cơm vào bữa chính, các cụ còn có sở thích chung là ăn các loại bánh bông lan và uống nước chè xanh. Đặc biệt, các cụ không bao giờ uống rượu bia, không nước ngọt, không hằn thù một ai. Cuộc sống của các cụ luôn vui vẻ, tâm lý thoải mái, làm việc nhiệt tình.

Một tính cách chung của ba cụ mà hầu như ai đến tiếp xúc cũng nhận ra là các cụ rất yêu đời, luôn sống lạc quan, rất ít khi quát mắng con, cháu, chắt trong nhà. Các cụ vẫn thuộc lòng các bài dân ca Nghệ Tĩnh và thường hát khi nghe ai gợi ý hoặc để nhắc nhở con cháu sống tròn bổn phận. 

Ông Đào kể chuyện: “Mỗi khi thấy không hài lòng, giận con cái, mẹ tôi thường đưa bài “Phụ tử tình thâm”, một bài hát dặm cổ của người Nghệ Tĩnh ra hát. Trong đó, bà hát to và nhấn rất mạnh những câu từ nói về công lao nuôi con của cha mẹ, ý nhắc nhở con cháu phải biết thương kính cha mẹ. Tuổi cao, nhưng bà luôn nhắc nhở con, cháu, chắt cách sống, làm người sao cho phải đạo”.

Với người dân nơi đây, họ thường ví ba cụ bà như ba cây cổ thụ của làng. Lối sống cùng tính cách ôn hòa, vui vẻ với mọi người là những đức tính mà người dân nơi đây luôn lấy các cụ để làm gương. 

Ông Lê Doãn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Thành, huyện Yên Thành cho hay, hiện tại xã cũng có một số cụ cao tuổi, nhưng việc ba chị em gái cùng sống thọ trên 100 tuổi như cụ Thoại, cụ Mưu, cụ Mùi thì chỉ có một. Nếp sống nền nã, lạc quan, hòa nhã của cụ là niềm tự hào không chỉ của dòng họ mà còn của người dân nơi đây.  

Đọc thêm