Biệt đội vá đường từ thiện

(PLO) - Khi gà chưa gọi sáng, những người thanh niên trong “biệt đội” vá đường trên cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã tề tựu, hì hục chuẩn bị hành trang cho công việc lặng thầm dặm vá đường từ thiện... 10 năm qua họ đã vá gần 30km, xây dựng và sửa chữa gần 100 cây cầu nông thôn, đảm bảo an toàn người dân tham gia giao thông. 
Các thành viên của Đội dặm vá đường từ thiện trong một buổi làm việc.
Các thành viên của Đội dặm vá đường từ thiện trong một buổi làm việc.

Không chỉ ở trên cù lao mà đội vá đường còn mở rộng sang vá những con đường ở Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang... Ghi nhận sự đóng góp và việc làm ý nghĩa của đội, chính quyền địa phương cùng các cơ quan đã trao tặng nhiều bằng khen và kỉ niệm chương. Đặc biệt là Bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho đội…

Từ suy nghĩ đến hành động

Nói về đội dặm vá trên mảnh đất cù lao giữa dòng sông Hậu, là gắn liền với cái tên Trung, bởi anh Nguyễn Minh Trung (32 tuổi, ngụ phường Tân Lộc, TP Cần Thơ) là người “sáng lập” đội. Anh Trung sinh ra và lớn lên trên cù lao Tân Lộc, học hết lớp 6 đã phải nghỉ học về phụ giúp cha mẹ nuôi bò, ngày ngày đi cắt cỏ. Trên những chặng đường rong ruổi, anh phát hiện ra nhiều cung đường bị ổ gà, ổ voi hư hỏng gây khó khăn cho việc lưu thông của mọi người, đôi khi còn xảy ra tai nạn. 

Chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm anh mong muốn làm một điều gì đó. Rồi một ngày, anh chợt nghĩ sẽ bắt đầu vá lành những con đường. Thế là anh biến suy nghĩ thành hành động. Người dân nơi đây thường xuyên bắt gặp hình ảnh chàng thanh niên gầy gò chở bao xi măng trên chiếc xe đạp cà tàng đi vá đường. Dành dụm được bao nhiêu tiền, Trung đều dùng để mua xi măng và dụng cụ.

Ban đầu, cha mẹ anh Trung không mấy hài lòng việc làm của anh, lối xóm xì xào về việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Dù buồn nhưng anh không hề nản chí. Anh kiên trì, lặng lẽ dặm vá đường giúp ích cho người dân tại cù lao của mình. Dần dà, nhận thấy được sự hiệu quả và ý nghĩa từ việc làm của Trung, cha mẹ anh tạo mọi điều kiện cho anh làm việc nghĩa, bà con lối xóm người góp tiền cho anh mua xi măng, cát đá và dụng cụ. Rồi nhiều thanh niên, các bác, các chú đã tìm đến tham gia và đội dặm vá đường từ thiện hình thành.

Đội bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2007. Nhưng chính thức đến năm 2012, đội dặm vá đường trên cù lao Tân Lộc mới được thành lập với khoảng 12 người. Cho đến nay số lượng đã lên đến hơn 30 người, ít ai ngờ thành viên của đội chỉ là những người nông dân “chân lấm tay bùn”, những cụ già, thanh niên sinh sống trên cù lao Tân Lộc. Chính cái nguyện vọng mong muốn giúp ít cho cộng đồng, xã hội đã gắn kết họ thành một đội. 

Những người thợ không phân biệt tuổi tác!

Thành viên của đội rất đa dạng từ thanh thiếu niên đến những cụ đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”. Em Nguyễn Văn Linh (16 tuổi) là thành viên nhỏ tuổi nhất của đội cho biết: “Nhà em khó khăn nên em phải nghỉ học sớm, ở nhà em cũng không đi làm, lại thấy việc làm ý nghĩa của các chú, các anh trong Đội dặm vá đường vậy là em theo mấy chú, mấy ảnh luôn” - vừa nói Linh vừa tưới ca nhựa đường vào những ổ gà trên mặt đường.

Thành viên cao tuổi nhất của Đội là cụ ông Lê Văn Ưởng (84 tuổi) nhưng vẫn theo con cháu ngày ngày đi làm việc nghĩa. Thậm chí lại phải đi mổ mắt nhưng ông nhất quyết không chịu ở nhà nghỉ ngơi. “Tối nay tui mới đi lên Sài Gòn mổ mắt, bữa nay theo con cháu làm được bao nhiêu thì làm; chứ mổ mắt xong rồi nằm ở nhà nghỉ khó chịu lắm! Đi vá đường với mấy cháu cho vui cho khỏe, già rồi làm gì có ích cho xã hội thì mình làm” - cụ Ưởng nói. 

Điều thật bất ngờ là cả đội không ai làm thợ xây dựng hay làm cho một công ty nào cả. Các thành viên trong đội tự mày mò học cách trộn xi măng, trộn hồ, rồi nấu nhựa đường... các bước tráng đường, mà thành viên tích cực nhất là đội trưởng Trung. Trụ sở của đội là căn nhà cấp 4 của Trung, phương tiện của đội chẳng có xe ben, xe tải mà chỉ là một chiếc xe ba gác dùng để chở các dụng cụ của đội. Thế mà những người con miền Tây ấy, đã âm thầm dặm vá cho hơn 30km con đường, xây mới khoảng 48 cây cầu, nới rộng sửa chữa cho 54 cây cầu khác trong suốt 10 năm qua, tất cả chỉ bằng tấm lòng thiện nguyện.

Ông Lê Văn Năm (ngụ phường Tân Lộc) cho biết: “Việc làm của đội dặm vá đường rất đáng trân trọng, những người này không nghĩ đến bản thân, làm cho xã hội, cho người dân có con đường sạch sẽ, an toàn. Đội đến vá đường, làm cầu khu vực nào là bà con nơi đó cũng tự giác tiếp tế đồ ăn, nước uống cho anh em trong đội. Đội không chỉ vá đường, cơi nới cầu tại địa phương mà còn sang hỗ trợ cho các khu vực bạn hoặc xa hơn như khu vực Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang… Cuộc sống của anh em trong đội đa phần nghèo, địa phương luôn tạo mọi điều kiện tối đa cho đội hoạt động. Đối với những công trình lớn như xây dựng cầu, nhận thấy thiếu kinh phí, sẽ vận động bà con quyên góp phụ thêm. Nếu sử dụng không hết sẽ gửi lại cho đội làm kinh phí hoạt động”. 

 Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, Nguyễn Trọng Ngọc cho biết: “Đội thành lập đến nay hơn 10 năm, kể từ khi Trung có ý tưởng. Hiện Nguyễn Minh Trung đang là Bí thư Chi đoàn khu vực, có thể nói việc làm này được xem như là tấm gương cho các lớp thanh thiếu niên noi theo. Mỗi dịp lễ tết, địa phương thường tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các thành viên trong đội và luôn hỗ trợ về mọi mặt...”.

Đọc thêm