Bình phẩm công khai về phụ nữ: Đâu là giới hạn?

(PLO) - Không phải đến bây giờ khi một nhà báo dùng những lời bình phẩm thiếu chuẩn mực khi nói về ngoại hình của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Nie thì câu chuyện về vấn đề bình phẩm công khai về phụ nữ mới được đặt ra. Đây là một chuyện bình thường hay là một thói quen cần thay đổi? 
“Đồ vật hóa” phụ nữ và coi phụ nữ là món hàng, là đồ ăn để “chén” đã gây ra những câu chuyện đau lòng như phụ nữ bị cưỡng hiếp, phụ nữ bị chính gia đình, người ngoài, xỉ nhục hành hạ, kỳ thị
“Đồ vật hóa” phụ nữ và coi phụ nữ là món hàng, là đồ ăn để “chén” đã gây ra những câu chuyện đau lòng như phụ nữ bị cưỡng hiếp, phụ nữ bị chính gia đình, người ngoài, xỉ nhục hành hạ, kỳ thị

Bị phạt gần 1 tỷ đồng vì xúc phạm phụ nữ

Trên thế giới, chuyện các lãnh đạo phải đăng đàn xin lỗi vì “nhỡ mồm” dùng những từ ngữ không phù hợp khi nói về phụ nữ không phải là hiếm. Nói về tình trạng phụ nữ bị xâm hại tình dục, lãnh đạo một quốc gia châu Á đã từng nói: “Phụ nữ xấu thì sẽ an toàn hơn vì không bị xâm hại”. Ông này sau đó đã phải đăng đàn xin lỗi. 

Hàn Quốc là nơi các thần tượng âm nhạc rất được tôn sùng, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ không bị phản ứng khi có xúc phạm phụ nữ, thậm chí là còn bị phạt với mức phạt cao nhất. Trên chương trình Show Me The Money 4, ca sĩ Song Mino bị chỉ trích dữ dội về những lời rap khiếm nhã, động chạm tế nhị tới phụ nữ: “Hãy dạng chân ra như lúc ở trong phòng khám phụ khoa”. Câu rap này khiến giới nữ cảm thấy bị xúc phạm, cư dân mạng của Hàn cũng cho rằng đây là một hành động không thể chấp nhận nổi. Nam ca sĩ đã lên Facebook để lại lời xin lỗi nhưng vụ việc vẫn không được tha thứ và Uỷ ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc phạt ở mức cao nhất 50 triệu won (gần 1 tỷ đồng). 

Ở một diễn biến khác, BST là nhóm nhạc gồm 7 thành viên của Hàn Quốc đã bị phàn nàn vì có một số ca khúc sử dụng câu từ không phù hợp, đụng chạm hay thậm chí là xúc phạm phụ nữ như ca từ “Phụ nữ là món quà tuyệt vời nhất” trong bài hát War of Hormones được cho là “vật thể hóa phụ nữ”. Rất nhiều fan của nhóm nhạc đã gửi thư tới công ty chủ quản Big Hit của nhóm nhạc. Trước đòi hỏi này từ người hâm mộ, Big Hit lên tiếng công nhận rằng một số lời bài hát có định kiến với phụ nữ dù không phải ý định của tác giả và xin lỗi người hâm mộ vì điều này.... 

Là chuyện bình thường hay thói quen cần thay đổi?

Không phải đến bây giờ khi một nhà báo dùng những lời bình phẩm thiếu chuẩn mực khi nói về ngoại hình của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Nie thì câu chuyện mà vấn đề bình phẩm công khai về phụ nữ ở Việt Nam mới được đặt ra. Trước đó đã lâu, như một thói quen, nhiều người Việt, nhất là đàn ông cho rằng mình có quyền “bình luận vô tư” về phụ nữ ở đủ mọi phương diện ngoại hình, tính cách, công việc... mà không cần biết cảm xúc của đối tượng bị bình luận là thế nào. 

Mới đây nhất trên truyền thông có hai vụ việc được nhắc đến nhiều, đó là chuyện của một cô dâu khen nhà chồng tốt, vì chăm con nhỏ nên cô lỡ ngủ quên tới 9h sáng trong khi nhà chồng đang có cỗ mà vẫn được thông cảm, không mắng mỏ gì và câu chuyện cô thợ may ở Hồ Tây, HN bị một người nước ngoài tạt xăng thiêu bỏng đến 70% vì từ chối tình yêu. Đọc những dòng bình luận phía dưới bài báo có thể cảm thấy rùng mình về độ tàn nhẫn của một bộ phận người trong xã hội: “Cô con dâu này đáng bỏ trôi sông sớm vì loại lười thế này trước sau gì cũng cắm sừng chồng”; “Làm gì có thứ đàn bà nào từ chối tình yêu của thằng ngoại quốc, chẳng qua đào mỏ nó quá nên nó uất mới thiêu chết thôi”...

Từ thực tế trên, hàng loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh vấn đề bình phẩm công khai về phụ nữ như: đây là một chuyện bình thường hay là một thói quen cần thay đổi; phát ngôn thế nào về phụ nữ là văn minh; văn minh này cần được xây dựng từ thái độ ứng xử trong lời ăn tiếng nói, trong các dòng trạng thái trên mạng xã hội hay lâu dài hơn là từ các giá trị sống?. Để trả lời câu hỏi này, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề “Bình phẩm công khai về phụ nữ - giới hạn và đạo lý”.

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA khẳng định: “Hoa hậu H’hen Nie không phải là người đẹp đầu tiên phải hứng chịu những lời lẽ cay nghiệt từ cộng đồng mạng sau khi đăng quang. Vụ việc hoa hậu bị “sỉ nhục”, bình phẩm trên mạng xã hội chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi ở ngoài đời sống, có biết bao nhiêu người phụ nữ cũng dễ dàng trở thành “món đồ” để người khác miệt thị, bình phẩm ác ý như “chén”, “hàng”, “ngon quá”...

Có hơn 20 năm làm việc với những người phụ nữ bị tổn thương ở nhiều góc khuất khác nhau, bà Nguyễn Vân Anh không khỏi đau đáu trước việc những nạn nhân nữ bị cưỡng hiếp, phụ nữ bị chính gia đình, người ngoài, xỉ nhục hành hạ, kỳ thị… “Đồ vật hóa” phụ nữ và coi phụ nữ là món hàng, là đồ ăn để “chén” đã gây ra những câu chuyện đau lòng như vậy” - bà Vân Anh nhận định.

Nói về hiện tượng “vật thể hóa phụ nữ” ông Đặng Ngọc Quang nghiên cứu viên xã hội học cho rằng tình trạng này khá phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Vật thể hóa phụ nữ được hiểu là cách đối xử với phụ nữ như một hàng hóa, vật phẩm mà không coi họ như một nhân cách hay phẩm giá.

Không chỉ bị vật thể hóa mà phụ nữ còn bị vật hóa về tình dục tức là bị coi như một công cụ đáp ứng khoái cảm dục tính. Theo ông Quang môi trường diễn ra hiện tượng “vật thể hóa phụ nữ”  và “vật hóa về tình dục” ở rất nhiều nơi như: cơ sở kinh doanh (để quảng cáo hàng hóa), ngoài phố (huýt sáo trêu ghẹo, bình phẩm); báo chí truyền hình phim ảnh âm nhạc; mạng xã hội; các cuộc thi sắc đẹp; công sở...

“Nguyên nhân là do định kiến xã hội “làm hoa cho người ta hái làm gái cho người ta trêu”; bất bình đẳng giới coi phụ nữ là công cụ, là sở hữu của đàn ông; động cơ của một số ngành kinh doanh gợi liên hệ tình dục để bán hàng... Phụ nữ bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, thể chất và có nguy cơ bị xâm hại thể chất, tinh thần, tình dục” – ông Quang phân tích. 

Đọc thêm