Bộ Công an: Nạn bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp

(PLVN) - Bộ Công an trong báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV cho hay, thời gian qua, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nhiều, nhất là tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội.
Công an lấy lời khai một đối tượng xâm hại trẻ em tại TP HCM
Công an lấy lời khai một đối tượng xâm hại trẻ em tại TP HCM

Triển khai đồng bộ các biện pháp  

Theo báo cáo, thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về xâm hại phụ nữ, trẻ em, Bộ Công an đã tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an, đặc biệt Công an cấp xã, ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố của người dân, của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa để nắm tình hình, ngăn chặn và phát hiện kịp thời các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em; hướng dẫn các kỹ năng thu thập tài liệu chứng cứ ban đầu nhằm nhanh chóng khởi tố điều tra; hướng dẫn các kỹ năng làm việc, kỹ năng điều tra thân thiện đối với trẻ em là nạn nhân, nhân chứng trong vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Tuy nhiên, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nhiều, nhất là tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi tiếp tục gia tăng. 4 tháng đầu năm 2020, số vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi tăng 29,84% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 61,22% tổng số vụ hiếp dâm, gây bức xúc trong xã hội. Đã xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai. 

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm xâm hại trẻ em nêu trên, Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp tấn công trấn áp tội phạm, giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tổ chức các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chuyên đề; trọng tâm trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em.

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an cũng đã ra văn bản yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các ngành chức năng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, thực hiện “Hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi” theo Quyết định số 8316/QĐ-BCA-C02 của Bộ Công an...

Công an các đơn vị, địa phương có nhiệm vụ tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình, khảo sát, đánh giá, xác định diện trẻ em thường bị bạo lực, xâm hại; xác định các hành vi bạo lực, xâm hại có nguyên nhân từ bản thân các em, gia đình, nhà trường, xã hội để tuyên truyền, thông báo cảnh giác phòng tránh; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Đồng thời, cần tiếp nhận kịp thời tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; khẩn trương xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân; tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, phối hợp VKS và Tòa án các cấp truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án trọng điểm để răn đe, phòng ngừa chung…

Nhiều trường hợp chưa được phát hiện kịp thời

Trước đó, dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” được đưa ra thảo luận tại phiên họp tháng 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, tình hình đang có những vấn đề rất đáng báo động. 

Từ 1/1/2015 đến 30/6/2019 cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Số trẻ em lao động trái pháp luật lên tới 790.518 trường hợp, 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ 15 tuổi tảo hôn. 

Theo thống kê, cả nước có 337 trẻ bị tử vong; 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật; 180 trẻ phải bỏ học. Các trẻ em khác bị xâm hại đều phải gánh chịu những tổn hại về thể chất, tinh thần với những mức độ khác nhau. 

Dự thảo báo cáo kết quả giám sát cũng cho hay, qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.

Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác khám chữa bệnh, giám định với trẻ em bị xâm hại. Điển hình, sự phối hợp giữa một số cơ sở y tế với các cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ; một số trường hợp bị xâm hại tình dục đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh nhưng các cơ sở y tế không thông báo cho cơ quan chức năng để trưng cầu giám định, không thu giữ, bảo quản mẫu vật để giám định gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý sau này. Bên cạnh đó, kỹ năng tư vấn, khai thác bệnh, sàng lọc phát hiện trẻ bị xâm hại của nhân viên y tế còn hạn chế. 

Một số hạn chế trong công tác giám định đối với trẻ em bị xâm hại được chỉ ra như việc giám định thường chậm, kéo theo việc xử lý, giải quyết kéo dài gây mệt mỏi, thậm chí gây hoài nghi cho người dân. 

Ngoài ra, nhiều trường hợp cơ quan giám định không thể thực hiện được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tố tụng vì nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em phát hiện muộn hoặc đưa đi giám định muộn nên khi đến cơ sở giám định nhiều trường hợp đã bị mất dấu vết hoặc dấu vết tổn thương cơ thể đã hồi phục, không còn vết tích của sự xâm hại...

Đọc thêm