Bố, mẹ đơn thân - hạnh phúc hay cam chịu khổ đau?

(PLO) - Bố đơn thân, mẹ đơn thân thường gặp nhiều khó khăn, vất vả trong việc nuôi dạy con cái hơn mẫu gia đình truyền thống. Tuy nhiên, nhiều ông bố, bà mẹ chấp nhận đơn thân nuôi con, nhất định không cam chịu cuộc sống khổ đau, bất hạnh không khác gì địa ngục…
Bố, mẹ đơn thân - hạnh phúc hay cam chịu khổ đau?

Mô hình bố, mẹ đơn thân ngày càng gia tăng

Không chịu nổi cú sốc bị vợ “cắm sừng”, anh Nguyễn Mạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) ly hôn vợ. Trước khi ra tòa, anh bảo với vợ mình sẽ nuôi cả hai đứa con. Nghe chồng nói vậy, chị Minh (vợ anh Mạnh) chấp nhận luôn. Bởi chị muốn được tự do mà không vướng bận gì khi đến với người đàn ông chị yêu.

Với chị Mỹ Hạnh (Đống Đa, Hà Nội), khi ly hôn chồng, chị thuê luật sư để tìm cách giữ quyền nuôi hai đứa con chung của hai người. Chị không muốn hai con của chị bị chia rẽ tình cảm. Hơn nữa, chị sợ nếu con trai chị sống với bố sẽ bị nhiễm tính ích kỷ, gia trưởng…

Chị Hạnh bảo: “Giải thoát được thì phải giải thoát ngay. Mình cũng đi làm, thậm chí kiếm được nhiều tiền hơn vậy mà chẳng được chồng tôn trọng, yêu thương. Lúc nào anh ta cũng kể lể, ra điều là vợ phải phục dịch, nghe chồng răm rắp mà chẳng quan tâm vợ đang nghĩ gì, cần gì. Sống ngột ngạt, khổ đau quá thì phải đường ai nấy đi thôi. Tội gì tội gì phải cam chịu cảnh sống ngột ngạt, khổ đau như thế…”.

Không riêng anh Mạnh, chị Hạnh, hiện nay rất nhiều người vợ, người chồng khi rơi vào cảnh “đồng sàng dị mộng”, sống bằng mặt mà không bằng lòng, không tìm được điểm chung, họ quyết định ly hôn. Điều này khiến tỷ lệ ly hôn ở nước ta gia tăng, để rồi mô hình gia đình bố đơn thân, mẹ đơn thân nuôi con ngày càng nhiều.

Được biết, trên thế giới đã, đang có 3 mô hình gia đình: bố, mẹ và con; bố đơn thân, mẹ đơn thân nuôi con; người độc thân. 
Mô hình bố đơn thân, mẹ đơn thân nuôi con đã bắt đầu phát triển ở TP. HCM, đặc biệt trong lĩnh vực giải trí. Nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc sống hiện đại, người vợ, người chồng thiếu thời gian dành cho nhau, khó có thể chấp nhận hi sinh vì nhau.

Giải pháp nuôi dạy con cho bố, mẹ đơn thân

Theo một số chuyên gia, mặt được của mô hình gia đình đơn thân chính là người bố, người mẹ được sống cuộc sống tự do, sống theo ý muốn của mình mà không lệ thuộc, cung phụng, hầu hạ ai… 
Tuy nhiên mô hình gia đình đơn thân lại ẩn chứa nhiều hệ lụy xấu với con cái của ông bố, bà mẹ đơn thân. Bởi trẻ không nhận được sự giáo dục hoàn chỉnh dù bố hay mẹ đơn thân có tốt đến mấy. Người mẹ là người dạy cho con lòng nhân ái, tính nhân văn, yêu thương con người. Người bố là người định hướng, dạy con tính mạnh mẽ, độc lập trong cuộc sống. Thiếu một trong hai người đứa bé không thể nào phát triển hoàn chỉnh.

Để nuôi dạy con tốt, những người cha, người mẹ đơn thân phải xác định rõ tư tưởng, quan điểm ngay từ đầu “đơn thân nuôi con vô cùng khó khăn, vất vả”. Bên cạnh đó, họ phải trang bị những kiến thức còn khuyết. Ví dụ bố đơn thân nuôi con phải nhớ mình không thể nào thay thế được người mẹ, đặc biệt trong việc nuôi dạy con gái. Tuy nhiên, người bố vẫn có thể dạy con gái chất nữ tính, hiền hậu, nhăn văn trong cuộc sống. Rất nhiều người bố làm được điều ấy.

Ngược lại, mẹ đơn thân nuôi dạy con trai cần đọc nhiều sách tham khảo, tham gia các lớp hướng dẫn cách nuôi dạy tốt và đừng bao bọc con quá. Bởi người mẹ thường chiều chuộng, bao bọc con cái quá mức khiến chúng bị dựa dẫm, lệ thuộc nên dễ yếu đuối và như thế không rèn được sự kiên định, mạnh mẽ của đàn ông.

“Cả cha, mẹ đơn thân cần phải “vứt” con vào cuộc sống để con trải nghiệm. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn đề cao và coi trọng mô hình gia đình truyền thống bố, mẹ và con. Đây vẫn là mô hình gia đình tốt đẹp cần được duy trì vì mô hình này giúp những đứa trẻ định hướng, phát triển tốt.” – một tiến sỹ tâm lý cho biết.

Đọc thêm