Bố mẹ nhặt rác mua máu cầm cự sự sống cho hai con

(PLO) -  Từ 4h sáng mỗi ngày, vợ chồng chị Trần Thị Kiều (41 tuổi) và anh Hà Văn Bình (42 tuổi, ngụ 5M 38/1 ấp 5, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã rời căn chòi tạm bợ, đẩy chiếc xe rác cọc cạch đi khắp các con đường. Họ chắt chiu từng đồng tiền lẻ để mua máu, giữ lại tính mạng cho hai đứa con bệnh tật. 
Chị Kiều bên đứa con mắc căn bệnh quái ác.
Chị Kiều bên đứa con mắc căn bệnh quái ác.

Mỗi tháng phải thay máu một lần 

Cuối con đường ngoằn ngoèo trải đầy đá dăm, nhấp nhô những ổ gà ổ voi dẫn về ấp 5, xã Phạm Văn Hai, căn nhà của vợ chồng chị Kiều nằm lọt thỏm giữa bãi đất hoang, cây cối um tùm. Không gian xung quanh được tận dụng để chứa những đống rác chưa kịp đổ, cạnh đó là những chai nhựa ngổn ngang đã được phân loại. 

Nói là “nhà” cho sang, thực chất đó là một căn chòi lá lụp xụp đã quá cũ kỹ, mục nát, bên trong không có một đồ vật gì đáng giá, chỉ có chiếc giường cũ, chiếc quạt Trung Quốc mỗi vòng quay đều phát ra tiếng kèn kẹt. 

Chị Kiều quê ở huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), là con út trong gia đình có 11 người con. Bố mẹ chị hàng ngày đều phải quần quật trên nương rẫy nhưng vẫn không đủ sức nuôi đàn con nheo nhóc. Trong ký ức của chị, những bữa cháo nước, cơm độn khoai sắn thường trực mỗi ngày. Cũng như những người anh chị, chị Kiều phải nghỉ học từ bé để cắt cỏ chăn trâu, giúp cha mẹ cày cuốc mưu sinh. 

Năm 24 tuổi, chị gặp anh Bình (quê Long An, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) khi anh đến quê chị làm mướn. Không bao lâu sau họ nên duyên vợ chồng. Cuộc sống ở làng quê dù quần quật làm việc nhưng cái đói nghèo vẫn bám riết, vợ chồng dắt díu nhau xuống Sài Gòn mưu sinh. 

Để có chỗ chui ra chui vào, họ dựng một căn chòi lá giữa mảnh đất bốn bề hoang vu làm nơi trú ngụ. Thời gian đầu vợ chồng chị làm đủ nghề từ phụ thợ hồ đến chở hàng thuê, ai thuê gì làm nấy. Trong cảnh đói ăn thiếu mặc, hai đứa trẻ nối nhau ra đời. Tuy đói khổ, thiếu thốn nhưng trong gia đình nhỏ luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.

Niềm hạnh phúc ấy chẳng được bao lâu. Người mẹ nhớ lại, đứa con đầu lòng của chị tên là Hà Thị Thúy An được sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến khi bốn tuổi An vẫn gầy còm xác ve, nhỏ thó như đứa trẻ hai tuổi, da dẻ xanh xao, bụng phù lớn, kèm theo là những đêm khó thở, quấy khóc. Sấp ngửa ôm con đến bệnh viện thăm khám, vợ chồng chị nghe như sét đánh ngang tai khi hay tin An bị mắc căn bệnh “tan máu bẩm sinh do di truyền” (bệnh do hồng cầu chết sớm hơn bình thường gây thiếu máu trầm trọng cho cơ thể). 

“Bác sĩ khám xong là cho cháu nhập viện truyền máu luôn. Họ bảo nếu gia đình đưa đến bệnh viện muộn thêm chút nữa, sẽ không kịp cứu chữa. Lần truyền máu đó hết ba triệu, lúc đó trong người vợ chồng tui chỉ có gần 300 nghìn đồng. Chồng tui phải chạy về nhà vét hết từng nghìn tiền lẻ, mượn thêm xóm giềng để đưa đến viện cứu con”, người mẹ rưng rưng kể. 

An được may mắn cứu sống, nhưng các bác sĩ cho hay căn bệnh cô bé mắc phải không có cách chữa trị, chỉ cầm cự sự sống bằng phương pháp thay máu mỗi tháng một lần. Đau đớn như đứt từng khúc ruột, nhưng bất hạnh của gia đình vẫn chưa dừng lại ở đó.

Hôm sau, chị Kiều như ngất xỉu ở hành lang bệnh viện khi phát hiện đứa con trai thứ hai lúc đó mới bốn tháng tuổi cũng bị hành hạ bởi căn bệnh quái ác như chị gái. Cả hai đứa con, hai niềm hi vọng, nay như ngọn đèn leo lét bất cứ lúc nào cũng có thể phụt tắt. “Bác sĩ nói thay máu là phương pháp duy nhất, nhưng đến một thời điểm nhất định máu không còn được cơ thể hấp thụ tốt, khiến tuổi thọ của người bệnh bị thu ngắn lại rất nhiều”, chị cho hay. 

Thương hai con “số khổ”, hàng đêm chị đều ôm con vào lòng lặng lẽ giấu những giọt nước mắt vào lòng. “Còn nước còn tát”, đêm nào anh Bình cũng trằn trọc nghĩ cách kiếm tiền thay máu cầm cự sự sống từng ngày cho hai đứa nhỏ.

Nghề làm thợ hồ không kiếm được bao nhiêu, lại phải xa nhà thường xuyên, vợ chồng chị bàn bạc xin nhận đổ rác ở địa phương. Họ vừa đổ rác vừa nhặt ve chai, chắt chiu từng đồng để mỗi tháng một lần đưa hai con đến bệnh viện Truyền máu huyết học thay máu, mỗi lần như thế phải tiêu tốn đến hơn 6 triệu.

Căn bệnh quái ác

Từ ngày hai con bị bệnh, kinh tế gia đình chị Kiều càng trở nên khánh kiệt. Những năm đầu đưa con đi viện, vợ chồng chị phải chạy đi vay mượn, bữa ăn chỉ đạm bạc qua ngày. Căn nhà vách lá đã mục nát rách tả tơi, mái tôn thủng lỗ chỗ, trong nhà không khác gì ngoài trời. Hơn sáu năm trước, căn nhà lụp xụp đổ xuống sau một trận giông bão, bà con xóm giềng ai cũng thương tình, người góp công người góp của,  giúp vợ chồng chị dựng lại nhà. 

Lúc chúng tôi tìm đến ,chỉ có chị Kiều và người con trai Hà Chánh Hưng (12 tuổi) gầy còm khẳng khiu ở nhà. Người phụ nữ đôi mắt buồn cho hay, đã sắp đến ngày đưa hai con đi thay máu định kỳ nhưng vợ chồng chị vẫn chưa xoay đủ tiền nên anh Bình phải tranh thủ đi phụ xây lăng mộ, mong kiếm thêm ít tiền, còn đứa con gái lớn dù đau yếu bệnh tật vẫn cố gắng đến trường. 

Hình minh họa
Hình minh họa

Nói về căn bệnh quái ác của hai đứa con, người mẹ kể: “Từ ngày cả hai đứa con đều bị bệnh, hai bên nội ngoại khuyên vợ chồng tui ráng sinh thêm một đứa, nhưng vợ chồng tui sợ không dám sinh, bởi bác sĩ nói bệnh di truyền. Vợ chồng tui ai cũng khỏe mạnh, không có những biểu hiện bệnh, không hiểu sao sinh đứa con nào cũng mang số khổ”. 

Ánh mắt người mẹ có chút sáng lên khi kể “tuy bệnh tật nhưng cả hai đứa nhà tui đều ngoan ngoãn, học giỏi. Bé An hễ đi học về là xắn áo phụ tui phân loại ve chai, nấu cơm chăm em khi bố mẹ đi làm. Dù vất vả đến mấy, vợ chồng tui cũng hạnh phúc khi hai con vẫn còn được sống”. 

Chị kể thêm, An và Hưng không chỉ phải thay máu mỗi tháng một lần, mà còn phải cầm cự bằng thuốc thải sắt. Mỗi lần truyền máu, lượng sắt trong cơ thể lại dư thừa, nếu không kịp thời đào thải ra ngoài, tính mạng bệnh nhân sẽ nguy kịch. 

Trò chuyện được một lúc, cơn mưa bất chợt trút xuống, nước từ mái tôn thủng lỗ chỗ nhỏ xuống tí tách. Hai mẹ con chị ba chân bốn cẳng chạy đi tìm chậu hứng. “May mắn thay, mấy ngày trước một công ty vừa tài trợ cho gia đình tui một căn nhà tường xây mái ngói đúng như ước mơ của hai đứa nhỏ. Nhà vừa được xây xong hôm qua, vẫn chưa ở được, nhưng tối con tôi đã mừng rỡ ôm gối vào nhà ngủ. Tội nghiệp chúng nó, bác sĩ đã tiên lượng chúng không còn sống được bao lâu...”, người mẹ mắt ngấn lệ. 

Đã hơn 15 năm nay, dù ngày nắng hay ngày mưa, vợ chồng chị đều thức dậy lúc 4h sáng, đẩy chiếc xe rác cọc cạch rời khỏi căn chòi lá, đi khắp từng con đường lớn, đường nhỏ hốt rác. Nhiều khi màn đêm đã đen đặc họ mới bước cao bước thấp trở về.

Trên con đường chằng chịt những hố gà, hố voi, người chồng cật lực kéo, người vợ dốc hết sức đẩy từng chuyến xe rác cao hơn đầu người, mồ hôi nhễ nhại. Dù vất vả cực nhọc, họ vẫn quả quyết chưa một ngày ngừng từ bỏ hi vọng kéo dài sự sống cho các con.

Hai bé Hà Thị Thúy An (16 tuổi) và Hà Chánh Hưng (12 tuổi) đều phải thay máu định kỳ mỗi tháng một lần để kéo dài sự sống. Mọi sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm xin gửi về địa chỉ vợ chồng chị Trần Thị Kiều và anh Hà Văn Bình tại số 5M 38/1 ấp 5, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM. SĐT: 093.405.6855.

Đọc thêm