'Bỏ quên' ý thức, tai nạn rình rập đường vành đai 3 trên cao ở Hà Nội

(PLO) - Nhiều năm nay, người tham gia giao thông và người dân sống gần khu vực đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi “nóng mắt” về tình trạng người đi bộ, xe máy hồn nhiên đi lên đường vành đai 3 trên cao, xe khách “vô tư” dừng đón, trả khách tại đây, bất chấp nguy cơ gây tai nạn giao thông và coi thường quy định của pháp luật.
Nhiều người vẫn chờ bắt xe khách ở đường trên cao.
Nhiều người vẫn chờ bắt xe khách ở đường trên cao.

Càng cấm, càng làm

Đường vành đai 3 là đường cao tốc trên cao dành riêng cho ôtô. Tại hai đầu của tuyến đường này, cũng như các đầu đường dẫn lên cầu, các cơ quan chức năng đã lắp đặt hệ thống biển báo phân làn, biển cấm môtô, xe máy và người đi bộ.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân khu vực Khuất Duy Tiến, tình trạng vi phạm đã diễn ra từ lâu, gây mất an toàn giao thông cũng như mỹ quan đô thị nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Cũng có thời điểm tình trạng này được giảm bớt khi mà cơ quan chức năng tiến hành xử lý. Nhưng khi cơ quan chức năng rời đi thì mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Tại thời điểm phóng viên ghi nhận hình ảnh phía trên đường trên cao tại nút giao của đường dẫn từ đường Nguyễn Xiển đi lên có đến khoảng trên 40 người thoải mái tựa lưng vào thành cầu đứng đợi xe.

Thậm chí còn có những bậc cha mẹ thản nhiên đẩy xe nôi cùng đứa con băng qua làn xe đang lao vun vút để đi xuống dưới khiến không ít người chứng kiến phải lo lắng. Tất cả những hình ảnh trên tạo nên một cảnh tượng đầy nhốn nháo, làm xấu đi hình ảnh của một Thủ đô hiện đại và văn minh.

Đứng quan sát tại đây trong vòng chưa đầy 20 phút, phóng viên đã ghi nhận hàng loạt xe khách dừng đón, trả khách. Chủ yếu là các nhà xe chạy tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định… Cùng với tình trạng nhốn nháo của xe khách, xe ôm, người đi bộ trên cầu là việc các xe máy bất kể dung tích lớn bé, xe 2 bánh hay xe 3 bánh “vô tư” đi lên cầu.

Theo phản ánh của rất nhiều lái xe, gần đây tình trạng các xe mô tô phân khối lớn thay vì đi đường phía dưới cũng ngang nhiên đi lên đường trên cao. Những chiếc xe này nẹt pô, chạy tốc độ cao khiến các bác tài giật mình và phải “lép vế nhường đường”. 

Vào những khung giờ cao điểm, mật độ giao thông của đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng lên cao thì hình ảnh những chiếc xe máy, xe ba gác len lỏi, luồn lách ở đường trên cao lại xuất hiện gây ức chế tâm lý cho những người điều khiển phương tiện khác.

Cái giá đắt cho sự vô ý thức

Với vận tốc tối đa cho phép lên tới 90km/h nên chỉ cần một va chạm, sự cố rất nhỏ cũng sẽ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng ở đường vành đai 3 trên cao. Điển hình, vào ngày 7/10/2017, một nam thanh niên điều khiển chiếc xe máy mang BKS 36B5-832.12 chạy lên tuyến đường vành đai 3 trên cao, theo hướng đi từ Trần Duy Hưng tới cầu vượt Mai Dịch, khi đến gần tòa nhà Keangnam thì đâm vào một chiếc xe bán tải, BKS 29C-80xx bị hỏng đỗ bên làn dừng khẩn cấp.

Sau cú va chạm mạnh, nam thanh niên bị văng, đập vào thành lan can đường và tử vong tại chỗ.  Một vụ việc tương tự xảy ra vào khoảng 12 giờ trưa 9/11/2018, 2 nam thanh niên điều khiển xe máy di chuyển trên đường vành đai 3, hướng Nguyễn Trãi - Mai Dịch, đến đoạn đối diện tòa nhà Viglacera thì va chạm với xe tải lưu thông cùng chiều. Cú va chạm mạnh khiến 2 người ngồi trên xe máy văng xuống đường, bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.

Mặc dù đã có chế tài xử phạt rất rõ ràng được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, thế nhưng dường như người tham gia giao thông vẫn “phớt lờ” và cố tình vi phạm, bất chấp việc gây nguy hiểm đến các phương tiện khác đang lưu thông.

 Để chấm dứt tình trạng vi phạm, ngăn ngừa hiểm họa chết người rình rập ở đường vành đai 3 trên cao, thiết nghĩ lực lượng cảnh sát giao thông cần tiếp tục mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, cần lập danh sách các trường hợp người điều khiển xe mô tô hành nghề xe ôm đã bị lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản và xử lý vi phạm cung cấp cho công an các quận để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm chấm dứt tình trạng trên. Tổ chức lực lượng chốt chặn tại những điểm lên xuống để ngăn những người đi bộ lên trên cầu.

Các đơn vị chức năng như Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông… thường xuyên tuần tra, xử lí nghiêm các nhà xe vận chuyển hành khách có hành vi dừng đón trả khách trên tuyến đường.

Đọc thêm