Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường: "Mưa lũ nguy hiểm chưa từng thấy"

(PLO) - Chiều (11/10) sau cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về công tác ứng phó với tình hình mưa lớn và xả lũ hồ Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trả lời báo chí về mức độ ảnh hưởng và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả đợt mưa lũ nguy hiểm chưa từng thấy đang xảy ra trên diện rộng từ Hà Tĩnh trở ra các tỉnh miền núi phía Bắc.

 

Mực nước cao, Công ty thủy điện Hòa Bình đã mở liên tiếp 8 cửa xã đáy và có thể tiếp tục phải mở thêm
Mực nước cao, Công ty thủy điện Hòa Bình đã mở liên tiếp 8 cửa xã đáy và có thể tiếp tục phải mở thêm
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

2.896 hồ chứa đầy nước

PV. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của đợt mưa lũ lần này?

Có thể nói đợt mưa lũ lần này rất nguy hiểm. Chúng ta biết do tác động của áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu cộng với khí áp lạnh gây ra mưa trên một diện rất rộng từ các tỉnh Bắc Trung bộ cho đến các tỉnh miền núi phía Bắc. Rất hiếm khi nào chỉ trong vòng 1,5 ngày mà lượng mưa trên toàn vùng bình quân đạt 100mm, nhiều nơi lên tới 300-400mm. Đây là một đợt mưa rất bất bình thường.

 Đặc biệt nguy hiểm ở chỗ tất cả 2.896 hồ chứa từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc đều ở mức đầy nước và trong đó có 10-15% hồ đã bị tràn nước. Hai hồ lớn là hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Sơn La đều ở mức cột nước cao nhất. Ngày 10/10 /2017, mực nước tại hồ Hòa Bình đã lên tới 117m, mức nước cao nhất trong khi lũ về ở lưu vực hồ Hòa Bình tới 16.000 m3/s.

Như vậy, có thể nói đây là một trạng thái mưa rất lớn chưa từng thấy trong nhiều năm nay. Tình hình này đã nguy cơ đe dọa an toàn tới toàn bộ hệ thống hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa thủy điện, liên quan đến các hệ thống đê, những vùng dân cư trũng và sản xuất nông nghiệp. Mưa lũ đợt này xảy ra trong một bối cảnh cộng hưởng nhiều yếu tố như thế có thể nói là một đợt mưa lũ nguy hiểm chưa từng thấy trong nhiều năm qua.

PV. Bộ trưởng đánh giá đến thời điểm này, chúng ta đã làm được những gì và cần rút kinh nghiệm điều gì để hạn chế thiệt hại cho người dân?

Đến nay, tất cả Ban chỉ huy của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương, đặc biệt Ban chỉ huy các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra đến các tỉnh miền núi phía Bắc đã tập trung theo phương chậm 4 tại chỗ, phát huy tinh thần trách nhiệm. Đến giờ phút này, chúng ta đã bảo vệ cơ bản những công trình lớn từ hồ thủy điện, hồ thủy lợi và các công trình khác. Chúng ta không để xảy ra tình huống rủi ro, gây thiệt hại lớn. Về sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã có kế hoạch khoanh bao để tiêu, tát vùng trũng, giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp đến mức độ thấp. Đặc biệt, công tác di dời dân ra khỏi phạm vi những vùng nguy hiểm ven sông, ven suối, những khu vực cô lập ở trên hồ. Nhìn chung, các tỉnh đã tập trung chỉ đạo đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Không thể chủ quan

PV. Mưa lũ vẫn còn tiếp tục đến trưa mai, Bộ trưởng có khuyến cáo gì với người dân, đặc biệt bà con ở vùng hạ du để tránh thiệt hại cho người dân khi xả lũ?

Đợt này dự báo còn mưa đêm nay đến hết ngày mai với lượng mưa lớn, từ 50-100mm, đặc biệt là ở hai lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La. Đây là một tình thế rất khó khăn vì dù chúng ta đã xả tới 8 cửa xả đáy của hồ Hòa Bình, nhưng mức nước về hồ hiện nay vẫn còn cao; Thứ hai cột nước để dành cho cắt lũ không còn dung tích nữa. Do vậy, vùng này vẫn được đánh giá là rất nguy hiểm.

Mưa lũ năm nay xảy ra trong tình trạng suốt 10 tháng qua, mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc liên tục xảy ra, có nơi lượng mưa gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi năm ngoái. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ sạt trượt, nguy cơ lũ ống, lũ quét vẫn cực kỳ cao. Mặc dù chúng ta đã cố gắng nhưng riêng đợt này đã có 20 người bị thiệt mạng.

 Nếu như nay mai chúng ta làm không tốt thì tiếp tục còn những rủi ro xảy ra, đặc biệt thiệt hại cho người và tài sản. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo cho tất cả vùng này Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, nêu cao tinh thần chủ động khẩn trương theo phương châm 4 tại chỗ. Vừa rồi, các cơ quan truyền thông vào cuộc rất tốt. Tôi mong các cơ quan truyền thông tiếp tục truyền tải thông điệp công điện của Thủ tướng Chính phủ để làm sao cảnh báo cho người dân ở toàn vùng không thể chủ quan.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, sau ngày 15/10 áp thấp nhiệt đới đang hình thành ở ngoài biển Đông có xu hướng hình thành cơn bão mới. Cơn bão này nếu đúng như dự báo và lúc đó sẽ có tác động của gió mùa đông Bắc về thì mưa lũ lớn vẫn tiếp tục xảy ra với mức độ ghê gớm hơn. Chính vì thế, công tác cảnh giác, khắc phục, tổ chức thực hiện hiện nay không chỉ cho đợt này mà còn dự báo cho đợt ngày 14-15/10 tới đây. Tôi đề nghị cơ quan truyền hình, thông tấn, báo chí tăng cường hơn nữa thời lượng thông tin cảnh báo, các biện pháp khắc phục để làm sao cả xã hội, cả hệ thống chính trị cùng với người dân có thông tin để ứng phó kịp thời.

PV. Hiện nay, người dân rất quan tâm đến tình hình xả lũ ở các hồ thủy điện và nhiều nơi đang bị ngập lụt. Bộ trưởng có chỉ đạo, điều hành gì đối với các hồ thủy điện trong thời gian tới?

Vừa rồi, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Trung ương cùng với Ban chỉ huy các địa phương phối hợp rất chặt chẽ, nhất là với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều hành xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình. Trong hơn 1 ngày, lượng nước về trên 16.000 m3/s buộc chúng ta phải điều hành theo đúng quy trình. Mặc dù đã có thông báo đến người dân, nhưng chúng tôi đề nghị với mức độ như thế này và dự báo nay mai tiếp tục còn phải xả đáy ở cấp độ nhiều hơn.

Chính vì thế, tôi đề nghị bà con ở phía hạ du hết sức cảnh giác, liên tục tăng cường công tác phòng chống, đảm bảo sản xuất trên sông, trên suối an toàn; các hoạt động cát sỏi, đi lại trên lưu vực sông, suối phải hết sức chú ý bám vào các thông tin cảnh báo quá các phương tiện thông tinh đại chúng. Trên cơ sở đó, chúng ta có phương án phòng trừ tốt nhất, giảm thiểu rủi ro cho mình và giúp cho cộng động ứng phó thành công với thiên tai.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc thêm