Bữa cơm gia đình - dù “cách tân” nhưng vẫn luôn ấm áp

(PLO) - Không như người miền Bắc và Trung coi trọng bữa cơm gia đình truyền thống, người dân miền Nam và Nam Trung bộ thường có xu hướng tự do trong ăn uống của các thành viên trong gia đình. Nhưng, giữa đời sống hiện đại bộn bề, nhiều gia đình vẫn sống chung vài thế hệ dưới một mái nhà, duy trì được bữa cơm nhà đều đặn, theo cách thức rất riêng.
Gia đình cô bé Nguyễn Vũ Anh Thư luôn bên nhau ở mọi nơi, mọi lúc.
Gia đình cô bé Nguyễn Vũ Anh Thư luôn bên nhau ở mọi nơi, mọi lúc.

Cơm nhà: không chỉ là bữa cơm ở nhà

Với cô bé Nguyễn Vũ Anh Thư, học sinh lớp 12, Trường Lý Tự Trọng, TP Nha Trang, kể từ lúc ra đời và bắt đầu biết nhận thức, khái niệm “gia đình” luôn bao gồm bà nội, cha mẹ và hai chị em cô bé. Gia đình ba thế hệ ấy đã gắn bó với nhau hơn 20 năm nay, kể từ khi ông nội Thư mất, còn lại bà. Trong suốt những năm tháng từ ấu thơ đến lớn lên, cả gia đình ba thế hệ ấy luôn gắn kết với nhau không rời. Luôn luôn, trong mọi ngày, lúc ở nhà, trong mọi chuyến đi xa, luôn là bà nội, cùng với gia đình, không thiếu một thành viên nào.

Ba của Thư, ông Nguyễn Duy Tâm, là Giám đốc chi nhánh của một công ty bảo hiểm ở Nha Trang, thành đạt và bận rộn, nhưng có một nguyên tắc mà ông luôn duy trì cho gia đình mình, ấy là bữa cơm nhà. Cả gia đình luôn có bữa ăn hàng ngày cùng nhau, dù có bận rộn đến thế nào thì hầu như bữa cơm ấy vẫn được duy trì. Điều này đã trở thành một truyền thống của gia đình, từ lúc bà nội còn trẻ,  minh mẫn cho đến giờ đây bà đã lẫn, lúc nhớ, lúc quên.

Bữa cơm gia đình, với cả nhà Thư không phải chỉ là những bữa cơm nấu ở nhà, cùng nhau ăn ở nhà hàng ngày, vì luôn cùng nhau nên bữa cơm gia đình ấy cũng diễn ra ở khắp nơi: những quán ăn cả nhà cùng ăn dịp lễ, sinh nhật các thành viên, hay đơn giản là thèm đổi món; những điểm du lịch trên khắp cả nước mà cả nhà dắt nhau đi, và cùng thưởng lãm những món ăn ngon của địa phương. Thư tự nhận, em là một cô bé hạnh phúc khi luôn có một gia đình ấm áp ở bên mình.

Bà nội bị lẫn, không nhớ nhiều, cứ mỗi buổi sáng Thư đi học, bà luôn tiễn em ra cửa, rơm rớm nước mắt nói: “Nhớ về ăn cơm với bà nghen…” thì em biết, mình dù chơi với bạn bè vui thế nào, bay nhảy cho tuổi trẻ ra sao, vẫn luôn thương yêu và không muốn bỏ lỡ những bữa cơm cùng người thân mình.

Có lẽ, người dân Nam bộ là những người thoáng nhất trong quan niệm về bữa cơm nhà. Người Nam bộ thích ăn vặt, rất biết cách hưởng thụ cuộc sống, và trong ăn uống cũng thế. Bữa cơm, với họ, ngoài ba bữa chính trong ngày còn có vài bữa phụ khác, đặc biệt lúc rảnh rỗi, nông nhàn. Cây trái, mọi nguyên liệu có sẵn trong vườn, chỉ việc xắn tay vào làm là có ăn thôi.  

Với gia đình ông Lê Văn Tám, một gia đình 8 người, 4 thế hệ ở Thạnh Lộc, Cai Lậy, Tiền Giang thì bữa cơm gia đình hết sức cởi mở. Một nồi thịt kho nước dừa hay một cá kho tộ, hoặc cả hai, có thể để riu riu trong bếp, hâm dùng lại đến 3 ngày.

Chỉ có rau là thay đổi theo bữa ăn, bữa thì rau má, bữa bông thiên lý, bữa thì trong vườn có rau gì hái rau nấy làm một nồi tập tàng xanh mát. Vì tính chất công việc, cả nhà làm nông, ai rảnh giờ nào ăn giờ đó cho tiện, cơm canh chỉ việc bày sẵn ra bàn, úp lồng bàn, ai ăn tự xới lấy nên cả nhà thi thoảng mới có bữa cơm chung. 

Thế nhưng, bữa vặt thì lại hầu như không thiếu mặt ai. Chỉ cần trong nhà có người bâng quơ một tiếng: “Thèm ăn bánh bò dừa quá”. Ấy thế là, người mua bột, người rửa khuôn, người hái trái, kẻ nạo dừa… xúm nhau làm một mẻ bánh bò ngon, cả nhà vừa ăn vừa xuýt xoa, rồi ai lại làm việc nấy. Bữa cơm gia đình của họ, còn mở rộng “biên độ” ra xóm giềng. Ngôi nhà nằm sát bờ sông, mỗi khi có món ăn ngon, như nấu nồi măng vịt, nồi chè chuối, các cô con gái lại ra bờ sông, “đánh tiếng” với xóm giềng bằng cách mời to. Hàng xóm nào rảnh thì lục tục đến ăn, chuyện trò rôm rả. Mỗi bữa ăn như thế mất cả nửa ngày, đúng cái chất thảnh thơi người Nam bộ.

Cơm nhà, sợi dây kết nối cội nguồn

Sài Gòn, đô thị sầm uất nhất của phương Nam dường như đời sống người dân quá bận rộn để duy trì những bữa cơm gia đình, Thế nhưng, đáng ngạc nhiên là, rất nhiều gia đình trong số ấy lại vẫn xem bữa ăn gia đình như là một “nghi lễ” của cuộc sống chung, không thể thiếu hàng ngày. Có lẽ, Sài Gòn là vùng đất của những người nhập cư, trong quá trình sinh sống, họ mang cả sự pha trộn của truyền thống quê nhà hòa vào với mảnh đất này. 

Cô giáo Phan Thị Kim Oanh, giáo viên dạy sử Trường THPT Bà Điểm, Hóc Môn có đến hai “bữa cơm gia đình” mà chị thường xuyên tham gia. Đó là bữa cơm gia đình của nhà cha mẹ ruột chị, một gia đình gốc Hội An, sinh sống tại chợ Bà Hoa, Tân Bình, và gia đình chồng, những người Sài Gòn gốc của vùng Bà Điểm, Hóc Môn. Chị Oanh chia sẻ, cùng là ở Sài Gòn, nhưng hai gia đình có cách thức duy trì bữa ăn gia đình rất khác nhau.

Nếu như bữa cơm nhà chồng thi thoảng mới có một lần vào dịp cuối tuần, còn hàng ngày, mỗi thành viên tự lo cơm nước cho mình thì bữa cơm nhà cha mẹ ruột chị Oanh lại duy trì hàng ngày. Gia đình cha mẹ ruột chị Oanh gồm 12 thành viên, trong đó, 7-8 người thuộc 3 thế hệ, bao gồm hai ông bà cùng hai gia đình nhỏ và một cậu con trai chưa vợ sống chung một nhà tham gia bữa cơm nhà hàng ngày.

Thông thường, cứ cuối tuần, số thành viên tăng lên từ 12- 15 người, bao gồm cả nhà sống chung và các cặp vợ chồng dâu rể ra riêng, cùng tụ tập. Mỗi một cuối tuần như thế, việc ăn uống lại không trở thành “đại tiệc”, mà lại được tối giản cho dễ nấu nướng, dọn rửa. Các món ăn cuối tuần được chọn nấu thường là món quê hương bản quán, miền Quảng Nam, như mì Quảng, cao lầu, cơm gà… 

Bữa cơm là lúc họ chuyện trò bằng chất giọng “đúng Quảng” của người Quảng, chuyện quê hương, họ hàng, xứ sở, chuyện đời sống hàng ngày. Và đặc biệt, chắc chắn không thể thiếu trong bữa cơm hàng tuần là chuyện phân công “lịch” lao động, đóng góp vào sinh hoạt chung của gia đình. Cũng nhờ có những bữa ăn như thế, nên cho dù cha mẹ chị Oanh đã xa xứ Quảng vài chục năm, con cháu sinh ra ở Sài Gòn, khi ra ngoài giao tiếp như dân Sài Gòn bản địa, khi bước vào nhà vẫn là một người con xứ Quảng còn nguyên gốc rễ. Bữa cơm gia đình của họ như thế cũng là cách thức để kết nối với nguồn cội, quê hương xứ sở của mình.

Những câu chuyện nho nhỏ trong dòng chảy phương Nam đã chứng minh một điều, dù xã hội có hiện đại đến đâu, dù bữa cơm nhà có được “biến tấu” theo các cách khác nhau, phụ thuộc vào vùng miền thì bữa cơm gia đình vẫn là một “nghi lễ” rất thiêng liêng, không thể thiếu trong cuộc sống. Đó là sợi dây gắn kết tình yêu thương, gắn kết con người với gốc rễ, cội nguồn. Bữa cơm nhà là còn sự kết nối, sự sẻ chia và tình yêu thương./.

Đọc thêm