Bừng sắc Xuân trên đất Chín Rồng!

(PLO) - Hàng năm, vào dịp 21-23 tháng Chạp âm lịch, tại thành phố Cần Thơ thường diễn ra lễ hội “Sắc Xuân miệt vườn” trình diễn kỹ thuật nghề thủ công truyền thống và ẩm thực đặc trưng của 3 dân tộc Việt, Hoa, Khmer. 
Sắc Xuân đã bừng lên trên chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ.
Sắc Xuân đã bừng lên trên chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ.
Đến Tây Đô vào những ngày này, du khách không chỉ được đắm mình trong không khí Xuân về, Tết đến rộn ràng mà còn thỏa thích ngắm nhìn các sản phẩm gợi nhớ hình ảnh cái Tết dân tộc mộc mạc, dân dã chốn miệt vườn...  
Cùng với thưởng thức những món ăn độc đáo của người Việt ở Nam bộ, du khách còn có dịp trao đổi với nghệ nhân cách làm những món ăn chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết của người Việt như bánh xèo, bánh tét, bánh tráng, bánh phồng, bánh in, bánh kẹp, chả giò, gỏi cuốn, mứt dừa, mứt gừng; bánh củ cải, bánh hồng đào của dân tộc Hoa; bánh thốt nốt, bánh bí, bánh kèn của dân tộc Khmer...  
Trình diễn nghề làm bánh phồng truyền thống
Trình diễn nghề làm bánh phồng truyền thống 
Chẳng hạn, với bánh tét từ lâu vốn được hiện diện như một nét văn hóa độc đáo của người Nam bộ và là món không thể thiếu để dân cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày Tết.
Bánh hồng đào (thường gọi là bánh lá liễu - một món ăn và là loại lễ vật đặc biệt trong dịp cúng Bình An tại các chùa miễu nhằm đáp tạ thần ân vào tháng 12 âm lịch hàng năm hay dịp cúng chúc thọ trong các gia đình bà con người Hoa), sắc hồng của phẩm màu qua lớp bột tạo cho bánh một màu hồng trắng bóng của trái đào tiên và thấp thoáng sau lớp bột trong ẩn hiện những sắc màu như: đỏ cam của tôm khô, thịt nạc, đen của nấm, vàng của đậu phộng và xanh của rau cần gợi nên lòng háo hức không chỉ một lần được thưởng thức mà còn vì khát vọng trường sinh muôn thuở. 
Làm bánh tráng.
Làm bánh tráng. 
Với người Khmer, loại bánh làm từ trái thốt nốt đặc trưng còn là lễ vật của người Khmer dâng cúng tổ tiên, chư Phật, chư tăng trong mùa trái chín; còn bánh bí là món ăn quen thuộc của người Khmer ở quận Ô Môn với nguyên liệu từ trái bí đỏ mài ra trộn với bột gạo và dừa rồi đem hấp nên mang hương thơm và vị dịu ngọt đằm thắm. 
Bên cạnh đó, du khách còn có thể xem các nghệ nhân người Việt, Khmer tỉ mỉ thao tác chạm khắc, thư pháp, đan lát; làm thử những vật kỷ niệm cho mình bằng cách học thắt lá dừa trang trí từ sự hỗ trợ của nghệ nhân hay thực hành hoạt động chế biến lúa gạo theo phương thức thủ công truyền thống qua việc xay lúa, giã gạo. 
Đặc biệt, không khí lễ hội thêm phần rộn ràng hơn với âm thanh trong trẻo của đờn ca tài tử cùng sự diễn xướng không chê vào đâu được của những giọng ca “ngọt như mía lùi” chân chất Nam bộ, góp thêm bằng chứng về sức quyến rũ của loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại. Những ai được trải nghiệm cá nhân qua chương trình lễ hội này sẽ có thêm những góc nhìn mới về quá trình cộng cư, chung sống giữa các dân tộc trên vùng đồng bằng Cửu Long./.

Đọc thêm