Buổi đầu báo chí nước Việt

(PLO) -Phát triển hơn một thế kỷ- dù chưa dài, nhưng báo chí nước Việt đã tham dự mạnh mẽ vào nội tình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nước nhà ngay từ buổi đầu mới sơ khai cho tới bây giờ. 
Trương Vĩnh Ký
Trương Vĩnh Ký

Trong buổi ban đầu, báo chí Việt xuất hiện ở Nam kỳ trước nhất, thành cái “loa tuyên truyền” cho chính quyền thực dân tại vùng đất này. 

Thông tin sơ khai

Trước khi báo chí ra đời với chức năng chính là truyền bá tin tức, thì như trong “Báo chí Việt Nam từ khởi thủy cho đến 1945” cho hay, ở nước Việt ta, việc thông tin liên lạc đã được tiến hành từ rất lâu rồi. Cứ xem các xã thôn, khi có bất cứ tin tức gì cần thông tin đến cộng đồng, thì lập tức đã có thằng mõ thực hiện rất đắc lực, đến như vua Lê Thánh Tông còn phải khen:

Mõ này cả tiếng lại dài hơi,

Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi. 

Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi,

Kim thanh rền rĩ khắp đôi nơi. 

Rồi văn thơ truyền khẩu, ca dao, dân ca… tiếp đến là những cáo thị của vua, quan ban xuống cho kẻ dưới, rồi việc ghi chép sử, lại khi kỹ thuật ấn loát được ông Lương Nhữ Hộc thời Lê sơ truyền bá cho dân Việt, lại càng làm cho việc ghi chép, in ấn, thông tin nhiều hơn nữa. Ấy nhưng, lúc đó báo chí vẫn chưa ra đời. 

Những tờ báo đầu tiên trên đất Nam

Nói đến sự ra đời của báo chí nước Việt, không thể phủ nhận sự góp tay của người Pháp cùng mưu đồ chính trị thực dân buổi cuối thế kỷ XIX.

Sau những hiệp ước đã ký với nhà Nguyễn, thực dân Pháp tìm cách củng cố nền cai trị của mình, trong đó một vũ khí quan trọng là báo chí, vừa truyền bá văn minh Tây Âu, vừa phổ biến Pháp ngữ. Khi Nam kỳ trở thành xứ thuộc địa, thì theo đó vùng đất này trở thành nơi ra đời đầu tiên của báo chí Việt.

Ngày 29/7/1881, đạo luật Tự do báo chí được ban hành tại Pháp, và đất Nam kỳ lúc ấy thuộc Pháp, nên đạo luật này cũng được áp dụng tại Nam kỳ từ ngày 22/9/1881.

Theo đạo luật Tự do báo chí, việc in ấn sách, báo là tự do, không phải xin phép chính quyền, người quản lý báo phải là người Pháp… Dẫu vậy, đạo luật này áp dụng ở đất Nam kỳ đều phải theo sự chỉ đạo, kiềm chế của chính quyền thực dân. 

Ban đầu, những tờ báo tiên phong xuất hiện nơi đất Nam kỳ, rặt tiếng Pháp mà thôi. Ngày 29/9/1861, tờ Le Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Nam kỳ viễn chinh công báo) được phát hành bởi Đô đốc Bonard. Báo này được “phát hành mỗi tuần một lần, gồm những nghị định, thông tư”.

Đến năm 1888 thì đình bản. Vậy là đồng thời với công cuộc chiếm dần đất Nam kỳ, thì báo chí đã ra đời, dĩ nhiên là phục vụ cho công cuộc thực dân. 

Tiếp theo sau, tờ Xã thôn công báo (Le Bullentin des Communes) ra đời năm 1862, in bằng chữ Hán để phổ biến dân chúng Việt bấy giờ vẫn còn mang nặng tư tưởng Tống Nho, ưa chữ Hán hơn thứ chữ Tây mới.

Báo in xong, được gửi đi khắp các làng xã, mục đích “giúp cho người dân hiểu rõ quyền lợi và bổn phận của họ, những biện pháp thi hành của viên Thống đốc chỉ huy trưởng hầu thiết lập một nền an ninh trật tự cho xứ sở và gây sự thịnh vượng cho toàn dân” (Trích Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945). Dĩ nhiên là lời lẽ mị dân đó hòng che đậy cho cái được gọi là “công cuộc khai hóa văn minh”. 

Hai năm sau, ngày 1/1/1864, tờ Sài Gòn thư tín (Le courrier de Saigon) được phát hành, báo in những công văn, nghị định của Chính phủ, những vấn đề xã hội và tin tức địa phương. Đồng thời in thêm một số phụ trang văn học, lịch sử. Báo được phát hành 2 lần trong tuần.

Đến ngày 3/11/1894 tăng lên 3 lần một tuần. Ban đầu báo được điều khiển bởi Gaston Alemot. Đến năm 1899 thì thuộc quyền sở hữu của Paul Blanchy, Đô trưởng Sài Gòn. 

Nhìn chung, việc ra đời những tờ báo buổi ban đầu này, đúng như nhận xét của Nguyễn Việt Chước trong Lược sử báo chí Việt Nam “Báo chí Việt Nam trong chặng đường đầu tiên khi xuất hiện chỉ là một công cụ của nhà nước Pháp… Những ông chủ da trắng này biến báo chí thành cái loa cho họ phổ biến tin tức theo ý muốn của nhà nước thời đó”.

Tờ báo tiếng Việt đầu tiên

Việc ra đời tờ báo quốc ngữ đầu tiên, lại cũng liên quan đến Đô đốc Bonard. Theo Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ, ông chính là người giúp đỡ cho việc ra đời của tờ báo tiếng Việt đầu tiên: tờ Gia Định báo. Để làm được việc này, phải đặt làm những chữ in ở bên Pháp mới có thể in được chữ quốc ngữ, và việc này phải đến tháng Giêng năm 1864 mới xong. 

Gia Định báo
Gia Định báo

Ngày 1/4/1865, Chính phủ cấp giấy phép phát hành Gia Định báo cho Ernest Potteau. Một người Việt được giao quyền thay mặt Ernest Potteau quản lý tờ báo tiếng Việt đầu tiên đó là nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Theo Mục lục báo chí Việt ngữ từ khởi thủy đến 1945, thì sau thời gian 4 năm dưới sự điều khiển của Ernest Ptteau “qua đến 16/9/1869 giao về ông Trương Vĩnh Ký”. Khổng Xuân Thu trong tác phẩm Trương Vĩnh Ký cho biết, khi đảm nhận tờ Gia Định báo, Trương Vĩnh Ký được khoản thù lao 3.000 quan mỗi năm. 

Gia Định báo phát hành ngày 15 hàng tháng với số thứ nhất ra đời ngày 15/4/1865. Báo có tuổi thọ khá lâu khi tồn tại được 32 năm, kết thúc sứ mệnh vào năm 1897. Gia Định báo được mua cả năm với giá 20 francs, 6 tháng thì giá còn phân nửa, và 3 tháng thì 5 francs. 

Về mặt nội dung, theo Lược sử báo chí Việt Nam, “tờ Gia Định báo đăng tải khá nhiều tiết mục, chia ra làm hai phần chính: phần công vụ và phần tạp vụ. Trong phần công vụ, tờ báo phổ biến những tin tức liên quan tới hoạt động hành chánh của nhà nước thuộc địa, tin thuyên chuyển hay bổ nhiệm các nhà cai trị người Pháp, hoặc những bố cáo của nhà nước.

Trong phần tạp vụ, tờ báo phổ biến lời rao linh tinh liên quan tới đất đai, nhà cửa, án lệ”. Điểm đặc biệt là thuở đó, trên Gia Định báo đã có mục quảng cáo ở trang 4 dành cho những cá nhân, tập thể có nhu cầu mua, bán hay cầm cố đồ đạc, tài sản. 

Ở thời E.Potteau điều khiển, Gia Định báo chủ yếu có hai phần như trên. Nhưng sang thời Trương Vĩnh Ký thì Gia Định báo có nội dung phong phú hơn, mang hồn cốt của một nhà văn hóa tầm cỡ châu Á dạo ấy với nhiều bài nghiên cứu lịch sử, thơ, chuyện cổ tích…

Ban biên tập Gia Định báo tập hợp nhiều tên tuổi nổi tiếng như Trương Vĩnh Kỹ, Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của… Về mục tiêu của báo, được Thống đốc chỉ huy trưởng Nam kỳ G.Roze cho hay là “nhằm phổ biến cho giới dân bản xứ tất cả các tin tức”

Người tiên phong

Không phải ngẫu nhiên mà trong “Sài Gòn năm xưa”, cụ Sển khẳng định “ông là tổ nghề báo quốc văn ta vậy”- ấy là lời nhận xét dành cho Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), người Việt tiên phong trong lĩnh vực báo chí buổi đầu sơ khai. 

Học giả họ Trương, theo miêu tả của Đặng Thúc Liêng trong Trương Vĩnh Ký hành trạng, có cho biết tên tự là Sĩ Tải. Ông thường được gọi là Pétrus Ký, bởi theo Công giáo.

Quê vốn đất Vĩnh Thành (Cái Mơn), nhờ được theo học trường dòng ở nước ngoài, cùng trí thông minh, ham học, Trương Vĩnh Ký trở thành một nhà bác ngữ, thông thạo 26 ngoại ngữ gồm rất nhiều sinh ngữ, từ ngữ khác nhau. 

Khi Pháp có mặt ở Nam kỳ, ông làm thông ngôn, từng tham gia các cuộc thương thuyết Pháp – Việt. Trong đời, Trương Vĩnh Ký kinh qua nhiều công việc khác nhau, lúc dạy trường Thông ngôn (1866 - 1868), rồi Giám đốc tờ Gia Định báo; làm Thư ký Hội đồng Thành phố Chợ Lớn (1872), Giáo sư trường Hậu bổ (1873), viết văn, viết sách; tham gia Viện Cơ mật ở Huế (1886) thời vua Đồng Khánh. Cuối đời ông dạy chữ Hán, chữ Miên, viết sách cho tới khi mất. Đương thời khen ông là:

Giãi thông các nước tự âm,

Ngự Diên khuya sớm lao tâm chẳng nài.

Khen người thật có tài Bác Học,

Du Lịch cùng Đại Lục, Á, Âu.

(Trích Tây Công Nhựt Báo)

Trong buổi sĩ phu, trí thức nước Việt còn đang lửng lơ giữa cái cũ, cái mới, đón nhận văn minh phương Tây với nhiều bỡ ngỡ, rụt rẻ, thì ngay khi còn sống, năm 1874, Trương Vĩnh Ký đã được thế giới bình chọn là “nhà bác học về ngôn ngữ”, nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ XIX, được ghi tên vào các danh nhân thế giới trong Tự điển Larousse. Và công khai mở cho báo chí quốc ngữ nước Việt, hẳn ghi sự dự phần khai mở của nhà báo họ Trương…

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 59, ngày 27/6/2016)

Đọc thêm