Buồn vui kỷ lục bán... nước lã mưu sinh

(PLVN) - Giếng cổ Bá Lễ (nằm ở kiệt đường Phan Chu Trinh, phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam) từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân phố cổ. Tại đây, có một nghề mà nghe qua, ai nấy cũng thấy lạ lẫm: bán nước lã! 
Vợ chồng cụ Đường và anh con trai hơn 50 tuổi trong căn nhà nhỏ.
Vợ chồng cụ Đường và anh con trai hơn 50 tuổi trong căn nhà nhỏ.

Công việc hàng chục năm qua rất nhiều người nghèo bám lấy làm kế sinh nhai rồi được Tổ chức Kỷ lục VN trao kỷ lục: “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam” như trường hợp cụ ông Nguyễn Đường (SN 1931, ngụ phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam)… 

Mưu sinh nhờ nước lã

Kiệt nhỏ số 30 đường Phan Chu Trinh còn được gọi “hẻm Bá Lễ”. Hàng chục năm qua, cứ tầm 4 giờ sáng, nơi đây đã nhộn nhịp tiếng bước chân qua lại, với đôi quang gánh cũ hay những chiếc xe đạp thồ ba bánh gỉ sét. 

Thấy khách chần chừ hỏi giếng cổ Bá Lễ, một người đàn ông trung niên chạy trên chiếc xe đạp treo lủng lẳng mấy can nhựa hồ hởi: “Cứ đi theo tui. Mà ngại chi, du khách đến Hội An sớm ri, ai cũng tìm giếng cổ này để tham quan, tự tay múc gàu nước giếng để thưởng thức vị ngọt của nó”.

Hỏi tên, người đàn ông nói luôn một lèo: Trần Trung Mẹo, 48 tuổi, ngụ phường Minh An, có thâm niên gần 20 năm gánh nước. Anh Mẹo cho biết, trước đây làm “thợ đụng” (đụng đâu làm đó). Thời điểm đó, tình cờ đi ngang qua giếng Bá Lễ, thấy nhiều người đến lấy nước, anh lân la hỏi chuyện và bắt mối rồi theo nghề luôn.

Theo anh Mẹo, hầu hết các quầy dịch vụ ở phố cổ đều lấy nước từ giếng Bá Lễ. Nước để rửa, tưới, tắm, đặc biệt dùng pha trà xanh, chế các món ăn đặc sản như Cao lầu, chè Xí mà….Thậm chí nhiều người khẳng định, chỉ có nước giếng Bá Lễ mới có thể chế biến được món ăn đậm đà, giúp sợi mỳ mềm, ngon hơn hẳn. 

Với người dân phố Hội, đây là giếng thiêng. Cũng vì thế, khách du lịch đến Hội An từ lâu đều bị hút hồn, muốn thưởng thức dòng nước mát lạnh, trong vắt với những câu chuyện huyền bí quanh giếng cổ. Nhiều vị khách nước ngoài còn đề nghị xin được đưa nước giếng cổ về làm quà. 

Còn anh Mẹo, vào nghề không cần vốn liếng, chỉ việc đầu tư mua vài cái can nhựa cỡ 20 lít, dùng lâu dài. Ban đầu, anh bắt mối cho những cụ già có thói quen pha trà bằng nước giếng cổ, rồi đến các quầy bán rau xanh ở chợ. Lâu dần, cả nhà hàng ăn uống, các khách sạn hạng sang phục vụ khách tây, ta đặt hàng. Thu nhập theo đó cải thiện dần. Gia đình không còn cảnh thiếu hụt, đói kém, giờ anh cũng “lên đời” được chiếc cúp 50. 

Áp dụng thời giá hiện tại, anh Mẹo tính, cứ mỗi can nước 20 lít, giá 7-10 ngàn đồng tùy theo quãng đường đi, trừ chi phí cũng còn dư được 200 ngàn, coi như lấy công làm lãi. Đến nay có khoảng hơn chục người thường xuyên mưu sinh bằng nước giếng cổ Bá Lễ như anh. Những người làm nghề này đều có hoàn cảnh na ná nhau: Nhà nghèo, con đông, không một tấc đất canh tác, không có đồng vốn giắt lưng.

Cụ Đường bên giếng Bá Lễ.
Cụ Đường bên giếng Bá Lễ.

“Cái triết lí “nước lã cầm hơi” đã được đổi bằng phương châm “mưu sinh nhờ nước lã”. Giếng cổ nuôi người và chính nó tự cứu nó trong khi bị nhịp sống hiện đại vùi trong quên lãng…”, anh Mẹo bộc bạch. Cũng theo anh Mẹo, giếng cổ Bá Lễ đi vào đời sống của người dân phố cổ như một huyền thoại.

Gánh nước thuê lâu nhất Việt Nam

Tuy nhiên, anh Mẹo cho biết, ở giếng cổ Bá Lễ, người bán nước lã nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học như anh chưa phải thuộc dạng éo le, cùng cực. Hoàn cảnh đặc biệt nhất phải kể đến đôi vợ chồng cụ ông Nguyễn Văn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ (cùng SN 1931, sống gần giếng cổ).

Nói về ông bà, ai cũng lắc đầu ái ngại: “Hoàn cảnh lắm. Vợ chồng già yếu, con bị tâm thần, hơn 50 tuổi vẫn như đứa trẻ lên ba. Bởi rứa, sống gần trọn đời vẫn chưa có lấy một ngày sung sướng”. 

Cụ Đường người gốc Hội An, kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Mỹ ở cách phố Hội không xa. Cưới nhau, hai vợ chồng trẻ vào Sài Gòn sinh sống và có được con trai đầu lòng Nguyễn Văn Quốc (SN 1959). Khi lên 3 tuổi, sau trận ốm, Quốc được bác sĩ chuẩn đoán bị thần kinh. Dù gia đình chữa trị ở nhiều nơi nhưng bệnh của Quốc vẫn không thuyên giảm. Hai vợ chồng đưa con về lại Hội An sinh sống. 

Thời điểm đó, không có đất canh tác, cụ bà Mỹ gánh nước thuê ở giếng cổ Ba Lễ, còn cụ Đường bốc vác tại bến thuyền ven sông Hoài. Để có tiền lo thuốc thang cho con, hai cụ quyết định không sinh thêm. Vào năm 1965, cụ Đường mới chuyển hẳn sang nghề gánh nước.

Đến nay, sống hơn 80 năm tuổi đời, vợ chồng cụ Đường có thâm niên 50 năm gánh nước giếng đi rao bán. Cả đời, các cụ cũng chưa biết cảm giác cầm tay lái chiếc xe đạp, xe máy như bao nhiêu người khác.

Đôi thùng nhôm cũ với chiếc đòn gánh tre mòn vẹt trở thành vật dụng bất ly thân với họ. Ngày còn trẻ, ông bà có hai đôi gánh. Cứ chân đất đầu trần, gánh nước đến từng nhà thuê. Bây giờ chân yếu, mắt mờ, ông bà chung gánh. 

Sáng sáng người dân phố Hội quen với hình ảnh cụ Mỹ nặng nhọc kéo từng mo nước đổ chừng nửa đôi thùng, sau đó lẽo đẽo đi theo sau chân cụ Đường để giúp ông vượt qua những vật cản dọc đường. Cũng có khi thay hình ảnh ông lão, bằng  một “đứa trẻ” 50 tuổi- anh Quốc con trai ông bà. 

“Không có cái giếng này, gia đình tôi không sống nổi đến ngày hôm nay. Chúng tôi làm từ lúc chỉ nhận mấy hào đến mấy đồng cho một đôi nước, giờ lên 10.000 đồng như bây giờ. Mới đây, tui vừa được Tổ chức Kỷ lục VN trao bằng xác lập kỷ lục: “Người gánh nước giếng thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam”, cụ Nguyễn Đường nói.

Nói như lời ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao Hội An, Giếng cổ Bá Lễ là nét văn hóa trong đời sống tâm linh người dân Phố Hội. Và chính những người phu gánh nước giếng thuê cũng làm nên một sản phẩm du lịch, làm đẹp hơn cho phố cổ. Sự tồn tại của họ, như cụ Đường, trở “di sản” đáng trân trọng, lưu truyền và tôn thêm vẻ đẹp cho Hội An.

Tuy nhiên, ngược lại với sự “nổi tiếng”, cuộc sống của gia đình cụ vẫn đầy cơ cực với nhiều nỗi lo canh cánh. Căn nhà nhỏ, không giường chiếu. Ngày đông, cụ ông, cụ bà cùng đứa con ngây dại, cứ thế xếp dọc ngay lối đi mà ngủ.

Ngoài mức lương trợ cấp người già ít ỏi, ông bà già nhưng vẫn gánh nước thuê, chi tiêu tằn tiện với hi vọng, có thể sắm sửa chút vật dụng “để mai này cho con”. Thế nhưng, thực tế, cụ Đường cho biết, cũng không thể dư dả được. Vậy nên, vợ chồng luôn phải dặn dò “cố dìu nhau mà sống”.  

Giơ hai bàn chân chai sạn, nứt nẻ, cụ Đường ngậm ngùi: “Chừ, sức yếu, đi không đã khó, huống chi gánh nước. Mùa đông, trời mưa như ri, đường trơn lắm. Tui phải cố gắng bám mười đầu ngón chân và cả bàn chân xuống mặt đường để trụ.

Có mấy lần trượt ngã, gánh nước văng mỗi đầu một gàu. Bởi rứa, tui mới bảo thằng Quốc theo phụ gánh giúp. Một phần để cho nó ra đường tiếp xúc. Một phần, rủi tui có làm sao, có nó đỡ kịp...”. 

Nói đoạn, cụ thở dài, nhìn ra ngoài trời. Mưa đang rơi nặng hạt bên mái hiên nhà...

Đọc thêm