Cà phê dạo thật, giả tùy… tâm người bán

(PLO) - Giá rẻ, tiện lợi mà vẫn có thể thưởng thức cà phê ngon, không ít người Hà Nội thay việc vào quán bằng sử dụng cà phê bên đường. Tuy nhiên, việc nhiều người mưu sinh bằng mặt hàng không quá tốn vốn lại dễ kiếm lời trên cũng phát sinh tiêu cực… 
Cà phê dạo thật, giả tùy… tâm người bán
Đừng nghĩ “dạo” mà chê
Không cần phải vào quán, chỉ ngồi ở vỉa hè, góc phố, công viên hay thậm chí đi đường, người ta cũng có cơ hội thưởng thức cà phê. Người bán đạp xe, với đồ nghề, có biển hoặc dán lên giỏ xe, thùng đựng cà phê hàng chữ “cà phê dạo”, “cà phê” hay “cà phê xe đạp”. 
Hình thức bán cà phê này tiện lợi, thỏa nhu cầu của những người bận rộn, không có thời gian hoặc cơ hội đến quán cà phê. Họ chỉ cần bỏ ra 10 nghìn đồng với cà phê đen, 13 nghìn đồng với cà phê nâu (cà phê sữa) là thoải mái thưởng thức hương vị thơm ngon của món đồ uống hấp dẫn này.
Dịch vụ bán hàng này “bay” từ TP.HCM ra và đang trở thành một hình thức kinh doanh phổ biến ở Thủ đô. Anh Trần Hữu Thời, quê ở huyện Nghĩa Hưng - Nam Định là người đầu tiên mang nghề cà phê dạo ra Hà Nội, cho biết: “Trước đây gia đình tôi vào Đắk Lắk thuê rẫy trồng cà phê. Cả gia đình vật lộn với 5ha mà cuộc sống vẫn nghèo. Một lần ra Sài Gòn, thấy thị trường có vẻ bán được cà phê dạo, tôi làm thử và có hiệu quả. Mỗi ngày tôi bán được hàng chục lít cà phê - mức cao nhất mà những người bán dạo đạt được. Sau hơn nửa năm bám trụ ở Sài Gòn, tôi quyết định chuyển ra Hà Nội”.
Năm 2006, anh Thời bán cà phê dạo ở Hà Nội. Để tiếp thị, anh đi khắp khu phố cổ mời khách uống miễn phí. Không những không uống, khách Hà Nội vốn khó tính còn chê cà phê anh bán là hàng rẻ tiền. Nhưng anh Thời không nản, kiên nhẫn mời. Anh còn ghi cả số điện thoại của mình lên thùng xốp cà phê để khách hàng tiện gọi.
“Mưa dầm thấm lâu”, bằng cách quảng bá mộc mạc như vậy, cuối cùng anh Thời đã thành công. Anh tiếp tục rủ người thân ở quê ra làm, thuê thêm nhân công bắt tay vào việc kinh doanh. Giờ anh đã có cả một hệ thống bán cà phê dạo, cho thu nhập khá. “Nhiều người nghe chữ “dạo” không tin vào chất lượng cà phê của chúng tôi. Nhưng chúng tôi khẳng định là làm ăn lâu dài, uy tín” - anh Thời khẳng định.
Phát triển cà phê dạo, anh Thời tạo được công ăn việc làm cho nhiều người họ hàng ở quê, trong đó có  Trần Hữu Hùng, tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Do không xin được việc nên Hùng đi lao động tại Lào nhưng đồng lương công nhân thấp, môi trường làm việc vất vả, anh quyết định về nước theo chú đi bán cà phê. “Lúc đầu đi bán dạo cũng ngại, nhưng sau thấy trong nhóm có nhiều người hoàn cảnh tương tự mình nên tôi vui vẻ làm” - Hùng bày tỏ. Giờ thì Hùng đã rất lành nghề trong bán cà phê dạo.
Không đến nỗi vất vả như anh Thời, anh Phạm Văn Dũng (sinh năm 1981, ở đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy) sáng lập Roam Cafe. Từ năm 2012 đến nay, anh đã góp phần “hâm nóng” thị trường cà phê dạo. Theo chân anh Thời, anh Dũng, không ít người khác cũng tìm cách tiếp cận cách làm ăn này, trong đó có nhiều người là sinh viên mới ra trường, thậm chí là sinh viên đang học cũng tranh thủ kiếm tiền chi tiêu. Những người có khách quen, bán nhiều hàng có thể kiếm được 500 nghìn đồng/ngày.
Chất lượng tùy tâm người bán 
Như đã nói ở trên, khách hàng ở Hà Nội vốn khó tính nên rất lo ngại về chất lượng cà phê từ chính chữ “dạo”. Nhưng theo tính toán của anh Thời, anh Dũng, giá hạt cà phê ở Việt Nam không đến nỗi đắt, nên cứ làm chất lượng và chỉ bán 10 nghìn đồng/cốc vẫn có lãi. 
Anh Thời khẳng định: “Làm ăn không tử tế thì không được lâu dài, một khi khách đã quay lưng thì chẳng biết bấu víu vào đâu nữa. Hoặc khi các cơ quan chức năng “sờ gáy” thì cũng hết đường làm ăn. Chúng tôi quyết không vì lợi nhuận trước mắt mà cho ra những ly đồ uống pha tạp, nhạt nhẽo”.
Tuy nhiên, thị trường cà phê dạo không chỉ có anh Thời, anh Dũng mà còn rất nhiều người khác. Không ít trong số họ sẵn sàng mua cà phê rởm để giảm giá thành, hoặc tự tạo ra nguyên liệu cà phê để có lãi hơn. Một người chuyên bán cà phê cho biết: “Một số người bán cà phê dạo đã rang cháy gạo và ngô, sau đó đun lấy nước, tạo vị đắng rồi mua hương liệu tạo mùi cà phê về pha chế. Tuy vậy, loại đồ uống này chỉ đánh lừa được những người mới uống, chứ không qua mặt được những người dùng cà phê lâu năm”. 
Anh Phạm Thế Anh, một người nghiện cà phê, cho rằng: “Pha tạp như vậy, nếu người nào ít uống thì không phân biệt được cà phê giả, cà phê thật, nếu may thì mua được cà phê thật, còn kém may thì đành phải chịu thôi”.
Theo cảnh báo của ngành y tế, những thực phẩm cháy có thể gây ung thư dạ dày và ung thư phổi. Còn cà phê giả làm từ hương liệu tạo mùi cà phê hiện bán tràn lan, không được kiểm nghiệm chất lượng và không an toàn cho sức khỏe. Vậy nên, đối với cà phê dạo, người uống nên sử dụng của những người bán quen, có uy tín. 

Đọc thêm