Các mẹ đã là tượng đài trong lòng dân

(PLO) - Không có tình cảm nào thiêng liêng và cao quý hơn tình mẹ. Và cũng không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất con, tình mẫu tử chia lìa. Vì thế nên không người phụ nữ nào khi sinh ra lại muốn mình trở thành Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, được dựng tượng đài bằng đá “vô tri, vô giác” kia?

Công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lớn nhất Đông Nam Á sẽ được khánh thành.
Công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lớn nhất Đông Nam Á sẽ được khánh thành.
Không ai muốn trở thành Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng?
Xưa nay, người Việt Nam vẫn luôn tự hào về bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa của dân tộc mình. Một dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn. Một dân tộc nhỏ bé nhưng rất đỗi anh hùng khiến nhiều cường quốc hùng mạnh trên thế giới từng phải cúi đầu, khiếp sợ. Chúng ta, thế hệ hôm nay vẫn dặn nhau rằng phải luôn tự hào về những trang lịch sử vẻ vang của thời đại Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh,…
Nhưng để có được hai chữ hòa bình ấy, máu của biết bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống và vĩnh viễn nằm lại nơi “viễn xứ”, để lại nỗi khắc khoải, chờ mong nơi quê nhà bóng mẹ già nua với căn nhà nhỏ đơn sơ hiu quạnh tuổi xế chiều. Các anh – những người con của mẹ - ra đi, đi mãi không về. 
Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, cả nước có hàng triệu người ngã xuống, hàng vạn người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc này những đứa con ruột thịt mà họ hết lòng yêu thương. Vẫn còn đó hình ảnh bất tử mẹ Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) 9 lần tiễn con ra đi không một ngày về, mẹ Nguyễn Thị Rành (TP. Hồ Chí Minh, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân) có 8 người con hy sinh,… Và lịch sử sẽ không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của các mẹ.
Hòa bình đến, những người mẹ đủ điều kiện thì được Nhà nước tôn vinh danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng như là niềm tự hào. Nhưng trong thẳm sâu các mẹ là nỗi đau không gì có thể sánh bằng. Những đứa con ấy là điểm tựa tinh thần, là tổ ấm yêu thương, là bến đỗ tuổi xế chiều, nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã thôi thúc họ hy sinh hạnh phúc cá nhân, động viên những đứa con của mình cầm súng ra chiến trường; rồi lại lần lượt đón nhận niềm đau trong những lần cầm giấy báo tử. 
Chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ.
Chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ. 
Và cứ thế, nước mắt mẹ cứ rơi, rơi đều hàng đêm, qua ngày tháng đến khô cạn. Vì thế, chắc hẳn không một người mẹ nào trên thế giới này lại muốn sau này mình sẽ “phấn đấu” trở thành Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bởi hơn ai hết, các mẹ hiểu rõ chắc chắn là phải chịu một nỗi đau đớn nhất của thế gian. Thế nhưng, lịch sử dân tộc Việt Nam lại hoàn toàn khác khi có những người phụ nữ anh hùng như thế trong mọi thời đại.
Trong lòng chúng con, các mẹ đã là tượng đài !
Từ năm 2004, tỉnh Quảng Nam đã khởi xướng ý tưởng về việc xây dựng một khu Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ với quy mô cấp tỉnh để con cháu đời đời nhớ ơn các mẹ. Niềm vui như được nhân lên khi Nhà nước quyết định tăng kinh phí xây dựng tượng đài với quy mô và tầm vóc của một công trình trọng điểm cấp quốc gia. Từ đó, mức đầu tư cũng đưa lên gần gấp đôi là 81 tỷ đồng. Tiếp đến năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam lại quyết định táo bạo khi bổ sung thêm 330 tỷ đồng, nâng kinh phí xây dựng công trình lên con số “khủng” là 411 tỷ đồng, để xứng tầm cỡ là Tượng đài lớn nhất Đông Nam Á.
Việt Nam có được một Tượng đài mang tầm vóc quốc tế như vậy không chỉ là niềm tự hào cho những người con đất Quảng mà còn là niềm kiêu hãnh của lớp lớp người Việt trên khắp mọi miền đất nước. Trong lòng mọi người hy vọng rồi mai đây, thế giới sẽ biết nhiều hơn đến Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé nhưng quá đỗi hào hùng, vì nơi đây có hình ảnh những bà mẹ tần tảo sớm hôm và giàu đức hy sinh như thế. 
Nhưng đằng sau sự tự hào, ngưỡng mộ ấy là bài học đau đáu, phải ngẫm suy. Ai cũng biết sự hy sinh của các mẹ là lớn lao biết chừng nào, và không gì có thể bù đắp nổi… Không người mẹ nào khi sinh ra  lại mong mình sẽ được dựng tượng đài hoành tráng bằng đá. Và cũng không có nỗi đau nào lại muốn được đắp thành pho tượng lộng lẫy màu mè. Vì thế, việc xây dựng Tượng đài là việc nên làm nhưng chưa phải cần trong tình hình như hiện nay. 
Thay vì đầu tư một số tiền lớn như vậy, chúng ta nên dành thời gian cho những việc tưởng chừng nhỏ nhất như quan tâm, chăm sóc, thăm hỏi, động viên gần 7 ngàn Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đang còn sống thường xuyên hơn. Đó chính là sự tri ân, trân trọng giản đơn nhất đối với cống hiến của các mẹ cho Tổ quốc.
Còn với những người mẹ đã khuất, hình tượng các mẹ đã sống mãi trong biết bao thế hệ người con đất Việt. Các mẹ sẽ rất buồn khi thấy con cháu của mình lãng phí trong việc dành quá nhiều tiền của để xây dựng tượng đài cho các mẹ mà thiếu sự đồng thuận của lòng dân. Các mẹ sẽ cảm thấy vui hơn khi con cháu đời sau vẫn thường xuyên ghé thăm mộ mẹ, nhà các mẹ để thắp cho các mẹ và những đứa con của các mẹ một nén hương ấm nồng. Đó là sự tôn vinh thiết thực và ý nghĩa nhất.
Nói như một người bạn của chúng tôi rằng, khi nguyện hiến dâng những người con máu mủ của mình cho Tổ quốc, các mẹ sẽ không mong muốn mình được trở thành Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và càng không ước ao sẽ được đời sau biết ơn. 
Các mẹ chỉ mong mỏi một điều duy nhất mà thôi, đó là quê nhà không còn chiến tranh, làng xóm yên bình, những người con của họ có cái ăn, cái mặc và được học hành. Và chỉ mong rằng, khi các con mẹ nằm xuống, các mẹ sẽ không phải sống đời hiu quạnh, cô đơn với những nỗi đau thế kỷ./.

Đọc thêm