Cách nào để kéo giảm số người chết do lũ lụt?

(PLO) - Đợt lũ lụt kinh hoàng vừa qua ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, về mặt hậu quả còn phải khắc phục chắc chắn không thể ngày một, ngày hai; nhưng nguyên nhân sẽ còn “nóng” mãi về công tác nghiên cứu cũng như quản lý.
Cách nào để kéo giảm số người chết do lũ lụt?

Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã có bài “Thiên tai và nhân tai” nói đến khía cạnh con người vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm trong nhiều “thảm họa”. Đó là “tiêu diệt” rừng không thương tiếc, đó là “lật tung” rừng lên để tìm kiếm khoáng sản… Bài báo này chỉ nói đến dự báo sạt trượt gây hậu quả nhiều khi kinh hoàng như vụ sạt lở ở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, vùi lấp 18 người và 7 nhà sàn của bà con ở đây.

Tất nhiên, khi con người đang làm cho chính sự tồn tại của mình mong manh hơn thì vụ này không phải là cá biệt và không phải là cuối cùng.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai các năm 2000-2014 cả nước xảy ra 250 trận lũ quét, sạt lở đất, làm chết và mất tích 640 người, bị thương 350 người, thiệt hại trên 3.300 tỷ đồng. Con số thiệt mạng do trượt lở đất hàng năm vẫn tăng đều.

Khi triển khai đề án phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá vùng miền núi, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận có 10.260 điểm đang có nguy cơ sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó 2.110 điểm nguy cơ có khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn. Nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải (GTVT), Bộ GTVT cho thấy, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bão, lượng mưa trung bình năm cao, địa hình chủ yếu là vùng núi, hoạt động kiến tạo cổ tạo ra các đứt gãy có quy luật theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Hoạt động sụt trượt đất đá trên các tuyến đường thuộc mức trung bình cao so với thế giới.

Chúng ta trở nên “bất lực” trước nạn “hủy diệt” rừng và khó kiểm soát việc đào bới khoáng sản nên việc dự báo mưa lớn, kéo dài, nguy cơ sạt lở trở nên quan trọng. Theo nhiều chuyên gia, nếu mỗi người dân được trang bị kỹ năng phòng chống thiên tai thì sẽ giảm thiểu rủi ro. Để có giải pháp phòng chống hiệu quả, cần cái nhìn tổng quan ở tầm vĩ mô, có các công cụ hữu hiệu để quản lý, như xây dựng cơ sở dữ liệu vùng nguy cơ; xây dựng hệ thống quan trắc tại các địa phương; lập bản đồ cơ bản như nhận dạng trượt đất, đánh giá khu vực nhạy cảm, đánh giá rủi ro các điểm từng trượt lở, khu vực ảnh hưởng khi trượt đất. Đồng thời thiết lập hệ thống thông tin công cộng để dự báo và cảnh báo cho cộng đồng, lập hệ thống giám sát khu vực, có kế hoạch sơ tán dựa trên bản đồ tích hợp, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm...

Điều này có thể làm được trong môi trường hội nhập khi nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước đã là thành viên của Hội Trượt đất quốc tế (ICL). Nghiên cứu và có các giải pháp khả khi, cảnh báo sạt lở hạn chế rủi ro là trách nhiệm của Nhà nước, không thể không làm.

Đọc thêm