Cách nào ngăn "máu chảy" rừng Mường Nhé?

(PLO) - Dù xác định nguyên nhân chính dẫn tới việc phá rừng là do một lượng lớn người dân di cư tự do “tràn” tới địa bàn huyện Mường Nhé (Điện Biên), nhưng lãnh đạo tỉnh này thừa nhận chưa có cách để ngăn cho “máu” của rừng không tiếp tục chảy. 
Dân di cư tự do tạo áp lực cực lớn đối với kinh tế - xã hội của địa bàn Mường Nhé
Dân di cư tự do tạo áp lực cực lớn đối với kinh tế - xã hội của địa bàn Mường Nhé

10 năm, tăng gần 4 vạn người 

Theo lãnh đạo huyện này, khi mới chia tách vào năm 2002 huyện có khoảng 25 ngàn dân nhưng đến thời điểm năm 2012, dân số huyện đã tăng lên 61,8 ngàn dân. Sau khi cắt chuyển một phần diện tích, dân số theo nghị quyết của Chính phủ, tính đến tháng 6/2016, dân số trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng 36,8 ngàn người. “Dân số Mường Nhé tăng lên là tăng cơ học và chủ yếu là do dân di cư từ nơi khác đến” - Bí thư huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Sáng khẳng định. 

Trước “làn sóng” di cư ồ ạt về Mường Nhé, vào năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện này (gọi tắt là Đề án 79). 

Tìm hiểu của PLVN cho thấy, trong 4 năm qua đã có 1.100 tỷ đồng đã được Nhà nước giải ngân để thực hiện đề án trên. Nhưng đến thời điểm hiện tại cũng mới chỉ xây dựng, phê duyệt được 24 phương án bố trí dân cư, vẫn còn 7 phương án chưa được phê duyệt do đang chờ điều chỉnh đề án. 

“Chúng tôi đã thực hiện di chuyển dân đến nơi ở mới theo quy hoạch. Hiện mới di chuyển và bố trí, sắp xếp ổn định cho 533 hộ/1.079 hộ. UBND huyện cũng đang thực hiện việc chia đất ở (từ 400-600m2/hộ) cho 463 hộ, đã chia đất sản xuất cho 246 hộ và đang tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng  mặt bằng để chia đất cho số hộ còn lại” - ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé nói.  

Tính đến nay, trong 29 điểm bản thành lập mới theo Đề án 79, UBND huyện Mường Nhé cũng đã bắt đầu thực hiện hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ gạo, dụng cụ sản xuất cho các hộ dân.  

“Bắt cóc bỏ đĩa”

Trò chuyện với PLVN, ông Vảng A Vàng nói từ Hà Giang, qua Tuyên Quang, Yên Bái và giờ, ông chọn nơi để cư trú là bản Pá Lùng 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Ở đây được 4 năm, nhưng việc sản xuất gặp khá nhiều khó khăn, cuộc sống hàng ngày chật vật và vẫn đang trông chờ vào những hỗ trợ từ cán bộ quản lý khu vực. “Năm 2016, tha hồ ăn nhưng mà năm 2017 chưa biết thế nào, không biết Nhà nước có cho gì để ăn không. Tôi đã đăng ký cán bộ đi vào khu ở tập trung mà mãi không thấy được đi” - ông Vàng băn khoăn.  

Đây chỉ là một trong số hàng ngàn người dân di cư tự do đang có mặt bất hợp pháp ở Mường Nhé (có mặt sau thời điểm thực hiện Đề án 79) mà chính quyền địa phương chưa biết xử lý ra sao. Trong khi theo UBND huyện Mường Nhé, thời gian từ sau 30/4/2011 đến thời điểm hiện nay, dân di cư tiếp tục đổ về địa bàn huyện. Theo thống kê, đã có 395 hộ với 2.021 dân di cư mới ở các địa phương khác di chuyển về đây để mưu sinh.  

Qua rà soát số dân này hầu hết đều thiếu đất ở, đất sản xuất, không thuộc quy hoạch bố trí, sắp xếp theo Đề án 79 đã dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Theo UBND tỉnh Điện Biên, nguyên nhân chính để xảy ra phá rừng là do một số lượng lớn người dân di cư tự do từ các địa phương khác đến địa bàn phá rừng để lấy đất trồng cây lượng thực, lấy gỗ để làm nhà ở với thủ đoạn rất tinh vi, có tổ chức. 

Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì lẩn trốn vào rừng, dùng số đông để áp đảo, gây sức ép, cản trở. Thậm chí, không ít trường hợp khi bị lập biên bản vi phạm đã khai báo bằng tên, địa chỉ giả dẫn đến việc xác minh thông tin để lập hồ sơ xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình dân di cư tự do vào địa bàn huyện Mường Nhé vẫn diễn biến phức tạp, UBND huyện này đã nỗ lực phối hợp với các lực lượng trên địa bàn vận động bà con quay về nơi ở cũ nhưng mọi chuyện lại không hề đơn giản. 

“Bà con khi bỏ chỗ cũ để đến đây sinh sống đa phần đã bán hết nhà cửa ruộng nương nơi ở cũ nên khi chúng tôi vận động, thậm chí đưa về tận nơi, bàn giao lại cho chính quyền ở đó nhưng chỉ ít hôm lại thấy xuất hiện trở lại ở Mường Nhé” - Chủ tịch Thanh phàn nàn.  

Có thể nói, “làn sóng” di dân tự do đã, đang nằm ngoài tầm kiểm soát và giải quyết của huyện Mường Nhé, thậm chí của tỉnh Điện Biên. Việc di dân tự do diễn biến phức tạp và được địa phương báo cáo lên trung ương. 

Theo ông Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, thì tỉnh này sẽ kiên quyết trao trả 373 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu dân di cư tự do đến địa bàn huyện Mường Nhé sau thời điểm 30/4/2011 về địa bàn xuất cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bởi số dân này nằm ngoài khả năng dung nạp và sắp xếp bố trí của địa phương. Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhận địa phương đang hết sức lúng túng chưa có giải pháp cụ thể nào để thực hiện chủ trương nói trên. 

Mường Nhé là huyện biên giới, miền núi nằm cách thành phố Điện Biên Phủ 200 km về phía Tây Bắc. Đây là huyện nghèo thuộc chương trình 30a của Chính phủ, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao chiếm 74,02 %.  

Đọc thêm