Cái kết không ngờ của bà mẹ “vạn lý tìm con“

(PLO) - Hành trình 17 năm tìm đứa con bị bắt cóc đã khiến Ye Jinxiu tan vỡ hôn nhân, mất nhà và chẳng còn gia đình. Nhưng buồn thay khi bà tìm thấy con, nó đã trở thành một gã đàn ông trưởng thành, xa lạ và chẳng còn muốn liên quan tới bà. 
Cái kết không ngờ của bà mẹ “vạn lý tìm con“
"Mất con còn đau hơn mất tim"
Giờ đây ở tuổi 59, vô gia cư và cô đơn thêm một lần nữa, Ye đang dành những ngày cuối đời của mình dọc ngang trên các con phố ở Fuzhou, bờ biển phía Đông Trung Quốc. Nhưng bà không đi lang thang vô định mà dành chút sức tàn còn lại để giúp các gia đình tìm kiếm con cái bị bắt cóc của họ.
Hàng chục ngàn đứa trẻ ở Trung Quốc, phần lớn là bé trai, đã bị bắt cóc mỗi năm ở Trung Quốc. Phần lớn đều bị bán ở trong nước để đáp ứng nhu cầu có con trai của không ít gia đình, vốn đã không thể thực hiện được vì nhiều lý do, chủ yếu là rào cản từ chính sách một con của Trung Quốc. Nhu cầu mua trẻ không giảm xuống bởi các gia đình thực hiện điều này gần như không bị pháp luật sờ gáy. Ngoài ra như đánh giá của Ye, cảnh sát Trung Quốc thường bất lực trước nạn buôn người. 
“Bị bắt cóc mất con còn tệ hơn việc ai đó bóp nát tim bạn. Bởi nếu không còn tim, bạn sẽ chết ngay và chẳng còn biết gì nữa" - bà nói và nhìn vào một tấm vải nhựa lớn mang theo bên mình, có in ảnh và thông tin tìm kiếm hàng loạt đứa trẻ bị bắt cóc - "Nếu con bạn bị bắt cóc và không được tìm thấy, mỗi ngày thức dậy con tim bạn sẽ đầy sự đau đớn".
Vấn nạn lan rộng
Trung Quốc không công bố thông tin về việc có bao nhiêu đứa trẻ bị bắt cóc mỗi năm. Tuy nhiên trong 10 tháng đầu năm 2013, đã có 24.000 đứa trẻ được giải cứu, dù con số này chỉ là một phần nhỏ thực tế. 
Theo Deng Fei, một nhà báo chuyên xử lý vấn đề bắt cóc trẻ em, rất nhiều đứa trẻ đã bị bắt cóc tại những khu vực sống sâu trong nội địa Trung Quốc, sinh ra từ các gia đình nghèo khó. Các bé sau đó sẽ được bán cho nhiều gia đình giàu có sống ở bờ biển phía Đông đất nước, đặc biệt là các tỉnh như Phúc Kiến, nơi Ye sống. 
Ông nói rằng hàng chục ngàn đứa trẻ có thể đã bị bắt cóc mỗi năm, được bán với giá từ 20.000 NDT (6.000 USD) tới 60.000 NDT. Ông cho biết đây mới chỉ là các ước tính sơ bộ. Như để minh chứng cho nhận định của Deng, trên một trang web dành riêng cho việc tìm kiếm trẻ bị bắt cóc, đã có 14.000 gia đình đăng thông báo tìm con. 
Trẻ em ở các vùng nông thôn đặc biệt dễ tổn thương, bởi có 2/5 trẻ nông thôn sống cách xa cha mẹ. Họ phải lên thành phố kiếm ăn và thường để con cái lại cho ông bà trông nom. 
Bà Ye bên cạnh tấm vải nhựa đăng ảnh và thông tin của những đứa trẻ bị bắt cóc
 Bà Ye bên cạnh tấm vải nhựa đăng ảnh và thông tin của những đứa trẻ bị bắt cóc
Cảnh sát đôi khi từ chối điều tra các vụ bắt cóc bởi cơ hội phá án thấp có thể ảnh hưởng thành tích chung. Deng nói rằng họ cũng không săn lùng các gia đình mua trẻ bị bắt cóc. Ngoài ra hoạt động buôn bán trẻ em tăng mạnh đôi khi còn được sự giúp sức từ chính những kẻ được giao cho công việc chăm sóc trẻ. 
Hồi tháng 12 vừa qua, một viên bác sĩ phụ sản ở Thiểm Tây, Trung Quốc, đã phải ra tòa vì bán 7 đứa trẻ sơ sinh, sau khi thuyết phục cha mẹ chúng từ bỏ con cái, nói rằng con họ bị dị tật bẩm sinh.
Một số bài báo xuất hiện trước đó 2 tháng nói rằng một cặp vợ chồng ở Thượng Hải đã bán con gái, chỉ để có tiền mua điện thoại iPhone. Khi bị bắt, ông bố bà mẹ này nói rằng muốn cho con có cuộc sống tốt hơn, thông qua việc sống trong một gia đình giàu có hơn. 
Một bà mẹ tên Yang Jing, 35 tuổi, cho AFP biết rằng cô đã dành 12 năm trời để tìm kiếm đứa con trai bị bán cho một cặp vợ chồng giàu có ở Giang Tô, với thủ phạm bắt cóc bán trẻ chính là chồng cô. "Cặp vợ chồng nói với tôi rằng họ không bắt cóc con tôi, bởi cha đẻ của cháu đã cho con mình đi" - cô kể. 
Nhiệm vụ thiêng liêng
Với Ye, bà đã đi qua 10 tỉnh ở Trung Quốc sau khi đứa con trai 6 tuổi mất tích vào năm 1993. Dọc đường bà đã nhặt rác, rửa chén bát thuê, vay mượn để có tiền tìm con. Bà phải ngủ ở công viên, có lần suýt chết và chồng đã van xin bà bỏ cuộc nhiều lần, trước khi chính ông bỏ đi. 
Bà đã tìm thấy nhà của kẻ bắt cóc buôn người vào năm 1995, nhưng nhà chức trách chỉ hành động sau nhiều năm áp lực. Năm 2000, ba kẻ bắt cóc bị tuyên phạt có 3 năm tù giam. Một thập kỷ sau, cảnh sát mới tìm thấy con trai bà là Lu Jianning.
Đêm trước ngày gặp mặt, Ye đã không thể ngủ. Nhưng khi gặp lại, con trai còn chẳng muốn ôm bà. Nó ở với bà trong một năm và bà đã vay mượn thêm tiền để nó tiếp tục việc học. Thế rồi nó đột ngột biến mất và đã không liên lạc gì với bà trong 2 năm qua. 
Bà để tấm vải nhựa in hình những đứa trẻ mất tích ở những nơi yên tĩnh, để cảnh sát không tới làm phiền bà. Ngoài tấm vải nhựa này, bà còn phát các tờ rơi chứa đầy những gương mặt non tơ, bầu bĩnh. Đó là hai anh em “Dou Dou” và “Yuan Yuan”, bị bắt cóc khi còn là trẻ sơ sinh trong cùng một ngày vào năm 1991. Đó là một bé gái tóc ngắn bị bắt cóc khi từ nhà trẻ về nhà hồi năm 2010. 
Một số người đi qua đường thi thoảng dừng lại để xem các bức ảnh và đọc thông tin kèm theo. Một người như thế họ Zhen đã đổ lỗi cho chính quyền vì không giúp đỡ các gia đình nông thôn. "Nếu họ không phải tới thành phố kiếm sống, họ đã có thể chăm sóc con cái và số vụ bắt cóc sẽ giảm đi" - người này nói. 
Nỗ lực tìm con của Ye khiến bà phải trả giá bằng sức khỏe. Bà ho ra máu và giờ khó có thể nhìn thấy gì do mắt yếu. Bà cũng nợ bà con quá nhiều tiền nên không dám về quê. Nhưng với bà, tìm kiếm những đứa trẻ bị bắt cóc vẫn là một nhiệm vụ thiêng liêng. "Chỉ cần nhìn vào những gương mặt thơ ngây xinh xắn đó đã đủ để khiến bạn tan nát con tim" - bà nói - "Tôi tìm thấy con mình nhưng các bậc phụ huynh khác không may mắn như thế nên tôi vẫn không thể ngừng tìm kiếm". 

Đọc thêm